Số phận những đứa con được "đẻ thuê" trong nhà bố mẹ nuôi

ANTĐ - "Đứa trẻ ngồi đài sen phải là một đứa trẻ khỏe mạnh, có nước da hồng, kháu khỉnh và bụ bẫm. Đấy mới là con tôi, còn bé Tuấn Anh, chắc là có sự nhầm lẫn gì đó"...

Những cặp vợ chồng hiếm muộn chọn cho mình cách được làm cha mẹ bằng việc thuê người sinh con cho họ, sau khi trả tiền và nhận con, mọi liên lạc giữa người đẻ thuê và người nhận con sẽ chấm dứt. Nhưng câu chuyện với những đứa trẻ khi ấy mới bắt đầu. Có những cha mẹ nuôi yêu thương đứa con được "đẻ thuê" và đối xử với con như ruột thịt nhưng cũng có những cha mẹ nuôi không vượt qua được dư luận, trút giận vào đứa con được "đẻ thuê". Có những đứa trẻ phát hiện ra thân phận thật của mình và suy sụp, phá phách. Hạnh phúc biến thành thứ không trọn vẹn...

Bị ghét vì không đẹp như mong muốn

Bé Tuấn Anh năm nay 4 tuổi, đen và gầy gò. Trước khi có đứa con này, chị Hằng đã luôn tưởng tượng rằng con trai chị sẽ bụ bẫm và xinh xắn. Thế nhưng Tuấn Anh ngay từ lúc sinh ra đã là một đứa trẻ gầy gò, ốm yếu. Thực ra, ít người biết sự thật rằng Tuấn Anh không phải là con đẻ của vợ chồng chị ngoài những người thân trong gia đình.

Chị Hằng lấy chồng năm 27 tuổi. Anh Thắng, chồng chị, hơn chị 2 tuổi. Hai người hoàn toàn khỏe mạnh, đi khám cũng không có vấn đề gì về sức khỏe nhưng không hiểu sao, chị Hằng không thể mang thai và sinh con được. Lấy nhau hơn 10 năm, đi tìm thầy ở đủ mọi nơi nhưng ước muốn có một đứa con của anh chị vẫn không được thực hiện. Đến lúc ấy, chị Hằng mới bàn với chồng chuyện xin con nuôi. Chị không muốn đến các bệnh viện hoặc các trung tâm xã hội để xin con mà muốn tìm người đẻ thuê để chính chị có thể chọn bố mẹ cho đứa con của mình. Anh Thắng chiều vợ nên để yên cho chị làm những gì chị muốn.

 

Sau 3 tháng tìm người và thuyết phục, chị Hằng đã tìm được bố mẹ cho con mình và một cô gái đẻ thuê được chị trả tiền công là 100 triệu, kèm theo đó, những tháng cô ta mang thai và sau khi sinh con 6 tháng, chị sẽ chăm lo mọi thứ đầy đủ cho cô. Cha của đứa trẻ là một doanh nhân trẻ thành đạt và mẹ của cháu là một người mẫu nổi tiếng trong làng thời trang. Chị Hằng mong muốn con mình sẽ có sự thông minh của bố, sự xinh đẹp của mẹ và con sẽ trở thành niềm tự hào của anh chị. Chị cũng đã đi hỏi người dương, gọi người âm cẩn thận, kĩ càng và các câu trả lời đều khiến chị rất hài lòng. Các thầy đều phán rằng đứa con này hợp mệnh với cha mẹ, là đứa trẻ ngồi trên đài sen vừa xinh đẹp lại giỏi giang, sẽ sống cuộc đời nhàn nhã và ít khi phải chịu sóng gió.

Để hàng xóm không dị nghị, ngày cô gái đẻ thuê cho vợ chồng chị mang thai được một tháng, anh chị thu xếp công việc chuyển vào Nam và sống luôn trong đó. Chị Hằng mong ngóng từng ngày con chị ra đời. Chị đã chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết, đã chuẩn bị phòng riêng cho con cũng đã chọn tên cho con. Dù được chị chăm sóc rất kĩ càng nhưng cô gái đẻ thuê lại sinh non khi cái thai mới được 8 tháng. Con trai chị khi vừa sinh ra đã phải nằm trong lồng kính để theo dõi.

