Tăng lương thực, thực phẩm cho Hà Nội

ANTĐ - Khẳng định việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho Hà Nội là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh giá cả tăng mạnh vừa qua, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp cho vấn đề này là đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng.

Tăng lương thực, thực phẩm cho Hà Nội ảnh 1
Rau sạch, rau an toàn sẽ đến với Hà Nội nhiều hơn (Ảnh minh họa)


- Hà Nội hiện chưa tự cung ứng đủ rau quả, thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân. Hướng giải quyết vấn đề này như thế nào thưa ông?

- Sắp tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai chương trình liên kết kinh tế thương mại vùng, trong đó trọng tâm là vùng kinh tế phía Bắc; tổ chức các đoàn sang tỉnh bạn để giao thương. Những năm trước, tại các hội chợ tổ chức ở Hà Nội, doanh nghiệp các tỉnh lân cận vẫn mang hàng hóa tới tham gia, vừa bán cho người tiêu dùng, vừa giới thiệu hàng hóa với doanh nghiệp có nhu cầu. Nhưng nếu chỉ tổ chức theo kiểu hội chợ như vậy sẽ không có hiệu quả, bởi người bán hàng coi như đến một phiên chợ, người mua hàng cũng chỉ lướt qua ngắm nghía, tham quan.

Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm, giới thiệu hàng hóa là chính; trong đó Hà Nội và các tỉnh sẽ tổ chức các buổi hội thảo, giao thương giữa lãnh đạo các tỉnh, doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm của tỉnh, thành phố có khả năng xuất sang các tỉnh lân cận. Qua hội thảo, giao thương này, người sản xuất, phân phối mới nắm bắt được thông tin hàng hóa để tổ chức liên kết cung ứng. Ở chiều đến, Hà Nội rất mong có được thêm sản phẩm lương thực, thực phẩm từ tỉnh bạn. Ví dụ như rau sạch, rau an toàn, các nhà quản lý sẽ ngồi bàn bạc xem làm thế nào để vận chuyển mặt hàng này đến Thủ đô thuận tiện nhất, hoặc Hà Nội sẽ xem xét bố trí một chợ đầu mối chuyên bán rau rạch, rau an toàn từ các tỉnh đổ về. Như thế nguồn cung ứng rau ở chợ lẻ, chợ dân sinh cũng đảm bảo... Ở chiều đi, Hà Nội sẽ giới thiệu với các địa phương sản phẩm mà họ cần. 

- Liên kết kinh tế vùng sẽ đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho Hà Nội không, thưa ông?

- Chúng ta phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến rất tốt nhưng cung cầu sản phẩm tại chỗ còn thiếu. Ví dụ rau, sản lượng tự sản xuất của Hà Nội đạt gần 600.000 tấn/năm nhưng nhu cầu về rau của thành phố là gần 900.000 tấn/năm. Chúng ta không thể nhập khẩu rau cho người tiêu dùng bởi giá rau nhập không phù hợp với khả năng thanh toán của dân cư, không thể khai thác ở các tỉnh quá xa tận vùng Nam bộ vì vận chuyển chi phí cao...

Tương tự, thịt lợn, trứng, thủy hải sản chế biến, đường còn thiếu. Hà Nội tiêu dùng trên 40.000 tấn đường/năm nhưng trên địa bàn không có nhà máy đường nào. Liên kết kinh tế vùng với các tỉnh phía Bắc rất cần thiết, đảm bảo phục vụ hàng hóa tiêu dùng của người dân Thủ đô, chưa kể phục vụ thêm trên 1 triệu khách vãng lai mỗi năm. Chúng tôi không kỳ vọng đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm qua các cuộc giao thương, triển lãm, mà còn cần nhiều hình thức huy động hàng hóa khác. Tuy nhiên, qua giao thương, hội thảo, triển lãm, doanh nghiệp các tỉnh sẽ tìm thấy nhau, ký kết hợp đồng, thu mua, cung ứng. 

- Vậy Hà Nội sẽ có chính sách ưu đãi gì cho doanh nghiệp tỉnh bạn khi tham gia liên kết kinh tế vùng, thưa ông?

- Trong quá trình tổ chức, làm việc với các tỉnh, chúng tôi sẽ có đề xuất cụ thể chính sách ưu đãi với UBND thành phố về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh ngoài. Chúng tôi đã làm việc với các chợ đầu mối để nghiên cứu cách tổ chức bán hàng lương thực, thực phẩm từ các tỉnh tại chợ đầu mối. Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ đề xuất phương án tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa thuận tiện vào thành phố kể cả ban ngày và ban đêm... 

- Ông đánh giá thế nào về công tác bình ổn giá trên địa bàn Hà Nội thời gian qua?

- Tính đến nay, chương trình bình ổn giá đã triển khai được gần 2 tháng. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy doanh nghiệp đã triển khai đúng tiến độ UBND thành phố giao, bố trí địa điểm bán hàng, bảng hiệu nhận diện, dự trữ hàng hóa đầy đủ; đăng ký giá bán và bán hàng theo giá đăng ký... Bước đầu, công tác bình ổn giá đã tham gia bình ổn thị trường, đảm bảo cung cầu trên địa bàn Hà Nội.