Tác phẩm "Chuyện phiếm sử học": Góc nhìn chưa từng có về lịch sử Việt Nam

ANTĐ - Những câu chuyện thâm cung bí sử về những vị vua chúa, những vương công quý tộc dù đã lùi xa hàng trăm năm nhưng luôn là đề tài khuyến khích sự khai phá của giới sử gia cũng như sự tò mò của hậu thế. “Chuyện phiếm sử học” của tác giả Tạ Chí Đại Trường (ảnh) là một trong rất ít tác phẩm hiện nay bật tung cánh cửa mở ra góc nhìn gần như chưa từng có về lịch sử Việt Nam. 

Bìa sách “Chuyện phiếm sử học” và nhà sử học Tạ Chí Đại Trường

Bi kịch của Trần Quốc Tuấn

“Chuyện phiếm sử học” là tập hợp 6 ghi chép của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường về những câu chuyện lịch sử Việt Nam được thực hiện vào những năm tháng cuối đời của ông. Trong số đó, 2 bài viết được tác giả tâm đắc nhất là loạt trilogy (gồm 3 câu chuyện nối tiếp) về triều Trần và nghiên cứu “Sex và triều đại”.

Nói về lịch sử triều Trần, một triều đại hoàng kim trong lịch sử Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường mở đầu như thế này, lịch sử triều Trần “xứng đáng được hưởng một lối nhìn khác”, không theo lối giản dị như của sử thần xưa, hay “khung cửa hẹp” của các sử gia mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Tạ Chí Đại Trường nhìn triều Trần từ nhiều hướng, trong đó ông làm nổi bật lên mối quan hệ tréo ngoe, phức tạp giữa nội bộ hoàng tộc, nhưng vẫn đủ sức làm nên những người anh hùng, mà không thể không kể đến là Trần Quốc Tuấn. 

Cái tài của Tạ Chí Đại Trường là không nhằm miêu tả một Trần Quốc Tuấn oai phong lẫm liệt, chiến công hiển hách, mà chỉ là “một đơn vị trong biến động”, bị giằng xé giữa một bên là đất nước, một bên là gia đình. Lòng trung trinh của Trần Quốc Tuấn cho đến bây giờ vẫn được người sau tôn thờ, bởi ông đã gạt bỏ thù riêng mà gánh lấy trọng trách lớn lao của dân tộc, hiệu triệu toàn quân đứng lên diệt giặc.

Nhưng sự vinh danh của thế gian cũng không bù đắp nỗi bi kịch trong gia đình ông. Vì kiên trung mà đến cuối đời ông cũng không thể làm theo ước vọng trả thù của cha và cũng là giấc mộng của đời mình. Ông đã chọn làm “Tôi sáng”, để không khuấy lên một cuộc phản loạn mà nếu có, không biết vận mệnh của nhà Trần sẽ đổi thay thế nào. 

Không né tránh những chuyện tối kỵ

Có lẽ, Tạ Chí Đại Trường là một trong những tác giả hiếm hoi dám thẳng thắn đặt vấn đề tình dục (sex) - một khía cạnh thường bị các sử gia xưa và nay né tránh. Ông dẫn giải về khía cạnh này bằng một loạt các dẫn chứng khi cho rằng sinh hoạt riêng tư ở trong cung cấm thời xưa thường được biểu hiện qua các tên cung điện. Ví dụ như triều Lê có các điện Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc… hay Lý Nhân Tông có cung Hợp Hoan đều hàm ý về những chuyện ân ái trong cung cấm.

Tất nhiên, chuyện phòng the của những ông vua, bà chúa trong cung cấm luôn là đề tài khó nói, nhưng bằng óc hài hước, tư duy thông minh và cái nhìn phóng khoáng, Tạ Chí Đại Trường gần như đã xóa tan những đám mây mù định kiến. Không độc giả nào không tủm tỉm cười khi Tạ Chí Đại Trường gọi vua Lý Thái Tông là “the right man in the wrong place” (đúng người, sai chỗ), chỉ vì ông bị mỹ nữ Chiêm Thành là Mỵ Ê - lúc đó đứng trước nỗi đau mất nước từ chối.

Hay khi nói về chuyện thái tử Long Xưởng thông dâm với phi tần của cha vẫn không bị bắt tội chết, ông thong thả bình “… trong cung người ta dễ dàng tư tình, từ quan triều tới mẹ vua, đến thái tử với các dì của mình, ông vua có biết cũng làm ngơ trừ phi động đến các “cục cưng”. 

 “Chuyện phiếm sử học”, cũng như những tác phẩm trước đây của Tạ Chí Đại Trường gây nhiều tranh luận bởi ông không ngần ngại bày tỏ lập trường thẳng thắn, đôi khi đối lập với số đông. Không cố truy xét sự thật, không phân minh trắng đen rạch ròi, ngòi bút của ông thuyết phục mọi người bằng những kiến giải phong phú, những lập luận chặt chẽ, được thấu đạt bởi vốn hiểu biết uyên bác.

“Chuyện phiếm sử học” tuy là phiếm thật, nhưng lại là một ghi chép sắc sảo, thông tuệ và đầy dí dỏm mà người đọc không thể tìm thấy ở những cuốn chính sử khô khan. Và thêm một lý do nữa, đây không phải là những nghiên cứu, mà thực sự là một tác phẩm văn học đáng được trân trọng, được hoàn thành trong những năm tháng cuối đời của một nhà sử học, một nhà văn hóa.