Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế từ tháng 11-2015: Chắc không dám ốm?

ANTĐ - Tin có vẻ như sốc đối với bà con hàng phố, từ tháng 11-2015 sẽ tăng viện phí 1.800 dịch vụ y tế, chủ yếu là dịch vụ tại các bệnh viện, liên quan trực tiếp đến khám chữa bệnh. Mấy chị tiểu thương, các cụ về hưu có vẻ lo lắng, chắc không dám ốm nữa rồi. 
Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế từ tháng 11-2015: Chắc không dám ốm? ảnh 1

Nhưng cái tin tăng viện phí lại chẳng làm cho mấy bà nông dân nơi ruộng đồng cũng như rẻo cao lo lắng. Hỏi thử ý kiến của một người dân, ông Phạm Văn Bá, người trồng cà phê khá nổi tiếng ở Lâm Đồng về việc sẽ tăng giá 1.800 dịch vụ y tế. Ông Bá cười, móc ví, chìa cho chúng tôi xem cái thẻ bảo hiểm y tế (BHYT): Nó đây, tăng hay giảm cũng trong cái này cả. Ảnh hưởng gì đến tôi đâu. Bà con ở đây, ai cũng đều mua BHYT hết.

 Như vậy, đã có thật một sự lo lắng là do chưa hiểu biết tường tận về việc tăng giá dịch vụ y tế và cả sự chưa hiểu hết về chính sách y tế của Đảng và Chính phủ trong quá trình phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

 Ảnh hưởng đến người dân như thế nào? 

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Thông tư liên Bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Nội dung Thông tư mới này về cơ bản là tăng khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT đang thanh toán. 

Để tránh việc tăng viện phí sẽ gây khó khăn cho người bệnh, Bộ Y tế dự kiến lộ trình thực hiện việc điều chỉnh viện phí này theo hai bước như sau: Trong năm 2015 (dự kiến từ cuối tháng 11, đầu tháng 12-2015), khi Thông tư ban hành có hiệu lực thì thực hiện theo mức giá dịch vụ y tế sẽ được tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Từ 1-3-2016, thực hiện mức giá theo đúng chi phí thực tế, bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế.

Hiện nay, đã có khoảng 70% dân số (khoảng 56 triệu người) tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó có khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi vì: Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100%.

Đối với người cận nghèo: Đối tượng này đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, hiện nay 40% đã có thẻ BHYT (gần 10 triệu người), khi đi khám chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5%. Các đối tượng BHYT tự nguyện còn lại phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT. 

Xem xét toàn bộ số liệu trên, chúng ta có thể thấy, đợt tăng viện phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 30% dân số chưa tham gia BHYT. Việc tăng giá dịch vụ y tế đợt này, chắc chắn sẽ thúc đẩy tiến trình BHYT toàn dân và chắc chắn, lượng người tham gia BHYT sẽ tăng vọt. Đó là một lợi chung cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đối với 23,7 triệu người được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh, đợt tăng giá lần này không ảnh hưởng đến việc chi trả, thậm chí họ còn có lợi hơn vì ngành y tế tăng thu sẽ tăng được đầu tư thiết bị, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Đối với các đối tượng BHYT phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT, phần chi trả thêm là quá nhỏ, theo tính toán cụ thể, sẽ tăng trung bình 3% giá trị chi trả, không đáng kể. Đối với các đối tượng đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT, mỗi người bệnh trung bình sẽ phải chi trả tăng thêm 10% số tiền chi trả so với hiện nay. Tóm lại, những đối tượng tham gia BHYT có thể nói, ảnh hưởng của đợt tăng giá dịch vụ y tế lần này là không đáng kể. Đó là lý do mà những người dân hàng phố, dân đô thị, hiện nay có tỷ lệ tham gia BHYT thấp lo lắng nhiều hơn là bà con nông dân.

