Thảm họa nợ công vẫn không có lối thoát

ANTĐ - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 28, 29-6 tại Brussels được kỳ vọng sẽ tìm ra được phương thức ngăn chặn "thảm họa" lây lan nợ công ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, Tương lai đồng Euro trong bối cảnh cơn bão khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ quật ngã ngay cả những nền kinh tế hàng đầu ở lục địa già vẫn không có gì sáng sủa.

Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU hướng trọng tâm thảo luận vào 4 chủ đề chính gồm: tìm kiếm giải pháp hợp nhất các hiệp ước hiện hành thành "Hiệp ước tăng trưởng" chung cho Eurozone; xác định rõ tương lai của Eurozone trong thập kỷ tới; thảo luận cơ chế thành lập Liên minh ngân hàng và trao cho EU quyền kiểm soát các khu vực tài chính cũng như ngân sách của các nước thành viên. 

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công, Tây Ban Nha vừa phải xin hỗ trợ tài chính cho thấy trụ cột thứ 4 của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới đã trở thành quân bài domino tiếp theo bị sụp đổ trong cơn giông tố nợ công. Ngay sau đó, Cộng hòa Cyprus cũng “theo chân” Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha gia nhập danh sách những nước cần cứu trợ. Điều này có nghĩa là hơn 1/4 trong số 17 nước của khối đồng tiền chung đang ở trong tình trạng báo động. Trong khi đó, chi phí đi vay của Italy cũng đang tăng lên và rất có thể đây sẽ là nước tiếp theo. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này các nhà lãnh đạo EU phải đau đầu tìm cách dập “đám cháy” khủng hoảng đang ngày càng lan rộng chứ chưa nói đến việc tìm cách phục hồi nền kinh tế vốn đã quá ốm yếu. Trước sức ép mạnh mẽ trên toàn cầu trong việc EU phải đẩy lui khủng hoảng nợ và ngăn chặn sự sụp đổ về kinh tế với những hậu quả nghiêm trọng, cũng như  thị trường trước tình hình nguy cấp tại Tây Ban Nha buộc Hội nghị phải đưa ra phương án thiết lập cơ chế giám sát Ngân hàng T.Ư trên toàn khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone), nhưng sự hoài nghi về tính hiệu quả hệ thống giám sát tài chính chung cũng không phải là điều kỳ diệu giúp Eurozone thoát khỏi cuộc khủng hoảng như Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và người đồng cấp Italia Mario Monti đã cảnh báo thảm họa sẽ xảy ra nếu các nhà lãnh đạo Eurozone không có biện pháp để hạ lãi suất của trái phiếu Chính phủ hai nước này liên tục leo thang trong những ngày qua. Riêng trong phiên giao dịch ngày 28-6, trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha thời hạn 10 năm đã quay trở lại mức báo động 7%, của Italia là 6,28%.

Ngoài ra, dự báo GDP của Italia - nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực sẽ giảm tới 2,4%, thay vì 1,6% đưa ra trước đó. Sau nhiều năm chi tiêu phóng tay, Hy Lạp đang phải lệ thuộc vào hai khoản vay cứu trợ có tổng trị giá 240 tỷ euro kể từ tháng 5-2010. Sự bất lực của quốc gia này trong việc giải quyết "núi nợ" đang đặt ra câu hỏi lớn về tình hình sức khỏe tài chính của toàn Eurozone.

Hiện Pháp vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận sự hội nhập chính trị sâu hơn trong EU. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thẳng thừng bác bỏ đề xuất chính của Pháp về việc phát hành trái phiếu khu vực đồng Euro. Người đứng đầu nước Đức khẳng định các công cụ chung của khu vực đồng Euro - như trái phiếu, hóa đơn thanh toán và kế hoạch chuộc nợ - không chỉ không có tác dụng thúc đẩy kinh tế EU tăng trưởng mà còn không phù hợp với Hiến pháp của Đức, là sai lầm và phản kinh tế. Bà Merkel cho biết: “Không có điều kỳ diệu nào có thể giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngay lập tức hay thoát khỏi nó hoàn toàn. Khi chúng ta đưa ra Hiệp ước Tài chính với các chính sách về tăng trưởng và việc làm tại Bruxelles, việc cải cách cấu trúc của các nước thành viên để tăng tính cạnh tranh sẽ vẫn phải là ưu tiên hàng đầu cho chương trình phát triển. Đó phải là những yếu tố chủ chốt cho sự phát triển hiệu quả”.

Thành ra, dù “Hội nghị Thượng đỉnh EU - cơ hội để thoát khỏi khủng hoảng” là điệp khúc được lặp lại nhiều nhưng đều kết thúc với kết quả hạn chế. Thực tế, có vẻ như Hội nghị lần này cũng không khác với những Hội nghị thượng đỉnh đã diễn ra từ khi EU lâm vào khủng hoảng. Kể từ tháng 12-2009 tới nay, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã tiến hành 18 phiên họp, trong đó 10 phiên chính thức và 8 phiên phi chính thức. 

Dự án đồng euro không thể sụp đổ hay bị đảo ngược -  là thông điệp mà 4 lãnh đạo của 4 quốc gia lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu là Pháp, Đức, Italy, và Tây Ban Nha cùng đưa ra. Một bản kế hoạch 10 năm được vạch ra nhằm đẩy mạnh sự phát triển của Eurozone và ngăn chặn khủng hoảng xảy ra trong tương lai, tuy nhiên theo các nhà phê bình, nó sẽ không giải quyết được các vấn đề về nợ công hiện tại. Dù đã có nhất trí về một gói các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng trị giá  130 tỷ Euro để giúp vực dậy sự trì trệ của nền kinh tế khu vực, song các nhà lãnh đạo EU hầu như chưa tìm ra “phương thuốc” nào thực sự hữu hiệu cho “cơn bạo bệnh” - suy thoái đang ngày càng trầm trọng hơn ở khu vực đồng Euro. 

Trong lúc này, các vấn đề của khối đồng tiền chung Euro dường như ngày một trầm trọng và tồi tệ hơn. Chi phí vay mượn, mức suất của trái phiếu 10 năm của Chính phủ Tây Ban Nha đã leo lên mức 7% một lần nữa - mức lợi suất được cho là không thể chi trả nổi.Thị trường chứng khoán của cả Tây Ban Nha và Italia đều sụt giảm khoảng 1%. Chỉ số chứng khoán DAX của Đức cũng đã giảm gần 1%. Sự sụt giảm của chỉ số là do kết quả báo cáo thất nghiệp của Đức, báo cáo này đã cho thấy số người thất nghiệp tăng gấp đôi so với dự kiến trong tháng vừa qua (khoảng 7.000 người). 

Cuối cùng thì vẫn như nhận định của bà Merkel: “Sẽ không có một lời giải nhanh chóng hay lời giải đơn giản nào cả và cũng sẽ không có một công thức thần kỳ nào có thể giải quyết bài toán khủng hoảng nợ của các chính phủ trong tình hình hiện nay”.