Chẳng hạn như Thông tư 04/2013/BTC của Bộ Tài chính quy định thu phí cầu phà cả thương - bệnh binh và trẻ em dưới 10 tuổi. Quy định này bị phê phán là vô cảm bởi thương - bệnh binh và trẻ dưới 10 tuổi không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp, sống nhờ trợ cấp của Nhà nước. Xưa nay, thương - bệnh binh là đối tượng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và có chính sách ưu đãi để tỏ lòng biết ơn những hy sinh xương máu lớn lao của họ, đáng lý phải được ưu đãi, sao lại tận thu?
Năm ngoái, Tổng cục Thuế đã từng gây sốc khi có văn bản hướng dẫn "đánh thuế bà đẻ" là thuế thu nhập cá nhân từ chế độ thai sản. Vị lãnh đạo ký ban hành văn bản này vì không sâu sát, chỉ chú ý đến khía cạnh nghiệp vụ, bỏ qua đánh giá tác động của chính sách đến xã hội nên đã có quyết định sai về nghiệp vụ và trái với đạo lý. Ngân sách Nhà nước đâu có khó đến mức phải tận thu đến mức gạt cả đạo lý sang một bên.
Tiếp đến, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013, quy định “không được phát tán thông tin vi phạm quy chế thi”. Bị chỉ trích, Bộ GD-ĐT liền sửa sai.
Một trường hợp khác, hy hữu hơn, là dự thảo Nghị định 105/2012 về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo. Vì bất khả thi, dự thảo này đã bị Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) “tuýt còi”. Mới đây, Bộ này ban hành Công văn 242 để làm rõ một số nội dung trong Nghị định 105/2012 song lại bị... “tuýt còi” tiếp vì công văn được ban hành không đúng theo trình tự, thủ tục!
Mới đây, Bộ GT-VT đưa ra việc phạt người sử dụng mũ bảo hiểm rởm. Có phần đúng, nhưng người tiêu dùng cũng chỉ là nạn nhân của hàng giả, giống như người mua phải gas rởm, thuốc rởm, sữa rởm hay thức ăn không đảm bảo... Trách nhiệm để xảy ra việc đó là thuộc về cơ quan chức năng, tại sao nạn nhân lại bị phạt là điều phi lý.
Mấy hôm nay lại rộ lên chuyện một số nhà xuất bản đã xuất bản và phát hành một số sách có nội dung, hình ảnh không phù hợp với đặc điểm, tình hình chính trị - xã hội Việt Nam, gây bức xúc trong xã hội. Đó lại là sách dạy chữ cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 mới đáng trách. Nhà xuất bản là người chịu trách nhiệm thẩm định nội dung trước khi xuất bản và phát hành đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Tuy các đơn vị liên quan đang tiến hành khắc phục bằng cách thu hồi toàn bộ sách phát hành coi như đã sửa sai.
Làm sai thì sửa, xem như một cách cầu thị. Sai đâu sửa đấy, nhưng cách thức trên khiến người ta lại nhớ đến câu nói dân gian “Sai đâu sửa đó, sửa đâu sai đó, sai đó sửa đâu”. Bởi với kiểu thực hiện công việc dễ dãi, cẩu thả, thiếu trách nhiệm từ ra văn bản pháp quy đến các bộ sách giáo khoa thì các nhà quản lý trên phải tự nghiệm lại và tự mổ xẻ xem khả năng của mình có đáp ứng được không? Phải truy tìm, xử lý từ gốc gác của cái sai đã sửa. Không thể chấp nhận điều đó khi hầu hết những người làm chính sách đều có học hàm, học vị, lại được ăn lương bằng tiền thuế của dân!