Thằng bé bị sặc nước ối nên hô hấp rất kém. Hơn một tháng nằm trong lồng kính, Tuấn Anh mới có thể tự thở được. Khi sinh ra, Tuấn Anh chỉ được hơn hai kilogam. Thằng bé nhỏ và ốm yếu. Cô gái đẻ thuê lại không có sữa nên chị Hằng phải thuê một bà mẹ mới sinh con đến cho con mình bú. Chị còn thuê thêm một y tá có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ để lo việc tắm rửa và theo dõi sức khỏe của Tuấn Anh hàng ngày. Dù tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con nhưng Tuấn Anh vẫn rất yếu. Bên cạnh đó, do mọi việc chăm sóc con, chị đều thuê người về làm nên chị Hằng cũng không mấy có tình cảm gắn bó với đứa con này.

Tới giờ Tuấn Anh đã 4 tuổi. Dù không còn hay ốm như lúc mới sinh nữa nhưng Tuấn Anh cũng không được khỏe mạnh và hoạt bát như những đứa trẻ cùng tuổi. Vì ít khi được bố mẹ trò chuyện và gần gũi nên Tuấn Anh khá nhút nhát. Bạn thân nhất của bé là mấy con thú nhồi bông và người có thể khiến bé mở lời nói chuyện cùng là bà bảo mẫu. Chị Hằng chẳng hề bận tâm vì điều ấy bởi thằng bé không giống như những gì chị mong đợi. "Đứa trẻ ngồi đài sen phải là một đứa trẻ khỏe mạnh, có nước da hồng, kháu khỉnh và bụ bẫm. Đấy mới là con tôi, còn bé Tuấn Anh, chắc là có sự nhầm lẫn gì đó" - Chị Hằng phân trần.

Chồng chị tuyệt đối không can thiệp vào chuyện chăm con của vợ, có thi thoảng lúc rảnh rỗi và tâm trạng vui vẻ, anh mới vào phòng chơi với Tuấn Anh. Bao nhiêu năm khao khát làm mẹ nhưng đến khi đạt được ước mơ ấy, Hằng lại chẳng hề trân trọng nó. Thậm chí chị còn đang lên kế hoạch cho việc tìm kiếm một đứa con mới với "rút kinh nghiệm từ lần đầu tiên, chắc chắn con tôi sẽ hơn người" - Chị Hằng hăng hái nói.

Ra rìa vì bố mẹ nuôi bỗng dưng có con

Cùng cảnh hiếm muộn như vợ chồng Hằng, chị Dung cũng bàn đến chuyện xin con nuôi. Được một người quen giới thiệu, chị tìm được một cô sinh viên đại học đang học năm cuối, vì trót dại ăn trái cấm nên đang có thai 6 tháng và tất nhiên, cô không muốn nuôi con. Thấy cô bé nhanh nhẹn, xinh xắn, chị Dung ưng ý lắm. Ngày nào, chị cũng qua thăm cô bé và mang đồ bổ dưỡng đến cho cô. Hai chị em ngày nào cũng rủ rỉ chuyện trò dần thành thân quen. Chị hứa với cô rằng chị sẽ chăm sóc con cô như con đẻ của mình, sẽ yêu thương và dạy dỗ cẩn thận nên cô không phải lo lắng gì hết.

Khi nhận con về, chị Dung có cho mẹ đẻ của cháu 10 triệu đồng gọi là chút tiền cảm ơn và để cô sinh viên làm vốn sau này. Kể từ khi đó chị cũng cắt đứt liên lạc với mẹ đẻ của con luôn để tránh sự rắc rối về sau, "nhỡ cô bé nghĩ lại đến đòi con thì mọi chuyện lại rối tung lên" - Chị Dung nói.

Dung đặt tên con gái là Hạnh Nhi. Nhi trắng trẻo, rất xinh xắn. Đến tuổi tập nói, con bé bi bô cả ngày. Gặp chuyện gì Nhi cũng hỏi, lúc nào cũng: "Ba ơi! Sao lại thế này", "Mẹ ơi! Sao lại thế kia?". Nhà chị Dung lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Anh Hùng, chồng chị, trước lúc nào cũng tối mịt mới về. Sau giờ làm anh thường rượu chè la cà với bạn bè đủ kiểu. Nhưng giờ, hễ tan làm là anh về nhà ngay. Anh nói anh nhớ con gái không chịu được, "kể mà mang được con bé đi làm cùng tôi thì tốt quá". Anh em, bạn bè cũng mừng cho gia đình Dung vì nhờ có Hạnh Nhi mà vợ chồng anh chị hòa thuận hơn. Lá đơn li hôn được viết trước đây cũng đã xé bỏ.

