Tập đoàn điện lực Việt Nam: Phân trần lỗ lãi

ANTĐ - Một lần nữa, lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, năm 2010, EVN kinh doanh thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Và lý giải cho điều này là một nguyên nhân không mới, do giá bán điện ở Việt Nam còn quá thấp.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỷ đồng (= doanh thu -  chi phí = 90.934 tỷ đồng - 101.096 tỷ đồng). Khoản lỗ này chưa tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn cũng như chi phí còn “treo” lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của đơn vị này trong năm 2010, gồm: khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỷ đồng.

Kết quả trên được công bố sau khi liên Bộ Công Thương - Tài chính lập tổ công tác liên ngành hồi tháng 9 và tháng 10-2011 để kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN và một số đơn vị thành viên. Những dữ liệu làm căn cứ để đoàn công tác kiểm tra cũng được Bộ Công Thương làm rõ.

Ngoài nguyên nhân do tỷ giá VND/USD biến động mạnh cùng với những chi phí do tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn thì EVN còn lỗ vì nhiều lý do khác như: sản lượng thủy điện thấp (do thiếu hụt nước nghiêm trọng) buộc EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn; một số nhà máy điện chậm tiến độ; biến động giá nhiên liệu…

Theo tính toán của Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, mỗi kilôoát hiện nay EVN bị lỗ 300 đồng. Nếu tiêu dùng 1 triệu đồng tiền điện thì Chính phủ và EVN phải bù lỗ 300.000 đồng. Và chỉ cần 3 tỷ kWh chạy dầu thì EVN bị lỗ tới gần 10 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trái với nhận định cho rằng EVN đang phải bù lỗ cho những người nghèo thì đơn vị này lại chứng minh những khách hàng giàu và trung lưu, tiêu thụ nhiều điện mới thuộc nhóm này!

Vấn đề dư luận quan tâm là liệu có phải vì EVN kinh doanh thua lỗ mà Bộ Công Thương đã “bật đèn xanh” cho EVN tăng giá điện cao hơn 2,2% so với mức Chính phủ cho phép từ 1-3-2010? Có hay không lợi ích nhóm trong sự “ưu ái” này? Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, mức chênh lệch trên là do cách tính! “Chúng ta đang thấy thực tế là tất cả các nhà máy điện, không chỉ nhà máy điện nhỏ mà cả nhà máy điện lớn, các nhà máy tư nhân cũng bị lỗ. Ngay cả Vinacomin nếu chỉ bán điện không thì cũng rất khó khăn. Tôi không thấy có lợi ích nhóm khi giá điện đang thấp hơn giá thành sản xuất”- ông Vượng nói. Cách tính giá điện càng cần được thống nhất và công khai minh bạch, nhất là khi giá điện đang từng bước được thực hiện theo cơ chế thị trường.

Trước nhiều nghi vấn liệu có phải con số lỗ EVN công bố là do “hậu quả” của đầu tư ngoài ngành tạo ra, ông Thanh không đưa ra con số lỗ lãi của từng lĩnh vực kinh doanh này. Ông Thanh cho hay: “Trước đây khi Nhà nước thí điểm lập các tổng công ty sở hữu đa ngành, EVN có tham gia. EVN sẽ có chương trình thoái vốn ra khỏi đầu tư ngoài ngành. Các mảng chứng khoán, tài chính, chúng tôi đã có kế hoạch rút ra. Bất động sản thì EVN đầu tư rất ít. Dự kiến trong 1-2 năm tới sẽ hoàn thành việc thoái vốn”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm, năm 2011, EVN kinh doanh điện tiếp tục chịu lỗ. Giá thành sản xuất điện năm nay là 1.080 đồng/kWh, giá bán 1.061 đồng/kWh. Với mỗi kWh bán ra, EVN lỗ 119 đồng. Viễn cảnh của tình hình cung ứng điện vì lẽ đó cũng được dự báo không mấy sáng sủa. “Năm 2012, cả nước sẽ đủ điện nhưng riêng Hà Nội sẽ bị thiếu điện. Lưới truyền tải điện và giải phóng mặt bằng rất chậm. Trạm biến áp Thành Công đã xong nhưng đường dây chưa xong. Tuyến Vân Trì - Sóc Sơn cũng vậy. Hiện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang thiếu vốn trầm trọng. Năm 2013 thì khu vực miền Nam sẽ thiếu điện trầm trọng do không thể chuyển tải điện vào”- ông Thanh cho biết.