‘‘Thảm họa” bán trẻ em làm nô lệ lao động

ANTĐ - Mỗi năm, có hơn 200.000 trẻ em (dưới 14 tuổi) rơi vào tay bọn buôn người, rất nhiều gia đình nghèo khổ phải bán con em họ chỉ đổi lấy khoảng 1.000 rupee (400.000 đồng). Trong không khí lao động gấp gáp, ngột ngạt, những lao động trẻ em phải gồng mình làm như những cỗ máy để đẩy mạnh tiến độ công việc. Thi thoảng, chúng mới được đứng lên vươn vai, ngoái người, ngoái cổ cho đỡ mỏi mệt. Vì đơn giản, với chúng không chăm chỉ làm đồng nghĩa với việc không đủ ngày lương, bị chủ đánh đập, dọa cắt lương, cắt bữa ăn…

“Người kiếm cơm” nhỏ tuổi

Cậu bé Azam khi lên 7 tuổi, chính người mẹ là bà Anjura Khatun phải nhắm mắt quyết định cho cậu ra đời lăn lộn kiếm sống. Cả gia đình có 3 miệng ăn, trong khi lại không có thu nhập kể từ khi bố Azam bỏ đi biệt tích theo người phụ nữ khác. “Chúng tôi không tiền, không có gì ăn. Tôi phải cho con tôi đi làm chứ, vì nó lớn tuổi nhất. Chúng tôi cần phải ăn. Nếu không, tôi có thể làm gì đây?” - bà Anjura chua xót nói.

Sinh sống ở Basagaon, vùng đất xa xôi và điêu tàn nhất của bang Bihar nghèo nhất Ấn Độ, cơ hội kiếm một việc làm là vô cùng khó khăn, kể cả công việc đó chỉ có mức lương rẻ mạt. Hơn một nửa dân ở đây sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập chưa tới 22 rupee (5.000 đồng) mỗi ngày. Một hôm, một nhóm buôn trẻ em đến làng. Họ ngã giá với những người lớn. Chỉ vài ngày sau, Azam cùng họ lên tàu đến Delhi. Ban đầu, cậu bé tỏ ra phấn khởi. Cậu hy vọng với đồng lương do chính cậu làm ra có thể nuôi bản thân, gửi về giúp đỡ gia đình, dù Azam mới lên 7.

Tại Thủ đô, Azam làm trong một xưởng gia công nhựa, phân loại phế liệu bẩn thỉu, ô uế và độc hại. Thời gian làm việc vất vả từ 9 giờ sáng tới tận 10 giờ đêm. Azam ở với một nhóm cùng tuổi (5 người) trong một phòng xập xệ, chật hẹp. Làm vất vả là thế nhưng đồ ăn thức uống toàn là đồ ôi thiu. Lương tháng không những rẻ mạt mà còn chậm trễ. Cuộc sống của Azam bị phụ thuộc gần như hoàn toàn vào người chủ. Mặc dù, nhiều khi cậu thấy mình đang bị hạn chế sự tự do, không được làm những gì mình muốn. Vì vẫn còn là đứa trẻ để có thể ý thức được tính chất công việc và môi trường làm việc độc hại, nên Azam không mang khăn che mặt như người đàn ông trưởng thành bên cạnh.

“Tất cả những gì chúng cháu đang làm chỉ là để tồn tại thôi, cho bản thân và gia đình. Tan làm khi trời đã về khuya, toàn thân rệu rã, mệt mỏi, cháu leo lên giường mà không sao ngủ được. Cháu thấy nhớ gia đình, làng quê khủng khiếp và lo cho ngày mai của mình rồi sẽ ra sao” - Azam trải lòng già dặn như một thanh niên đã trưởng thành sau 2 năm vật lộn ở Delhi. “Cháu đang khắc khoải chờ đợi để nhận những tháng lương gửi về cho mẹ. Nhưng ông chủ không bao giờ đưa tiền. Đầu tiên, ông ấy nói chờ vài ngày nữa, nhưng rồi cứ lơ đi ngày này qua tháng khác. Đến nay, cháu chưa có đồng nào cả” - Azam chua xót tiếp lời. Thực ra, bản thân Azam cũng đôi lần muốn trốn đi nhưng rồi lại không dám. Không tiền, không người thân thích… cậu không thể đi đâu. Và rằng, trong tầm thức của Azam thì, người mẹ đã bán cậu đi cho người khác, nên cậu nghĩ không thể quay về nhà được”. 

