- Chỉ nên đón khách khi đã sẵn sàng
- Nâng cấp đội ngũ nhân lực làm du lịch đồng bằng sông Cửu Long
- Bà Nà Hills lọt top 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam
Đó là câu chuyện không mới, nhưng mỗi khi được đề cập đến thì lại khiến chúng ta giật mình tiếc nuối. Một đất nước được thiên nhiên ưu ái, nhiều cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, có tiềm năng để phát triển du lịch; đặc biệt được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định sẽ phát triển đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng đến nay đã hàng chục năm, sự phát triển ấy không như kỳ vọng.
Ngay đầu những năm 1990, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chính phủ đã xây dựng và thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010 làm cơ sở quản lý, phát triển du lịch cả nước. Tới năm 1998, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch 2002-2010 và tầm nhìn năm 2020.
Từ đó đến nay, trong các Văn kiện Đại hội Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đều khẳng định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhà nước đã dành không ít kinh phí để đầu tư phát triển, quảng bá du lịch. Thế nhưng đáng buồn là tổng thể du lịch Việt Nam vẫn là bức tranh nham nhở và không biết đến bao giờ, một ngành kinh tế nhiều ưu việt như du lịch, mới thực sự trở thành mũi nhọn (?).
Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, đến thời điểm này, các chỉ tiêu định lượng đã đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch tới năm 2020 và tầm nhìn 2030. Cụ thể, khách quốc tế đạt 7,9 triệu so với chỉ tiêu là 7-7,5 triệu lượt; khách nội địa đạt 57 triệu trong khi chỉ tiêu là 47-48 triệu lượt. Tổng thu là 15,40 tỷ USD (chỉ tiêu là 10-11 tỷ USD), đóng góp vào GDP hiện nay là 6,6% so với mục tiêu là 5,5- 6%... Bộ VH-TT&DL cũng đặt ra những chỉ tiêu rất khả dĩ cho ngành du lịch trong những năm tới.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới đây, điểm đáng mừng là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng nhưng buồn một nỗi số lượng du khách quay trở lại chỉ chiếm khoảng 6%. Tương tự, khách nội địa có 39% đến thăm lần đầu, 24% đến thăm lần thứ hai và chỉ có 13% đến thăm lần thứ ba. Nguyên nhân khiến du lịch Việt không níu chân được du khách nếu kể ra thì rất nhiều, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, đều là do những yếu kém triền miên của ngành du lịch Việt Nam.
Dẫu biết dù đã có cải thiện đôi chút nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được sự phát triển của khách du lịch cũng như không đủ cạnh tranh với du lịch các nước bạn. Sơ bộ có thể điểm tên như: cơ sở vật chất kém, dịch vụ sơ sài, ô nhiễm môi trường, thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp, nạn chèo kéo, chặt chém du khách, thiếu liên kết giữa các vùng, miền...
Nếu không cải thiện một cách đột phá những vấn đề căn bản này, thì dù chúng ta đổ bao nhiêu tiền vào quảng bá du lịch, tổ chức các lễ hội, cũng đều là tiêu tiền vô ích. Và đúng như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói, nếu không “bồi bổ” thì ưu thế lớn nhất của du lịch Việt là “tiềm năng” sẽ ngày một kiệt dần.
Tại “Đề án Định hướng phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” của Bộ VH-TT&DL, những mặt được, chưa được, những giải pháp để phát triển ngành du lịch cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, theo đánh giá thì Bộ VH-TT&DL vẫn còn “né tránh” những yếu kém của ngành mình, cũng như những giải pháp đưa ra còn chung chung, chưa đạt.
Nói gì thì nói, muốn tiến bộ trước tiên phải nghiêm túc nhìn vào những thiếu sót của mình và quyết liệt đưa ra giải pháp khắc phục. Có thế, mới mong một ngành kinh tế vốn có xuất phát điểm đầy lợi thế này, sẽ thực sự trở thành “mũi nhọn” như kỳ vọng.