Tham nhũng vẫn nghiêm trọng

ANTĐ - Hôm qua, 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2012. Báo cáo nêu rõ, tham nhũng vẫn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Sai phạm lớn, thu hồi ít

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, trong năm 2012, số vụ tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân đã thụ lý kiểm sát điều tra 225 vụ, 450 bị can; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1%. Đặc biệt, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 9 người bị xử lý hình sự, 31 người bị xử lý kỷ luật. 

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được rất ít. Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Đơn cử, vụ việc tại công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; vụ 3 lãnh đạo chi nhánh Hồng Hà của Ngân hàng NN&PTNT lạm quyền trong thi hành công vụ gây thiệt hại 487 tỷ đồng...

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đáng chú ý, trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng, nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng. Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tình hình phát hiện và xử lý tham nhũng trong các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Ngoài ra, qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp, có vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật; án tham nhũng được đình chỉ ở một số địa phương còn cao...

Lãnh đạo phải từ chức nếu cơ quan có tham nhũng?

Nhiều Ủy viên UBTVQH chưa hài lòng với những nhận định chung chung về công tác phòng chống tham nhũng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói thẳng: “Tôi không thấy được so với năm 2011 tình hình năm nay có gì khác! Báo cáo của UBTP có lưu ý loại tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, nhưng cũng chưa phân tích kỹ. Cứ báo cáo chung chung như thế này thì chưa được”.

Một số ý kiến khác nêu câu hỏi: “Báo cáo nêu tình trạng vụ việc tham nhũng phát hiện nhiều, xử lý ít, lớn chuyển thành bé, vì sao? Tại sao có chuyện thiệt hại về tài sản lớn, thu hồi lại thấp?” Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng giải trình: “Trong nhiều trường hợp sai phạm được kết luận rất lớn, nhưng việc thu hồi không khả thi; khả năng hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ quản lý cũng rất khó khăn. Có doanh nghiệp đã dùng tiền mua cổ phiếu, đầu tư vào bất động sản, dẫn đến mất vốn. Việc chứng minh được yếu tố vụ lợi, tham nhũng trong các vụ án kinh tế là rất khó khăn. Ai cũng biết mua sắm đồ đã qua sử dụng thì khó định giá, rất dễ “gửi giá”, nhưng chứng minh được không phải dễ, nhất là trong mua sắm có yếu tố nước ngoài”. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phản ánh, tham nhũng trong một số lĩnh vực dịch vụ công như y tế, giáo dục vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Ông bức xúc: “Nạn phong bì trong các lĩnh vực này rất phổ biến, tuy số tiền một người không lớn, nhưng cộng lại toàn xã hội là rất lớn”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị: “Phải lựa chọn được khâu đột phá trong phòng chống tham nhũng. Nên siết chặt “trách nhiệm người đứng đầu”. Cụ thể, người đứng đầu phải xin từ chức hoặc chịu kỷ luật Đảng nếu để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng trong đơn vị mình phụ trách”.

Lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai là rất lớn

(Trong ảnh: Khu đất rộng gần 5.000m2 của Ngân hàng Vietcombank
tại Khu đô thị mới Cầu Giấy bị bỏ hoang nhiều năm nay)

“Nhà nước mất nhiều, còn tham nhũng lại được”

Ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012. Theo Ủy ban Tư pháp, chống lãng phí đầu tư công phải được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bởi qua phản ánh của nhân dân, dư luận thì đầu tư công đang là lĩnh vực Nhà nước mất nhiều, còn tham nhũng lại được. 

Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, tình trạng không chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính vẫn xảy ra nhiều, gây thất thoát, lãng phí lớn. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2012, Kho bạc Nhà nước phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa thực hiện đúng thủ tục, chế độ quy định, đã từ chối thanh toán trên 371 tỷ đồng. Đồng thời, các cơ quan thanh tra Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 3.529 tỷ đồng và kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm. Trước các vi phạm nghiêm trọng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền làm rõ những vụ việc sau khi chuyển cho cơ quan điều tra thì kết quả xử lý thế nào. Đặc biệt cơ quan điều tra đã xử lý  những cá nhân nào và kết quả xử lý ra sao. Vì nếu không có kết quả phản hồi, không có xử lý thì chưa đầy đủ và hiệu quả chống lãng phí chưa đạt được.