Cũng qua một lần mua bán, bé gái 9 tuổi Nahid bị chính cha mẹ đẻ bán tới Andhra Pradesh với giá… 1.000 rupee (400.000 đồng). Tại đây, công việc của cô bé là cuộn thuốc lá. Trong không khí lao động gấp gáp, ngột ngạt của cả người lớn và trẻ nhỏ. Họ tụm lại thành nhiều nhóm nhỏ ngoài trời, khẩn trương cuộn từng điếu thuốc. Chỉ một vài người đứng lên vươn vai, ngoái người, ngoái cổ cho đỡ mỏi mệt, trong khi tất cả những người khác đang gồng mình làm như những cỗ máy để đẩy mạnh tiến độ công việc.

Vì đơn giản, với Andhra không cuộn đủ thuốc đồng nghĩa với việc không đủ ngày lương, thậm chí bị chủ đánh đập, dọa cắt lương, cắt bữa ăn. Cô bé quần quật làm việc từ sáng tờ mờ cho tới tối mịt, chỉ mong có chút tiền gửi về đỡ đần bố mẹ nuôi các em. Nhưng thực tế trớ trêu, lương ba cọc ba đồng khi thiếu khi chậm, gần đây Andhra lại mắc phải căn bệnh vàng da và ốm yếu tới mức không thể đứng thẳng người. Thế nhưng, nhiệm vụ mỗi ngày của em vẫn phải làm đủ 1.500 điếu thuốc theo yêu cầu của chủ xưởng. Ngồi gập người 12 tiếng đồng hồ dưới trời nắng mỗi ngày nhưng cô bé vẫn chỉ kiếm được hơn 2 USD mỗi ngày. Nhiều lúc, cô bé cũng muốn được điều trị y tế nhưng lại thôi. Vì khi đến bệnh viện đồng nghĩa với việc em mất 1 ngày công, người chủ không cho phép, cộng thêm rất nhiều khoản phí khác nữa. 

Mỗi ngày các em phải làm tới 17 giờ

Cậu bé 13 tuổi - Liyakot Ali làm việc trong một nhà máy sản xuất nồi ở Dhaka. Lấy danh nghĩa “thợ học việc”, chủ nhà máy không hề trả tiền công mà chỉ cho em chỗ ở và nuôi ăn 2 bữa/ngày. Dù vậy khi cậu đã là công nhân lành nghề sau khi làm việc như một thợ học nghề không lương trong 2 năm, đến giờ cậu vẫn chỉ kiếm được 800 rupee (320.000 đồng) mỗi tháng. Khi việc sản xuất bị tạm dừng do mất điện, Liyakot và người bạn của mình mới có chút thời giờ nghỉ ngơi. Những đôi mắt thơ ngây đã sớm nhuốm buồn vì cuộc mưu sinh chật vật…

Azam là một điển hình trong số rất nhiều những trường hợp tương tự trên khắp các vùng đất nghèo khó của quốc gia Nam Á này. Chỉ riêng ở New Delhi, ước tính có khoảng nửa triệu trẻ em đang bị vắt kiệt sức lao động. Ba phần tư trong số trên chưa đến 14 tuổi. Rất nhiều trong số chúng đã trở thành nạn nhân của những tay buôn người nô lệ, bắt cóc, lừa gạt hay gạ mua từ bố mẹ của bọn trẻ, với giá 1.000 rupee. Mỗi ngày các em phải làm tới 17 giờ. Sau giờ làm, chúng lại bị giữ như trong tù, 49 đứa trong căn phòng chật chội. Chúng ăn, ngủ, làm việc trong đó ngày này qua ngày khác. Theo Tổ chức Phong trào bảo vệ tuổi thơ (BBA) ước tính trẻ em chiếm 40-50% tổng số nạn nhân của bọn buôn người. Trẻ em bị bán làm người phục dịch trong nhà hoặc phải lao động nặng nhọc trong ngành sản xuất thảm, làm việc ở các trang trại hoặc sa vào nhà chứa. 

