Trong khi đó, đại diện Bộ này cho rằng, xây dựng đề thi chuẩn hóa mất rất nhiều thời gian, rất tốn kém nên không công bố là để tiết kiệm và sử dụng lại. Hơn thế, nếu công bố vài chục đề thi thì xã hội dễ phán đoán được độ bao phủ của đề thi, dẫn tới tình trạng học tủ, học lệch, gia tăng lò luyện thi.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại đặt câu hỏi: Việc Bộ GD-ĐT lo lộ câu hỏi thi cho những năm sau phải chăng chứng tỏ ngân hàng đề thi quá ít? Mặt khác, lập luận rằng, nếu công bố đề thi sẽ dễ đoán được độ bao phủ kiến thức đưa vào đề thi, chứng tỏ là tính đa dạng của câu hỏi thi không cao. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra những lý giải trước băn khoăn của giới chuyên gia, song chưa thể thuyết phục.
Ở Nhật Bản cũng tổ chức kỳ thi quốc gia như thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Việt Nam, nhưng chỉ sau 2 tiếng kết thúc kỳ thi, đề thi và đáp án phải được công bố. Ở Mỹ, thí sinh có thể lựa chọn một trong hai tập đoàn lớn có uy tín, chuyên nghiệp để dự thi bằng hình thức trắc nghiệm. Sau mỗi kỳ thi, đáp án đều được công bố.
Vì sao nên công bố đề thi và đáp án sau khi thi? Theo ý kiến của một số giáo sư, tiến sĩ trong ngành giáo dục, việc công bố là phù hợp với xu hướng tạo sự công khai, minh bạch trong hệ thống giáo dục. Đặc biệt là giúp xã hội giám sát các bộ phận có trách nhiệm làm đề thi và xem xét ngân hàng đề thi, nếu có vấn đề thì xử lý để đảm bảo sự công bằng. Khi đó, những người làm đề thi cũng sẽ tăng thêm trách nhiệm của mình.
Việc công bố hay không công bố đề thi và đáp án vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, thậm chí trái chiều. Tuy vậy, vấn đề cốt lõi được cả xã hội quan tâm là: Nếu bộ phận ra đề thi có sai sót về kiến thức hoặc đưa những câu hỏi vượt quá trình độ thí sinh thì ai sẽ giám sát sai sót? Trong khi đó, quy trình xây dựng đề thi chỉ do một số lượng nhất định giáo viên, chuyên gia khảo thí thực hiện, liệu có tránh được sai sót hay không?