Thế rồi một chuyện bất ngờ xảy ra khiến gia đình Dung có nhiều xáo trộn. Dung bỗng dưng mang thai. Lúc ấy Hạnh Nhi vừa vào lớp một. Đây là tin khiến tất cả mọi người đều vô cùng ngạc nhiên vì trước đó, vợ chồng Dung đã chạy chữa khắp nơi mà chị vẫn không tài nào có con được. Tất nhiên, ai cũng mừng cho vợ chồng Dung. Mẹ chồng chị có lẽ là người mừng hơn tất cả, nhất là khi bà nghe kết quả siêu âm thông báo thai nhi ba tháng tuổi Dung đang mang là giới tính nam. Vậy là cái ước nguyện có cháu đích tôn của bà vốn tưởng không bao giờ có thể thực hiện được thì giờ bỗng dưng lại thành hiện thực.

 

Cả nhà cuống quýt vào chăm sóc cho Dung. Bé Hạnh Nhi được chuyển qua cho bảo mẫu chăm sóc. Bố Hùng cũng dành ít thời gian cho con gái hơn vì anh còn bận đưa vợ mình đến lớp học làm mẹ trước sinh, đưa vợ đi mua đồ sơ sinh cho con và anh còn bận bịu với việc xây thêm một phòng nữa để cho con trai sắp ra đời của mình. Hạnh Nhi biết mình sắp có em cũng vui vẻ lắm. Hễ thấy mẹ là con bé lại chạy gần xoa bụng hỏi: "Em có ngoan không mẹ?", "Bao giờ em ra chơi với con?"... nhưng chị Dung luôn tìm cách tránh con bé vì thầy nói, mệnh của Hạnh Nhi không tốt, xung khắc với mệnh của thai nhi chị đang mang. Thành ra vì thế mà bé Nhi chỉ còn mỗi cô bảo mẫu để chơi và nói chuyện cùng.

Đến lúc chị Dung sinh em bé thì Nhi gần như không còn nhận được sự quan tâm nào từ bố mẹ nữa. Tất cả việc ăn uống, học hành của cháu đều được vợ chồng Dung giao trọng trách cho bảo mẫu vì hai người còn bận rộn với việc chăm sóc thằng cu Bi. Nhi còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện. Cháu nghĩ rằng em trai bé hơn mình nên em cần được bố me quan tâm và chăm sóc nhiều hơn. Thế nên chẳng bao giờ Nhi thắc mắc chuyện vì sao mình không được yêu thương bằng em trai. Khi Hạnh Nhi lên 7 tuổi, chị Dung không thuê bảo mẫu nữa bởi thấy Nhi đã đủ lớn để tự lo cho mình. Thi thoảng, cô bé còn được mẹ giao cho nhiệm vụ giặt quần áo cho em vì "những đồ này không giặt máy được. Hỏng hết quần áo của em". Nhi rất ra dáng một bà chị. Cháu làm việc mà không thắc mắc gì cả. Chị Dung tâm sự. "Nhiều lúc nghĩ cũng tội con bé nhưng cả nhà tôi có mỗi thằng cu Bi nên phải tập trung lo cho thằng bé. Thành ra vợ chồng tôi chẳng còn tâm trí và hơi sức đâu để lo cho bé Nhi nữa".

Thế nhưng dù không được bố mẹ quan tâm nhiều nhưng bé Nhi vẫn còn thảnh thơi và hạnh phúc hơn Mai vì bé có bố mẹ nuôi là những người giàu có. Còn Mai thì ngược lại. Cháu cũng là đứa con được bố mẹ nuôi trả tiền để xin về nhưng bố mẹ nuôi nghèo, năm Mai lên 10 tuổi, bố mẹ sinh được một em bé nên cuộc sống của cháu thay đổi hoàn toàn từ đó. Thay vì được yêu thương và chăm sóc như trước đây, Mai trở thành đứa trẻ bị sai bảo cả ngày. Khi thì giặt tã cho em, khi thì trông em, lúc đi chợ, lúc lau dọn nhà cửa...

Những thứ ngon, bố mẹ của cháu đều dành cả cho em bé. Mai cũng không được ngủ cùng bố mẹ nữa mà chuyển qua ngủ ở giường một kê ngoài phòng khách. Bố mẹ cũng không ngần ngại cho Mai biết rằng cháu không phải là con ruột của hai người. Mai còn nhỏ nên chưa hiểu con nuôi với con đẻ khác nhau như thế nào, cháu chỉ biết em trai được cưng chiều hơn và chẳng bao giờ bị mắng. Các bác đến chơi cũng chỉ chơi với em trai, cho quà em trai còn Mai phải xuống bếp ngồi theo lời dặn của bố mẹ, khi nào nhà hết khách thì bé mới được lên nhà. Dẫu vậy, vì vẫn là trẻ con nên nỗi buồn của Mai nhanh chóng biến mất khi bé đến trường, hòa vào đám bạn và sống trong những câu chuyện của trẻ con.