200.000 trẻ em (dưới 14 tuổi) bị bán mỗi năm

Cuối tháng 7 vừa qua, tại thị trấn Katihar thuộc bang Bihar, các nhà hoạt động từ tổ chức Seemanchal Express đã giải cứu một nhóm trẻ em trên một chuyến tàu ở Nepal. Đây là chiến dịch giải cứu trẻ em thoát khỏi nô lệ lao động đầu tiên của tổ chức phi lợi nhuận này. Những đứa trẻ trên đến từ khắp đất nước Ấn Độ, nhưng bang Bihar có hai thị trấn Katihar và Sitamarhi là trung tâm của vấn nạn buôn người. Bọn tội phạm hứa với các gia đình rằng những đứa trẻ sẽ kiếm được nhiều tiền ở các phân xưởng, từ 8-34 bảng Anh/tháng. Nhưng không một đứa trẻ nào trong một đợt được giải cứu vừa qua nhận hơn 5 bảng Anh cho công sức chúng bỏ ra.

Hầu hết những đứa trẻ được giải cứu đều được đưa đến Trung tâm Cứu trợ Trẻ em ở ngoại ô New Delhi. Các đứa trẻ cho cảnh sát biết, những tay buôn người hứa với các ông bố bà mẹ là con họ sẽ kiếm được nhiều tiền, từ 3.000 rupee trở lên (1,2 triệu đồng)/tháng, và chúng có thể gửi về nhà. Thật đáng buồn, trên thực tế, không có ông bố bà mẹ nào thừa nhận mình bán con lấy tiền, nhưng các nhà hoạt động xã hội cho biết giá trung bình là 1.000-3.000 rupee (400.000-1,2 triệu đồng).

Các ông bố bà mẹ của những đứa trẻ khi đến nhận lại con đã được Chính phủ hỗ trợ 220 bảng Anh nhưng cũng kèm theo một lá thư cảnh báo sẽ bỏ tù nếu họ tái phạm bán con cho bọn buôn trẻ em làm nô lệ lao động. 20 đối tượng buôn người đã bị bắt, trên lý thuyết, chúng có thể đối mặt với án tù nhiều năm, nhưng thực tế, hệ thống luật pháp Ấn Độ có thể tống giam họ tối đa chỉ vài tháng, hoặc hoàn toàn tự do sau khi chúng đóng tiền bảo lãnh. Chỉ một số ít trường hợp phải ra tòa. 

Mặc dù, theo điều luật được ban hành ở nước này từ năm 1986, người sử dụng lao động dưới 14 tuổi sẽ bị phạt tù cao nhất 2 năm và phạt tiền 20.000 rupee, tuy vậy điều luật đó đến nay vẫn tỏ ra không có hiệu lực và cơ quan bảo vệ quyền trẻ em ở các bang gần như không mấy khi tiến hành điều tra tình hình thực tế để có thể khởi tố những người sử dụng lao động trẻ em.

Không ai nắm rõ quy mô ngành kinh doanh nô lệ trẻ em ở Ấn Độ, nhưng ước tính 150.000-200.000 trẻ em bị bán mỗi năm. Bộ Lao động nước này hứa sẽ đưa ra một luật mới, cấm mọi hình thức lao động trẻ em. Nhưng bà Gursharan Kaur, vợ Thủ tướng Manmohan Singh, nói để thay đổi thật sự và tận gốc thì người Ấn Độ cần thay đổi quan điểm của mình về lao động trẻ em. “Nếu ai cũng dứt khoát không nhận lao động trẻ em thì lúc ấy mới có thể tạo ra nhiều thay đổi. Bản thân gia đình các em còn không hiểu con cái mình có những quyền lợi gì cần được bảo vệ thì ai sẽ hiểu đây?”