- Việt Nam - Ấn Độ: Tăng cường đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Việt Nam nói về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ
- Cam kết xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu theo hình thức trực tuyến tại Lễ công bố IPEF3 |
Chuẩn bị cho nền kinh tế tương lai
Lễ công bố khởi động thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) đã diễn ra ngày 23-5, tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu trực tuyến. Tham dự sự kiện có Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng Bộ trưởng kinh tế các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và lãnh đạo Bộ Ngoại giao Australia.
Theo hãng tin Reuters, các thành viên tham gia thảo luận IPEF ban đầu gồm Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Astralia, Brunei, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ. Ước tính, các nước thành viên IPEF chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Ý tưởng về IPEF được Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á hồi tháng 10-2021 với mong muốn thông qua hợp tác kinh tế triển khai các bước đi tích cực nhằm tăng cường kết nối thương mại giữa các nước trong khu vực. Các nước thành viên IPEF mong muốn khuôn khổ hợp tác này giúp các quốc gia cùng nhau “chuẩn bị cho tương lai các nền kinh tế” sau những đứt gãy từ đại dịch Covid-19.
Theo các giới chức, IPEF không đề cập việc miễn trừ thuế quan mà tập trung vào 4 trụ cột, gồm thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; thuế và chống tham nhũng. Tuy nhiên, các nước không nhất thiết phải tham gia tất cả các trụ cột và có thể lựa chọn tham gia vào một số trụ cốt nhất định của khuôn khổ này. Các nước tham gia IPEF sẽ tiến hành các cuộc thảo luận tập thể hướng tới các cuộc đàm phán trong tương lai về 4 trụ cột này.
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trong khu vực, trụ cột thương mại sẽ tập trung vào việc theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao trong nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các tiêu chuẩn về các luồng dữ liệu xuyên biên giới và các biện pháp hạn chế dữ liệu, đồng thời giải quyết các quan ngại về quyền riêng tư trên mạng Internet và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phi đạo đức. Bên cạnh đó, IPEF cũng sẽ tìm cách đạt được “các cam kết đầu tiên về các chuỗi cung ứng” nhằm dự đoán và ngăn chặn tốt hơn sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng.
Đối với trụ cột năng lượng sạch, các thành viên IPEF sẽ tăng cường hợp tác về công nghệ và huy động tài chính, bao gồm cả tài trợ ưu đãi, thông qua việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Các nước tham gia IPEF cũng sẽ thảo luận về những cách thức khác nhau để tăng cường hợp tác kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu của mỗi trụ cột, đồng thời mời những đối tác có quan tâm khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng tham gia. Khuôn khổ hợp tác này sẽ giúp giảm chi phí bằng cách làm cho các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn trong dài hạn, bảo vệ trước những gián đoạn tốn kém dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng. Theo khuôn khổ, các nước sẽ thiết lập “hệ thống cảnh báo sớm” và vạch ra các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng để dự báo và ngăn chặn tốt hơn sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu như thế giới đã trải qua trong đại dịch Covid-19.
Vì lợi ích thiết thực của người dân
Phát biểu tại Lễ công bố IPEF chiều 23-5, các nhà lãnh đạo tham dự đã chia sẻ tầm nhìn về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mở, bao trùm, công bằng, dựa trên luật lệ, kết nối, tự cường, an ninh và thịnh vượng, với tiềm năng tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, là động lực cho kinh tế toàn cầu, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc hợp tác chặt chẽ để đảm bảo phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở thích ứng, bền vững và bao trùm. Đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, minh bạch và chống tham nhũng, hợp tác, duy trì các chuỗi cung ứng thiết yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và mở rộng các cơ hội kinh tế cho người dân.
Các nhà lãnh đạo nhất trí khởi động tiến trình thảo luận về IPEF và sẵn sàng mời các quốc gia trong khu vực có quan tâm cùng tham gia với kỳ vọng khuôn khổ hợp tác này sẽ giúp các nền kinh tế tăng cường tính chống chịu, nhất là trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh, tính thích ứng, bền vững, bao trùm, đóng góp vào hợp tác, ổn định, thịnh vượng, phát triển và hòa bình của khu vực, vì lợi ích thiết thực của người dân.
Phát biểu theo hình thức trực tuyến tại lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên nền tảng của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm. Thủ tướng cho rằng, sự kiện này sẽ khởi động và thúc đẩy các nước cùng nhau tích cực trao đổi, thảo luận nghiêm túc, chung tay xử lý các vấn đề quan trọng có tính khu vực, toàn cầu như đa dạng và bền vững chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, phát triển xanh, các vấn đề về thuế và chống tham nhũng, tiêu cực…
Người đứng đầu Chính phủ nước ta khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam cũng tham gia nhiều sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung đẩy nhanh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong quá trình thảo luận về IPEF, cần hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đây cần là một quá trình mở, bao trùm, cân bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan. Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan tiếp tục thảo luận, làm rõ hơn nội hàm của các trụ cột hợp tác, đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước; vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.