Tấm lòng của người thầy vĩ đại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ trong trái tim mình, tôi vẫn muốn gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu là “thầy Thành”. Bởi Bác vẫn luôn là một người thầy với đầy đủ ý nghĩa, nhất là khi được ôn lại, được nhắc lại những việc Người đã làm đối với sự nghiệp “trồng người” của đất nước ta.
Bác Hồ thăm một lớp học ở Thủ đô Hà Nội

Bác Hồ thăm một lớp học ở Thủ đô Hà Nội

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”

Nhiều năm trước tôi đã đến thăm trường Dục Thanh khi vào Phan Thiết công tác. Ngồi lặng yên trong căn phòng vốn là lớp học của trường, tôi đã mường tượng ra hình ảnh “thầy Thành” đứng trên bục giảng, viết lên tấm bảng đen truyền dạy cho học trò những kiến thức cùng tư tưởng yêu nước của mình.

Như một sự tình cờ mà lại có chủ ý, tháng 8-1910 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ Huế vào Sài Gòn để “tìm đường cứu nước” và ghé lại Phan Thiết, rồi được cụ Nghè Trương Gia Mô (cụ Mô là bạn đồng liêu với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) giới thiệu với ông Hồ Tá Bang để đến dạy học ở ngôi trường này. Tuy chỉ dạy ở trường Dục Thanh có 1 năm, nhưng “thầy Thành” được phân công dạy môn Quốc văn, Hán văn, và kiêm nhiệm môn Thể dục. Khi giáo viên Pháp văn vắng mặt, “thầy Thành” đảm nhận dạy luôn là tiếng Pháp. Trong thời gian dạy học ở ngôi trường này, “thầy Thành” đã truyền cho học trò của mình lòng yêu quê hương đất nước. Vào giờ ngoại khóa, thầy thường dẫn học trò đi tham quan các cảnh đẹp của Phan Thiết. “Thầy Thành” không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho học trò ý thức rèn luyện sức khỏe. Việc làm đó cũng chính là tư tưởng “Đức - Trí - Thể” mà sau này Bác Hồ luôn nhắc nhở mọi người.

Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài và ngay sau khi nước nhà giành được độc lập thì Bác Hồ đã đặt vấn đề “trồng người” thông qua việc dạy chữ xóa mù cho nhân dân. Người cũng đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chữ “dốt” mà Người đã nói chính là việc nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến, luôn bị kìm kẹp bởi “chính sách ngu dân” để chúng dễ bề cai trị. Do vậy, ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã viết thư gửi các cháu học sinh: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Cuối thư Người còn căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Bức thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên thực sự là một bức thư kinh điển, một bức thư vừa thể hiện ý chí của vị lãnh tụ, vừa cho thấy một sự bình dị đến lạ thường của người đứng đầu Nhà nước ta và có lẽ cho tới nay chưa có ai làm được.

Kỷ vật của cha tôi

Tôi đã nhiều lần ngồi ngắm bức ảnh Bác Hồ đến thăm một lớp học, có lẽ đây là một lớp học “vỡ lòng”. Người đến bất ngờ không báo trước và đến bên cậu học trò nhỏ đang đánh vần chữ cái trên bảng. Đó là hành động chân tình, thiết thực và rất chu đáo. Ngay cách ăn mặc của Người cũng vậy, bộ quần áo bình dị và gần gũi. Tôi cũng lặng người hồi lâu khi ngắm nhìn bức ảnh Bác Hồ trực tiếp lên bảng hướng dẫn các cháu học chữ. Tôi linh cảm rằng, cho dù đã là người lãnh đạo tối cao, nhưng vẫn còn đó hình ảnh “thầy Thành” đứng trên bục giảng để dạy học trò.

Với Thủ đô Hà Nội, địa phương mà Người đã nhiều năm sống và làm việc, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian để đến thăm các lớp học xóa mù. Người ân cần thăm hỏi dù học trò là người nông dân hay công nhân, trẻ tuổi hay cao tuổi. Người luôn mong muốn “Dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên. Ngày 3-10-1960, trong chuyến thăm lớp bổ túc văn hóa tại trường Trần Nhật Duật và Yên Thành ở Hà Nội, Bác động viên đội ngũ giáo viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bài giảng. Người nói: “Giáo dục là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước, quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc. Trong giáo dục, đội ngũ giảng dạy có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo.

Tôi nhớ mãi những câu chuyện do cha tôi thường kể: “Bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 8-9-1945 (Sắc lệnh 19/SL và 20/SL) ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập. Phong trào này nhằm giải quyết “giặc dốt” - một trong các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam lúc bấy giờ (chỉ sau “giặc đói”). Và chính cha tôi cũng tích cực tham gia phong trào đó rồi được Bác Hồ gửi tặng bức chân dung của Người với dòng chữ “Tặng chiến sĩ diệt dốt”. Cha tôi tự hào lắm, đến nay tôi vẫn lưu giữ kỷ vật quý giá đó. Cha tôi còn nhắc lại: “Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Và phong trào “Bình dân học vụ” nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Các lớp học được mở khắp nơi, trong nhà dân, đình, chùa, miếu mạo, chỉ cần mấy chiếc ghế đặt quanh bàn, quanh chiếc phản, cánh cửa, tấm ván mộc làm bảng đã thành lớp học.

Bác Hồ dạy chữ cho một lớp “Bình dân học vụ”

Bác Hồ dạy chữ cho một lớp “Bình dân học vụ”

“Thầy Thành” của chúng ta

Tính đến cuối năm 1945, sau hơn 3 tháng phát động, theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh Bắc bộ gửi về Bộ Quốc gia Giáo dục thì đã mở được hơn 22.100 lớp học với gần 30.000 giáo viên, và đã dạy biết chữ cho hơn 500.000 học viên mà tổng chi phí xuất từ ngân sách Trung ương là 815,68 đồng, còn lại đều do các địa phương và tư nhân chi trả. Đến cuối năm 1946, Bộ Quốc gia Giáo dục báo cáo có 74.975 lớp với 95.665 giáo viên, riêng ở Bắc bộ và Trung bộ đã có hơn 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Tới năm 1948, đã có 6 triệu người thoát nạn mù chữ và đến năm 1952 là 10 triệu người. Chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành. Đi đôi với việc diệt “giặc dốt”, việc bổ túc văn hóa để củng cố đọc thông, viết thạo của những người đã thoát nạn mù chữ được tổ chức và đẩy mạnh, trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân cũng được nâng lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh - “thầy Thành” của chúng ta, luôn luôn kiên trì quan điểm xây dựng một nền giáo dục toàn dân, chống nạn thất học và nâng cao dân trí. Người đã động viên mọi tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện việc này ngay từ những lúc khẩn trương nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất, từ khi cách mạng còn trứng nước đến lúc giành được chính quyền, bước vào công cuộc xây dựng chế độ mới.

Ngày 4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi”.