Sửa luật để dẹp nạn in lậu

ANTĐ - Ngày 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Theo tờ trình của Chính phủ, hiện nay, cả nước có khoảng trên 1.500 cơ sở in công nghiệp lớn, nhỏ. Tuy nhiên, việc quản lý đối với các cơ sở in lại không cùng một khung pháp lý thống nhất. Cụ thể, trong số 1.500 cơ sở in thì mới chỉ có khoảng 400 cơ sở in chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản. Hơn 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in (vì không tham gia in xuất bản phẩm, báo chí, tem chống giả...). Chính điều này đã tạo kẽ hở, dẫn đến việc quản lý 1.100 cơ sở in nói trên gần như bị buông lỏng. 

Vấn đề đáng lo ngại là trong số 1.100 cơ sở in này, gần như 100% đều có khả năng in được xuất bản phẩm. Lợi dụng điều này, thời gian qua, có không ít cơ sở in dù không có chức năng in xuất bản phẩm nhưng vẫn thực hiện in hoặc tiếp tay cho các đối tượng khác để in lậu, in trái phép xuất bản phẩm nhằm trục lợi bất chính. Nạn in lậu đến nay đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và làm suy kiệt các nhà xuất bản làm ăn chân chính, đúng pháp luật. Để khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh nói trên, đồng thời, tạo điều kiện cho hoạt động in phát triển lành mạnh trong thời gian tới, cần thiết phải sửa đổi các quy định của Luật Xuất bản hiện hành về quản lý cơ sở in.

Liên quan tới dự Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, dự thảo sửa đổi theo hướng không cấm người phạm tội nghiêm trọng nhưng đã được xóa án tích được hành nghề luật sư. Tuy nhiên, Thường trực Tư pháp cho rằng việc cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở hình thành đội ngũ luật sư có tài, có đức. Dự thảo cũng đề nghị mở rộng diện đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa. Ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, thì người thân hoặc người đại diện hợp pháp của những đối tượng này cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, dù được xóa án tích, cũng không nên cho phép một số đối tượng đã phạm tội nghiêm trọng hành nghề luật sư. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình: “Luật sư phải là người có đạo đức và uy tín. Do đó, kể cả trường hợp chỉ phải chịu hình phạt nhẹ, nhưng đã có án tích thì không nên cho hành nghề luật sư”. 

Liên quan đến quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư - vấn đề mà “luật sư nào cũng đã từng gặp vướng mắc”, ông Phan Trung Lý đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, giải trình rõ sự cần thiết và quá trình thực hiện trước khi quyết định giữ hay bỏ. Dự thảo luật quy định, với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, luật sư chỉ cần xuất trình thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng; song với các các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa.