Tham nhũng ngày càng tinh vi

(ANTĐ) - Ngày 30-9, tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhận định, “tình hình tham nhũng năm 2010 tuy có giảm nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và  tinh vi hơn”. Nghiêm trọng nhất vẫn là tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý tài sản công.

Tham nhũng ngày càng tinh vi

(ANTĐ) - Ngày 30-9, tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhận định, “tình hình tham nhũng năm 2010 tuy có giảm nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và  tinh vi hơn”. Nghiêm trọng nhất vẫn là tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý tài sản công.

Đất đai là lĩnh vực ẩn chứa nhiều nguy cơ tham nhũng

Đất đai là lĩnh vực ẩn chứa nhiều nguy cơ tham nhũng

Ít đơn vị tự phát hiện tham nhũng

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 của Chính phủ đánh giá, nhìn chung công tác xử lý tham nhũng đã có chuyển biến. Nhiều vụ án mới phát hiện đã được xử lý nhanh, kịp thời, dứt điểm. Các vụ án tồn đọng được tập trung xử lý. Các vụ việc nghiêm trọng, dư luận bức xúc được quan tâm chỉ đạo xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng trong những năm gần đây liên tục giảm cả về số vụ và số đối tượng. Chính phủ cũng cho biết, trong năm qua, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước). VKSND các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10% số bị can cùng kỳ năm trước). TAND các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo (giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo so với cùng kỳ năm trước).

Thẩm tra của UB Tư pháp của Quốc hội nhất trí với nhiều đánh giá của Chính phủ về tình hình chống tham nhũng năm 2010. Tuy vậy, UB này cũng chỉ ra: “tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng”. Đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử hàng trăm vụ tham nhũng với hàng trăm đối tượng phạm tội, nhưng cả nước mới chỉ có 25 cơ quan, tổ chức, đơn vị tự phát hiện được tham nhũng.

Cũng theo UB Tư pháp, số bị cáo phạm tội tham nhũng bị Tòa án phạt tù nhưng cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ 34,6%, số bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm chiếm 22,7%. Số bị cáo bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền chiếm tỷ lệ 11,06%. Việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo tại một số địa phương còn chiếm tỷ lệ cao như Cà Mau (72%), Phú Thọ (69%), Lâm Đồng (68%)... Ngoài ra, trong gần 3 năm qua, không ít vụ tham nhũng đã khởi tố, sau đó đình chỉ điều tra mà lý do chủ yếu là người vi phạm đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, có nhân thân tốt nên không xử lý hình sự mà chuyển sang xử lý hành chính.

Khắc phục hậu quả chậm

Từ những phân tích trên, UB Tư pháp cho rằng, cần làm rõ về quan điểm xử lý và việc áp dụng pháp luật đối với những người có hành vi tham nhũng, nhất là việc bồi thường, khắc phục hậu quả của người tham nhũng để đình chỉ điều tra, xử lý nội bộ và căn cứ vào nhân thân tốt để cho hưởng án treo.

Trong nhiều năm qua, số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng là cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ cao trên tổng số bị can bị khởi tố, với số tiền bị chiếm đoạt không nhiều, trong khi đó, số người phát hiện, xử lý thì số tiền bị chiếm đoạt lại rất lớn. Đây là thực trạng cần được quan tâm, đánh giá đúng mức. Cùng với đó, việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra còn chậm. Nhiều sai phạm được phát hiện nhưng xử lý hình sự ít. Cụ thể, kết quả thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo có kiến nghị xử lý kỷ luật 562 tập thể, 2.035 cá nhân nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra hình sự có 62 vụ, 84 đối tượng có liên quan tới tham nhũng. Cũng theo UB Tư pháp, thực tế cho thấy, các vụ nhận hối lộ chỉ khi được phát hiện mới thấy rõ có sự móc nối, bao che, thậm chí còn hướng dẫn lập chứng từ để hợp thức hóa sai phạm giữa người có chức vụ, quyền hạn và người đưa hối lộ.

Việc giải quyết các vụ án tham nhũng, theo UB Tư pháp, nhìn chung tiến bộ điều tra, truy tố, xét xử còn chậm, có vụ kéo dài, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó có những vụ án nghiêm trọng được Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tập trung chỉ đạo từ những năm trước. Có vụ vi phạm pháp luật được phát hiện đã lâu nhưng đến gần đây mới có quyết định khởi tố vụ án... UB Tư pháp cho rằng, cần nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những tồn tại trên trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Thành Nam