Phù hợp với chính sách y tế dài hạn

Các thông tin từ Bộ Y tế đã cho thấy rõ, chính sách tài chính y tế sẽ dần dần tính đủ tất cả chi phí khám chữa bệnh vào giá dịch vụ. Nghĩa là ngân sách Nhà nước sẽ thu hẹp phần hỗ trợ cho khám chữa bệnh để tập trung vào lĩnh vực phòng bệnh (y tế dự phòng) bao gồm phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và điều trị các bệnh xã hội mà tư nhân ít tham gia vì lợi nhuận thấp như lao, phong, tâm thần…

Nếu hiểu như vậy, chắc chắn viện phí sẽ còn tăng. Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; duy tu, bảo dưỡng tài sản; điện, nước, xử lý chất thải; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó hiện nay, giá viện phí mới tính 3 yếu tố. Tuy nhiên, tăng như thế nào, tính như thế nào để không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân lại là một vấn để khó khăn. 

 Trong chính sách y tế hiện nay và cả trong tương lai, khái niệm công bằng trong thụ hưởng các dịch vụ y tế được đánh giá cao. Không thể có sự bình đẳng trong chăm sóc y tế, vì bản thân sức khỏe và điều kiện chi trả của mỗi con người đã không cùng ở một vạch xuất phát ngang nhau, trái lại có người thuận lợi và có người không thuận lợi. Khi hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe, người làm chính sách không thể không coi công bằng là mục đích cao nhất và cần hướng tới của một nền y tế có tính an sinh xã hội cao. Hơn thế, một hệ thống y tế được đánh giá là tốt không chỉ dựa trên những tiêu chí kỹ thuật, chữa khỏi nhiều bệnh mà còn phải dựa trên những tiêu chí tài chính: đó là một hệ thống y tế không làm người dân bị nghèo hóa gây ra do không có những giải pháp như BHYT để giúp họ vượt qua  những chi phí cao dành cho khám chữa bệnh. 

Cuối cùng, công bằng y tế trong kinh tế thị trường không thể tách rời với nội dung công bằng về mặt lợi ích của các thành phần tham gia vào chăm sóc sức khỏe. Nói một cách cụ thể là công bằng về đãi ngộ với đội ngũ thầy thuốc. Việc tăng giá viện phí, tính thêm cả lương, chi phí đặc thù vào viện phí chính là để đáp ứng sự công bằng này, nó cũng chính là một tiền đề để đảm bảo phát huy y đức trong điều kiện mới của mỗi nhân viên y tế. 

 Nếu nhìn xuyên suốt những chính sách y tế hiện nay, rõ ràng, để phù hợp với một nền kinh tế thị trường có định hướng, mỗi người quan tâm tới sức khỏe của mình, cần quan tâm tới sức khỏe cộng đồng và cụ thể hơn, cần tham gia BHYT. Đợt tăng giá viện phí này có ảnh hưởng đến một bộ phận người dân có yêu cầu cao hơn cộng đồng đôi chút, do chưa coi trọng BHYT, tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ thúc đẩy được bộ phận này tham gia BHYT, mặt khác các khoản thu thêm sẽ giúp ngành y tế phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, thỏa mãn được nhu cầu thiết yếu khám chữa bệnh của đa số người dân.                         

Trước mắt trong năm 2015, việc điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư mới này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT. Còn đối với người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay, trong năm 2016 sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá viện phí mới. Bộ Y tế sẽ ban hành mức giá cụ thể của tất cả 1.800 dịch vụ y tế để các đơn vị y tế và BHXH thực hiện ngay chứ không ban hành khung giá.

Giá dự kiến ban hành gồm: giá khám bệnh, phân theo hạng bệnh viện (bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 chung mức giá); giá ngày giường bệnh phân theo hạng và chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện. Theo đúng dự thảo nội dung Thông tư, giá các dịch vụ y tế sẽ tăng đáng kể, có những dịch vụ đặc biệt sẽ tăng tới 100%.

Tuy nhiên, ảnh hưởng đối với người dân lại vô cùng khác nhau. Có thể nói, đa số người dân có lợi và một thiểu số người dân sẽ phải trả chi phí cao hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh. Đó là bởi tất cả 1800 dịch vụ y tế tăng giá đợt này đều nằm trong danh mục các dịch vụ được BHYT chi trả.