Nâng cấp đội ngũ nhân lực làm du lịch đồng bằng sông Cửu Long

ANTĐ - “Ước tính chỉ 15-20% đội ngũ làm du lịch của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện được đào tạo bài bản, còn lại vẫn hoạt động tương đối tự do” – đó là đánh giá của ông Phan Văn Hò, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long về nhu cầu bức thiết cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm du lịch tại đây.

Lực lượng lao động mỏng, chưa chuyên nghiệp

Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang là ba điểm đến có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi Cần Thơ được coi là cửa ngõ, trung tâm phân phối khách du lịch của đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có điểm du lịch miếu bà Chúa Xứ thu hút đông khách du lịch tâm linh nhất cả nước, Kiên Giang sở hữu đảo Ngọc Phú Quốc – điểm du lịch hàng đầu Việt Nam thì có thể thấy tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch của những địa phương này là không thể chối cãi. Tuy nhiên, trên thực tế các điểm đến này còn chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Bà Lê Đình Minh Thy, đại diện công ty Vietravel chi nhánh Rạch Giá – Kiên Giang phân tích, qua khảo sát khách hàng, bà nhận thấy khách đến đồng bằng sông Cửu Long thường có xu hướng đi một lần cho biết, chỉ ở lại 1,2 ngày, lưu trú không dài. Bởi vậy chi tiêu của khách vào những sản phẩm dịch vụ du lịch cũng không cao. Mặt khác, trình độ của đội ngũ làm du lịch còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp, một phần do thiếu kinh phí đào tạo.

Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tương đối yếu

Nhận định vấn đề này, ông Phan Văn Hò, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “Nguồn nhân lực đào tạo cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long còn rất yếu. Chỉ 15-20% đội ngũ làm du lịch có điều kiện được đào tạo bài bản, còn lại vẫn hoạt động tương đối tự do”.

Ông Phan Văn Hò lý giải, là do hiện nay các trường đào tạo chuyên ngành du lịch còn khá ít, còn nếu được đào tạo, thì khi vào các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại.

Bàn về vấn đề này, bà Châu Thị Y Khoa, Phó Giám đốc Victoria Cần Thơ Resort cho biết, vấn đề lớn nhất mà lao động du lịch ở đây gặp phải vẫn là trình độ ngoại ngữ, số người sử dụng ngoại ngữ thành thạo còn thiếu nên buộc phải “tái sử dụng” nhiều lần trong thời gian cao điểm.

Ưu tiên đào tạo "đào tạo viên"

Để tháo gỡ những khó khăn và hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long, chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu EU tài trợ, gọi tắt là dự án EU đã khảo sát và mở lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhiều đối tượng.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, chuyên viên kỹ thuật của dự án EU thì quan đểm của dự án là không đào tạo trực tiếp, mà ưu tiên đào tạo những đào tạo viên để phát triển đội ngũ nhân lực làm du lịch tại địa phương lâu dài, bền vững.

Trong đó, từ năm 2015, dự án EU đã tập huấn cho 200 cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, trên 500 lượt nhân viên tại các doanh nghiệp du lịch, 450 lượt cộng đồng dân cư địa phương và 35 lượt giảng viên, đào tạo viên của các trường cao đẳng nghề du lịch tại các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể kể đến một số điển hình như xã Mỹ Khánh (Cần Thơ) và xã Mỹ Hòa Hưng (An Giang), từ những người nông dân chủ yếu sống bằng sông nước, làm vườn, sau khi được tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm và kinh doanh lưu trú đã bước đầu đã triển khai có hiệu quả mô hình homestay. 

Khách tham quan vườn trái cây Vàm Xáng ở xã Mỹ Khánh, Cần Thơ

Bên cạnh đó, dự án EU cũng xây dựng 10 bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam VTOS làm cơ sở đánh giá chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch.

Trong quá trình thực hiện dự án, ông Chính cho biết, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã áp dụng bộ tiêu chuẩn VTOS vào trong hoạt động thực tiễn như tập đoàn Mường Thanh, Saigontourist, Victoria…

Mục đích cuối cùng là làm thế nào để bộ tiêu chuẩn này phù hợp với bộ tiêu chuẩn ASEAN, và các lao động đáp ứng chuẩn này có thể dịch chuyển ra các nước ASEAN và được thừa nhận trình độ nghề.