Tài sản ký ức ở phố Ngô Quyền sang trọng bậc nhất một thời

ANTD.VN - Cách đây rất lâu tôi ngạc nhiên khi thấy những vết đạn của cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1946 vẫn còn lưu dấu rất rõ trên những hàng rào sắt của tòa nhà Bắc Bộ phủ. Cái tên Bắc Bộ phủ có lẽ sẽ còn gợi được ký ức của nhiều người và tòa nhà lịch sử đó nằm trên phố Ngô Quyền - một trong những con “phố Tây” sang trọng bậc nhất của một thời.

Tài sản ký ức ở phố Ngô Quyền sang trọng bậc nhất một thời ảnh 1Bắc Bộ phủ là nơi làm việc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến tận ngày Toàn quốc kháng chiến

Tòa nhà đánh dấu những bước ngoặt quan trọng của lịch sử 

Phố Ngô Quyền từng là một trong những con phố quan trọng và giàu có bậc nhất của chính quyền thuộc địa. Trên phố có tòa tư dinh của Thống sứ Bắc kỳ cai quản toàn bộ miền Bắc được xây dựng từ năm 1918. Tòa nhà biểu trưng cho quyền lực thực dân ở Bắc kỳ trải qua nhiều biến cố, khi quân Nhật tràn vào Việt Nam và đảo chính Pháp năm 1945, Dinh thống sứ trở thành Phủ Khâm sai Bắc kỳ của chính quyền Trần Trọng Kim.

Ngày 19-8-1945, sau cuộc mít tinh lớn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, người dân Thủ đô, lực lượng Việt Minh đã kéo đến chiếm Phủ khâm sai - tòa nhà biểu trưng cho quyền lực thực dân và phong kiến một thời đã thuộc về chính quyền cách mạng và sau đó được gọi tên là Bắc Bộ phủ.

Ở Bắc Bộ phủ, chính quyền lâm thời Việt Nam đã họp phiên đầu tiên ở đây và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng làm việc ở nơi này một thời gian và từ đó cái tên Bắc Bộ phủ trở nên thân thương và quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Bắc Bộ phủ tiếp tục là nơi làm việc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến tận ngày Toàn quốc kháng chiến. Sau năm 1954, tòa nhà được sửa chữa và trở thành Nhà khách Chính phủ. Bốn lần thay đổi tên gọi và thay đổi công năng, tòa nhà đánh dấu những bước ngoặt quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại và có lẽ hiếm tòa nào có được vị thế ấy.

Nếu trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, Phủ khâm sai Bắc kỳ là một trong những địa điểm quan trọng chính quyền cách mạng giành được đầu tiên thì trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1946, nó là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất giữa quân viễn chinh Pháp và Việt Minh. Và những vết đạn bây giờ vẫn còn găm dấu vết trên hàng rào và cửa sắt là chứng tích ác liệt từ trận đánh năm ấy.

Dinh thống sứ xưa được xây với kiến trúc tân cổ điển đặc trưng với bố cục các mặt đăng đối, kết hợp với các trang trí mang phong cách Ba rốc và Phục hưng, tòa nhà là một điểm nhấn rất đáng chú ý trên phố Ngô Quyền. Đặc biệt, bức ảnh chụp đoàn biểu tình đến chiếm Phủ khâm sai Bắc kỳ năm 1945 đã trở thành một khoảnh khắc lịch sử khó quên.

Tài sản ký ức ở phố Ngô Quyền sang trọng bậc nhất một thời ảnh 2

Tài sản ký ức ở phố Ngô Quyền sang trọng bậc nhất một thời ảnh 3Khách sạn Sofitel Metropole được xây dựng năm 1901 và là một trong những khách sạn xa xỉ và lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ

Khách sạn xa xỉ và lớn nhất Hà Nội một thời 

Như đã nói ở trên, phố Ngô Quyền từng là một trong những con phố sang trọng bậc nhất của Hà Nội một thời. Khách sạn Sofitel Metropole được xây dựng trên phố từ năm 1901 và là một trong những khách sạn xa xỉ và lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ. Rất nhiều những văn nghệ nổi tiếng thế giới đã từng ở nơi này, trong đó danh hài Charlie Chaplin với cô vợ mới cưới đã ở đây năm 1936; diễn viên Jane Fonda; ca sĩ Joan Baez và đặc biệt sự lưu trú của nhà văn nổi tiếng người Anh, Graham Greene đã mang thêm danh tiếng cho khách sạn. Graham Greene (1904-1991) đã ở khách sạn Metropole năm 1951 và chính ở nơi này ông đã khởi thảo viết cuốn tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” - một trong những tiểu thuyết hay nhất viết về chiến tranh Việt Nam và đã hai lần được dựng thành phim gây tiếng vang lớn.

