Teo tóp thị trường nông sản: Nỗi lo có thật

ANTD.VN - 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên sau hàng chục năm, ngành nông nghiệp rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Theo dự báo của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng, xuất khẩu những tháng cuối năm tiếp tục khó khăn. 

Nông nghiệp lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất chăn nuôi đang đối mặt hậu quả

Gạo sụt giảm, thủy sản mất giá

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản chưa có dấu hiệu sáng lên, đặc biệt là mặt hàng gạo và sắn đang giảm mạnh so với cùng kỳ. Thị trường gạo có xu hướng giảm giá từ tháng 5-2016 cho tới nay, nguyên nhân là do Việt Nam chưa có các hợp đồng lớn từ các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia…

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt việc xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. “Những năm trước, xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc rất lớn nhưng năm nay vô cùng khó khăn vì chính sách nhập khẩu của Trung Quốc có sự thay đổi, họ chuyển hướng sang nhập gạo từ Campuchia, Thái Lan, Myanmar…”, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cho biết. Còn tại thị trường châu Phi, Thái Lan có đủ các loại gạo để xuất khẩu sang khu vực này, từ gạo cấp thấp tới cấp cao, hơn nữa chi phí vận chuyển lại rẻ hơn Việt Nam.

Trong lĩnh vực thủy sản, xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn do công dự báo thị trường kém, dẫn đến nguồn cung cá tra dư thừa, khiến giá giảm mạnh từ mức 23.000 đồng/ kg xuống còn 16.000 – 17.000 đồng/kg. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho hay: “Khi giá lên, người nuôi đổ xô thả cá giống, nhưng vì tăng nuôi ồ ạt nên cung vượt xa cầu, giá giảm mạnh. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc yêu cầu phải có giấy chứng nhận chất lượng của Việt Nam cấp, vì vậy nhiều thương lái bỏ dở, không thu mua, nhu cầu từ châu Âu cũng giảm mạnh”.

Một vấn đề khác được khá nhiều hiệp hội kiến nghị, đó là xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô, tỷ lệ chế biến rất hạn chế.  Ông Trương Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê cho biết, 95% cà phê là xuất thô với giá 2 USD/kg. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê chế biến với giá 10 USD/kg. Số doanh nghiệp sản xuất có thương hiệu như Trung Nguyên, Vina cà phê, Mê Trang… rất ít. Còn những doanh nghiệp sản xuất cà phê chất lượng kém, cà phê “bẩn” thì rất nhiều, không quản lý được. 

Đòi hỏi kiểm soát chất lượng chặt 

Cũng bởi không kiểm soát được chất lượng nên xuất khẩu nông sản của Việt Nam suy giảm mạnh tại nhiều thị trường. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) bức xúc: “Hiện nay, chúng ta thừa nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và rất thiếu nông sản sạch”.

Thực tế, người tiêu dùng chưa thể an tâm về độ an toàn của các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Điều này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý. “Nếu chúng ta không có sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn thì rất khó cạnh tranh để xuất khẩu, thậm chí mất cả thị trường trong nước. Đặc biệt trong quá trình hội nhập, nếu sản phẩm vẫn còn chất cấm, kháng sinh thì nguy cơ “thua trên sân nhà” là rất lớn”, ông Nguyễn Xuân Dương nhìn nhận.

Nếu không thay đổi cách sản xuất, nuôi trồng và áp dụng kiểm soát nghiêm ngặt thì đầu ra của ngành nông nghiệp sẽ ngày càng teo tóp. Đấy là một nỗi lo có thật!