Tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai khu vực châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự tham gia thường xuyên của Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam đối với hội nghị, mà còn thể hiện tầm quan trọng của diễn đàn này nói chung trong chính sách đối ngoại của nước ta. Đồng thời, đây là nơi Việt Nam đưa ra các đề xuất nhằm phát huy vị thế và vai trò của châu Á cho một thế giới tốt đẹp hơn, đóng góp vào phục hồi và phát triển, thịnh vượng chung toàn cầu.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 27 Tương lai châu Á

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 27 Tương lai châu Á

Tái định hình vai trò của châu Á

Hội nghị quốc tế lần thứ 27 về Tương lai châu Á (FOA 2022) đã chính thức khai mạc ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Với chủ đề “Tái định hình vai trò của châu Á trong một thế giới bị chia rẽ”, FOA 2022 có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Á, trong đó các lãnh đạo đến từ nhiều nước Đông Nam Á, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith; Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen; Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri bin Yaakob; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo, các học giả khu vực và thế giới cùng lắng nghe quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Á về các vấn đề khu vực, quốc tế. Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ thảo luận các chủ đề như “Thay đổi thế giới từ châu Á”, “Phát triển hoạt động kinh doanh ở châu Á thông qua giao lưu văn hóa”, “Xung đột Nga-Ukraine”, “Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và tác động tới châu Á” cũng như phản ứng của giới doanh nghiệp châu Á trong một thế giới ngày càng phức tạp, có những bất ổn.

FOA là một diễn đàn quốc tế có uy tín do hãng Nikkei Inc. (tập đoàn thành lập vào năm 1876 và là một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất của Nhật Bản có trụ sở chính tại Tokyo) tổ chức gần như thường niên từ năm 1995, ngoại trừ năm 2020 vì dịch Covid-19. Đây là nơi để các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và học giả từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương trao đổi và thảo luận các vấn đề khu vực và vai trò của châu Á trên thế giới. Trong suốt lịch sử 27 năm qua, mỗi Hội nghị FOA đều có các chủ đề mang tính thời sự, đề cập các cơ hội và thách thức cấp bách mà châu lục nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt, các xu thế phát triển mới cũng như những cam kết về nỗ lực đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng chung của các quốc gia trong khu vực. Các đánh giá, nhận định, sáng kiến và đề xuất của lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp, học giả... đưa ra tại mỗi kỳ hội nghị đều có giá trị thực tiễn cao, đóng góp tích cực vào quá trình giải quyết các thách thức, các vấn đề khu vực và quốc tế trong nhiều năm qua.

Hội nghị năm nay được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến sau 1 năm được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. FOA 2022 diễn ra trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đang phục hồi sau đại dịch, cùng với đó là cuộc khủng hoảng Ukraine, sự vươn lên của các quốc gia, khu vực châu Á, sự chuyển hướng chiến lược của các nước lớn ngoài khu vực… đang tạo nên những chuyển đổi to lớn của cục diện thế giới và khu vực do tác động của các xu hướng địa - chính trị, địa - kinh tế, cũng như những tác động của dịch Covid-19.

Châu Á là một khu vực với những giá trị đa dạng và nhiều năm qua luôn là động lực cho sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine đã tác động sâu sắc, mạnh mẽ tới châu Á, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, kinh tế suy giảm... Điều đó cho thấy những nền tảng của châu Á tưởng vững chắc nhưng vẫn còn có những chỗ mong manh, dễ vỡ. Câu hỏi châu Á có còn là một động lực của nền kinh tế toàn cầu hay không đã có lúc được đặt ra. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo, học giả tham dự FOA 2022 cùng thảo luận, đưa ra vai trò của châu Á với an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu có những biến động phức tạp hiện nay. Đó là mục tiêu lớn nhưng có cơ sở khi các quốc gia châu Á đã nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực và yêu cầu khách quan của việc phải hành động, đoàn kết, nỗ lực chung để xây dựng lại châu Á sau đại dịch; ứng phó với những thách thức mới, thách thức không chỉ ở châu Á và tham gia xử lý cả những thách thức toàn cầu.

Mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong tương lai châu Á

Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 15 từ năm 2009 và liên tục có đoàn cấp cao tham dự từ đó đến nay. Trong tổng số 13 lần tham dự, Việt Nam đã có 3 lần tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ, 10 lần còn lại cũng đều ở cấp Phó Chủ tịch nước/Phó Thủ tướng. Sự tham dự tích cực ở cấp cao của đoàn Việt Nam tại các Hội nghị Tương lai châu Á được đánh giá cao. Việt Nam không chỉ tham gia đóng góp vào nội dụng hội nghị với những đánh giá, nhận định về tình hình thế giới và khu vực, phân tích các cơ hội cũng như các thách thức cấp bách mà các nước cần tập trung giải quyết, trên cơ sở đó đề ra các sáng kiến, cùng tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn, thách thức chung, củng cố lòng tin để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai. Tại các hội nghị này, các lãnh đạo Chính phủ ta cũng khẳng định cam kết của Việt Nam góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Việc Việt Nam cử đoàn Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trực tiếp tham dự hội nghị không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam mà còn thể hiện tầm quan trọng của diễn đàn tương lai châu Á nói chung trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Là một thành viên quan trọng của châu Á, Việt Nam luôn mong muốn đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong tương lai châu Á đang định hình rõ nét trong hệ thống chính trị toàn cầu. Sự tham dự của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 27 gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng cùng chung tay với các nước để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết đối với các thách thức cấp bách, mang tính toàn cầu hiện nay, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Điều này cũng là thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á ngày 26-5, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh một lần nữa khẳng định, với mong muốn xây dựng môi trường hòa bình ổn định ở châu Á và trên thế giới, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương. Việt Nam tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt, các quyết sách hôm nay sẽ định hình chương phát triển mới trong tương lai. Việt Nam tin rằng, với tiềm năng to lớn, châu Á sẽ thể hiện vai trò lớn hơn để vượt qua những thách thức, đóng góp xứng đáng cho hòa bình, phát triển phồn vinh của mỗi quốc gia và mọi người dân trong khu vực cũng như toàn thế giới.