Sự khác biệt của các danh nhân là khi họ lưu lại nơi nào thì chỗ đó trở thành một thứ tài sản ký ức. Căn phòng Graham Greene từng ở trong khách sạn nay được mang tên ông và người ta cố gắng giữ gìn nó y như ngày trước. Được ở căn phòng một nhà văn nổi tiếng từng lưu lại có lẽ điều ấy rất đặc biệt, và Metropole giờ cũng là một khách sạn có tiếng của Thủ đô, là khách sạn được phong danh hiệu 5 sao đầu tiên của Hà Nội. Nhìn tòa nhà màu trắng tráng lệ  mà nhớ rằng nó đã có lịch sử hơn trăm năm, lịch sử nhiều khi như một cái chớp mắt, nhắm vào, mở ra đã thấy bao đổi thay…

Tài sản ký ức ở phố Ngô Quyền sang trọng bậc nhất một thời ảnh 4Phố Ngô Quyền (mang tên người có công viết lên những trang mới trong lịch sử Việt Nam, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc và mở ra nền độc lập lâu dài cho đất nước) bây giờ vẫn là một phố lớn của Hà Nội

Ngô Quyền: “Vua của các Vua”

Nhưng nhân vật quan trọng nhất tôi muốn nói đến về con phố này tất nhiên phải là Ngô Quyền. Các sử gia thời phong kiến đã giành cho Ngô Quyền một vị trí rất trang trọng. “Đại Việt sử ký toàn thư” đã gọi ông là “Vua của các Vua”. Vì sao vậy, vì Ngô Quyền đã có công viết lên những trang mới trong lịch sử Việt Nam, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc và mở ra một nền độc lập lâu dài cho đất nước.

Ngô Quyền (899-944) quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội nhưng vào tụ nghĩa với Dương Đình Nghệ lúc ấy đương ở Thanh Hóa và trở thành con rể của ông. Dương Đình Nghệ vốn là một vị tướng uy dũng bậc nhất lúc bấy giờ. Khi Vua Nam Hán đưa quân sang Giao Châu, Dương Đình Nghệ mang quân ra đánh, phá tan quân Nam Hán và tự xưng là Tiết độ sứ. Nhưng 8 năm sau, một bộ tướng của ông là Kiều Công Tiễn phản chủ, giết ông để cướp ngôi. Ngô Quyền từ Ái Châu mang quân ra hỏi tội kẻ phản bội, Kiều Công Tiễn biết mình không thể nào địch nổi Ngô Quyền đã cầu viện quân Nam Hán sang cứu trợ. Và Vua Nam Hán là Lưu Cung đã cử con trai là Lưu Hoằng Thao sang chinh phạt.

Chính lần dẫn quân của Hoằng Thao này đã khởi thủy cho những chiến thắng mang tính vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam. Chiến thắng năm 938 đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Ngô Quyền xưng Vua, đóng đô ở Cổ Loa, mở ra nền độc lập lâu dài cho Việt Nam. Và trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đã trở thành kinh điển trong lịch sử quân sự. Theo kế này về sau, Lê Hoàn (năm 981) và Trần Quốc Tuấn (năm 1288) cũng giáng cho quân xâm lược những đòn khiếp vía.

Tài sản ký ức ở phố Ngô Quyền sang trọng bậc nhất một thời ảnh 5Nhà văn Uông Triều

Phố Ngô Quyền bây giờ vẫn là một phố lớn của Hà Nội với rất nhiều các cơ quan Nhà nước. Phố thoáng đãng, vỉa hè rộng, có nhiều cây xanh. Ai đi trên phố có lúc nào nghĩ rằng mình đang đi trên con phố mang tên một vị vua được tôn vinh là “Vua của các Vua” và lắng nghe những âm hưởng quá khứ từ những tòa biệt thự cổ kính vọng tới.