Cuộc chiến giành con

Chị Nguyễn Minh Hà (43 tuổi, Kim Liên, Hà Nội) gặp phóng viên với vẻ mặt mệt mỏi. Chị nói, chị vừa đi đòi con mà không được. "Đó rõ ràng là con của tôi. Vậy mà con bé nhất định không trả. Nó cứ khóc suốt rồi đóng cửa. Tôi có gọi ra thế nào, con bé cũng không mờ” - Chị Hà bức xúc nói. "Con bé" chị nhắc đến ở đây tên Lan, 20 tuổi. Lan là người mà chị Hà đã thuê để mang thai hộ vợ chồng chị. Chị Hà lấy chồng đã 5 năm. Vì kết hôn muộn nên sau cưới, vợ chồng chị muốn có em bé ngay. Thế nhưng lần nào mang thai, dù giữ gìn cẩn thận, cứ đến khi thai nhi được 4 tháng tuổi là không thể giữ được. Bác sĩ nói tử cung của chị Hà có vấn đề nên nhau thai không thể bám vào thành tử cung do đó không thể giữ được cái thai trong tử cung của chị. Sau 3 lần sảy thai, chị Hà quyết đinh không sinh con nữa vì nếu mang thai lần nữa và lại bị sảy thì việc đó sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của chị.

Một người bạn khuyên Hà nên tìm người mang thai hộ. Người mang thai hộ sẽ được cấy trứng của Hà và tinh trùng chồng chị vào tử cung. Nghĩa là đứa con sẽ là con của anh chị, chỉ là để cho con lớn nhờ trong cơ thể của một người khác. Sau khi bàn bạc với chồng và nhận được sự đồng ý từ phía anh, chị Hà bắt đầu tìm người mang thai hộ. Tiêu chuẩn đặt ra cho người mang thai hộ chị cần người đó trẻ và khỏe. Người mang thai hộ sẽ là người nuôi hộ chị đứa con từ lúc chưa thành hình cho tới khi sinh ra cháu nên nhất thiết người đó phải có sức khỏe để đảm bảo cho con chị được khỏe mạnh. Lan là ôsin nhà bạn chị. Vô tình đến nhà bạn chơi và gặp cô bé, Hà đã ưng ngay vì con bé nhanh nhẹn, tháo vát lại khỏe mạnh. Từ đó, chị năng đến chơi nhà bạn hơn và làm quen, bắt chuyện với con bé. Khi đã có phần thân thiết, Hà mới ngỏ ý nhờ Lan mang thai hộ mình và tất nhiên, chị sẽ không để cho con bé phải chịu thiệt. Con bé lắc đầu quầy quậy vì ở quê, bố mẹ mà biết nó "chửa hoang" thì chắc chắn sẽ không chừa đường cho nó về nhà. Đó là còn chưa kể đến chuyện hàng xóm mà biết nó không chồng mà chửa chắc chắn sẽ điều ra tiếng vào rồi bố mọ nó sẽ không sống nổi mất.

Chị Hà phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho Lan hiểu bản chất của sự việc. Cuối cùng, cô cũng đồng ý nhưng vẫn buông tiếng thở dài não nề: "Dù thế nào thì vẫn là cháu không chồng mà chửa. Đẻ con xong thì ai còn dám lấy cháu nữa". Thương con bé thật thà, chân chất, vợ chồng chị Hà thống nhất sẽ cho con bé 150 triệu để có vốn làm ăn và không phải đi giúp việc nữa. Tiền sẽ được trao cho Lan sau khi vợ chồng chị nhận được con về. Chị Hà đón Lan về nhà chăm sóc. Lan dù đã 20 tuổi nhưng còn khá ngây thơ và vụng dại trong cách ứng xử. Vợ chồng Hà coi Lan như em gái và đối xử với cô rất tốt. Mọi chuyện đều tốt đẹp cho đến khi em bé ra đời. Đó là một bé gái nặng 3,1 kg.

Nghe thấy tiếng khóc vang rõ của đứa trẻ và đến khi được nhìn thấy hình hài của cháu, chị Hà bật khóc. Cuối cùng, chị đã được làm mẹ và chị đã có một đứa con. Mỗi đứa trẻ là một phần đời của một người phụ nữ. Sư xuất hiện của mỗi đứa trẻ đều mang về cho người mẹ niềm hạnh phúc không thể diễn ra bằng lời. Sau khi sinh em bé, Lan ở cùng vợ chồng chị Hà thêm ba tháng nữa vì những tháng đầu, chị Hà không muốn con mình phải ăn sữa ngoài. Sau khi trả tiền đầy đủ cho Lan, chị tìm cho Lan một phòng trọ nhỏ và xin cho cô học nghề may tại trung tâm. Mọi chuyện tưởng thế là ổn thỏa nhưng một ngày, tan giờ làm, chị Hà về nhà thì được bà giúp việc cho hay: "Cô Lan đến bế cháu đi rồi".

