Viện phí tăng, thuốc BHYT cũng bị lạm dụng

ANTĐ - Cùng một loại thuốc, do cùng nhà sản xuất nhưng khi cung ứng vào các BV lại có mức giá khác nhau. Bên cạnh đó, khung giá viện phí mới được triển khai chưa lâu nhưng tình trạng lạm dụng thuốc BHYT trong các BV cũng tăng cao.

Bệnh nhân chờ cấp thuốc BHYT tại một bệnh viện

Chi phí mua thuốc chiếm 60%

Tính đến thời điểm này đã có gần 20 tỉnh, thành trên cả nước và 6 BV tuyến Trung ương triển khai giá dịch vụ y tế mới, với mức tăng từ 70-99%. Dự kiến trong tháng 8 này Bộ Y tế sẽ phê duyệt cho 16 BV tuyến Trung ương áp dụng giá dịch vụ y tế mới, 16 BV còn lại sẽ tiếp tục được phê duyệt trong tháng 9. Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, bên cạnh việc tính toán, cân nhắc khung giá viện phí sao cho phù hợp thì việc tránh lạm dụng thuốc, bình ổn giá thuốc trong các BV khi triển khai viện phí mới cũng được quan tâm. Thời gian qua Hội đồng thẩm định giá của Bộ Y tế đã phát hiện những sai sót như kê khai không đúng định mức, áp giá thuốc chưa phù hợp. 

Trong khi nhiều nước trên thế giới, tiền thuốc chỉ chiếm 25 - 40% tổng chi phí khám chữa bệnh thì ở nước ta, chi phí cho thuốc luôn chiếm đến 60%. Đặc biệt, tình trạng sử dụng không hợp lý thuốc trong danh mục quỹ BHYT chi trả đang xảy ra và có xu hướng tăng cao. Bác sĩ Vũ Xuân Phú, Phó giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, tình trạng lạm dụng thuốc ở những bệnh nhân có BHYT nhiều hơn hẳn bệnh nhân không có BHYT, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh. Có thể thấy các loại thuốc kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, trong khi theo đánh giá của Hội đồng Thuốc và Điều trị (Bộ Y tế), khoảng một nửa số thuốc kháng sinh trong những đơn này là không cần thiết. Phía BHXH Việt Nam cũng đã kiểm tra và phát hiện 5 loại thuốc BHYT được sử dụng với tần suất cao bất thường là Glutathion tiêm, Ginko biloba uống, Arginin uống, Glucosamin uống, Ornithin-L-aspartat tiêm.

Cùng đó, tình trạng giá thuốc chênh lệch lớn giữa các địa phương, giữa các BV trong cùng một địa phương cũng đang gây ra rất nhiều bức xúc cho người bệnh. 

Tăng cao khổ, tăng thấp cũng khổ

Trở lại chuyện viện phí tăng, thời gian qua người bệnh ở nhiều địa phương rất bức xúc trước tình trạng địa phương mình áp dụng khung giá viện phí rất cao, thậm chí sát với khung giá tối đa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên, nếu áp dụng giá dịch vụ thấp nhiều so với giá tối đa cũng không hẳn đã lợi hơn cho người bệnh, trong khi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung ứng dịch vụ của các BV.

Ông Liên phân tích, nhiều tỉnh thực hiện giá viện phí mới trên nguyên tắc giá chung tính theo tỷ lệ phần trăm nhất định của mức tối đa. Điều này dẫn đến nhiều dịch vụ giá thấp hơn thực tế thực hiện. Chẳng hạn, có tỉnh áp dụng giá viện phí mới bằng 70% khung giá tối đa, khi đó giá dịch vụ CT scanner chỉ còn 350.000 đồng thì không thể triển khai thực hiện được vì với dịch vụ này, giá thực tế chưa tính khấu hao máy móc đã là 500.000 đồng/lần chụp…

Bắc Giang là một trong những tỉnh có mức tăng giá dịch vụ y tế thấp nhất trong đợt điều chỉnh vừa qua, bằng 70,4% khung giá tối đa đối với dịch vụ khám chữa bệnh và 64% là danh mục phẫu thuật, thủ thuật. Mức điều chỉnh khá khiêm tốn này đương nhiên được người bệnh rất hoan hỉ, tuy chỉ sau 15 ngày áp dụng đã nhận được những phản ánh từ các BV. 

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội - Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu như việc bình ổn giá thuốc là cần làm, thậm chí có thể áp dụng theo mô hình của Thái Lan (Tổng cục Dược đứng ra đàm phán mua thuốc rồi áp mức giá chung cho cả nước) thì với giá dịch vụ y tế, các tỉnh chọn mức tăng cao hay thấp phải nằm trong phạm vi pháp luật và xem xét theo điều kiện kinh tế xã hội của địa phương mình. Quan trọng hơn, đã điều chỉnh viện phí tăng cao thì số tiền viện phí thu đó phải phục vụ cho sự phát triển của BV cũng như tăng cường lợi ích cho người bệnh.