 

Mới đầu, chị tưởng Lan đưa con bé đi chơi nhưng khi đến phòng trọ tìm, Lan nhất quyết không mở cửa. Cô bé đưa qua cửa sổ bọc tiền nói chị Hà cứ mang tiền về, Lan không cần tiền, Lan nuôi con. Chị Hà và chồng đã hết lời giải thích cho Lan hiểu rằng đó là con của anh chị, nó chỉ "ở nhờ” trong người Lan một thời gian mà thôi. Lan không chịu, anh chị đành đi về rồi hôm sau lại đến từ sáng sớm. Vì buộc phải ra ngoài để mua sữa và đồ ăn cho con nên Lan phải mở cửa. Cô bế con theo và hễ chị Hà động vào người là cô lại hét toáng lên kêu cứu. Cứ đi đi về về hàng tuần trời mà chị Hà vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Lan. Chị nói: "Có lẽ tôi lại đón Lan về rồi cả nhà ở với nhau như trước. Sau này, tôi tìm một người ứng ý, cưới cho Lan một tấm chồng thì mới có cờ hội tách Lan ra khỏi con gái tôi được".

Vợ đổi ý không nhận con

Nếu như chị Hà mải miết đi đón con không được thì chị Vân lại khác. Chị kiên quyết không nhận con dù để có đứa con này, chị đã bỏ ra không ít tiền thuê người đẻ thuê. Nguyên nhân khiến vợ chồng chị Vân không có con là xuất phát từ anh Mạnh, chồng chị. Nhiều lần chồng đề nghị chia tay để chị Vân đi tìm hạnh phúc mới và để chị được làm mẹ nhưng chị không chịu. Phương án tìm người đẻ thuê được đưa ra và cả hai vợ chồng đều đồng ý. Trứng của chị Vân và tinh trùng của một người đàn ông lạ được cấy vào tử cung của một người phụ nữ tên Hoa. 9 tháng 10 ngày, Hoa sinh một bé trai kháu khỉnh. Anh Mạnh hồ hởi bế con về. Anh ngỡ vợ mình cũng phải mừng lắm nhưng chị lại đổi ý, nhất định không nhận thằng bé về nuôi dù xét ra, chị kì thực mới là mẹ ruột của cháu. Vì không mang thai và không phải chịu sự đau đớn khi lâm bồn nên chị Vân hoàn toàn không có cảm giác gắn bó với đứa bé này mà nhất là chỉ cảm thấy day dứt vì sự ra đời của đứa bé giống như chị đã phản bội chồng mình để có con với người khác. Dù anh Mạnh nói thế nào, chị vẫn nhất định không nhận con. Không biết làm thế nào, anh Mạnh đành thỏa thuận với Hoa rằng cô sẽ nuôi thằng bé đến khi thằng bé có thể cai sữa, anh sẽ trả thêm tiền cho cô ta. Tất nhiên chuyện này anh giấu kín vợ.

Khi con trai được một tuổi, Hoa chấm dứt hợp đồng và trao thằng bé lại cho anh Mạnh. Anh Mạnh đã bố trí một căn phòng chung cư cho con trai ở và nhờ bà ngoại thi thoảng qua trông cháu giúp anh bởi anh đã thuê một bảo mẫu để chăm con. Bà ngoại cũng được dặn là phải giữ kín chuyện này với Vân. "Tôi tính sẽ thuyết phục Vân dần dần đến khi cô đồng ý thì tôi đón thằng bé về nhà. Thế mà một năm rồi cô vẫn kiên quyết không nhận nuôi. Dù gì thằng bé cũng là máu mủ của vợ tôi. Tôi coi nó như con nên chừng nào chưa thuyết phục được Vân, tôi vẫn sẽ bí mật nuôi thằng bé" - Anh Mạnh cho biết.

***

Người ta sẽ chẳng thể hiểu nổi cảm giác tuyệt vời khi làm một người mẹ là như thế nào cho tới khi họ có một đứa con. Mỗi đứa trẻ khi đến với thế gian này đều mang theo một lí do riêng của mình nhưng giữa chúng có một điểm chung là khiến cho người lớn hạnh phúc. Vì thế, đừng khiến trẻ con đau đớn ngay cả khi chúng chưa hiểu nỗi đau là gì.