Sinh viên đại học có thể được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

ANTĐ - Điều chỉnh mới nhất tại dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) tại phiên họp sáng 19-1, là không đưa đối tượng sinh viên vào diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình. Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, nên cho phép sinh viên các trường đại học chính quy được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

Sinh viên đại học có thể được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự ảnh 1Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân

Không kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ

Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, nếu giữ như quy định hiện hành (sinh viên đã được gọi học, đang học những trường đại học chính quy được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự) thì đối tượng tạm hoãn quá rộng. Trên cơ sở thực tiễn của nước ta và kinh nghiệm quốc tế, nhiều ý kiến đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật… Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số ý kiến không đồng tình với quy định này. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: “Những đối tượng vừa trúng tuyển đại học, nhất là đã học hết 1 học kỳ, 1 năm khi được gọi đi làm nghĩa vụ quân sự sẽ dở dang việc học hay sao?”. Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, sinh viên đang học đại học mà phải bỏ dở để đi làm nghĩa vụ quân sự 2 năm thì khi về sẽ khó theo nổi việc học. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị, phải hoãn gọi nghĩa vụ quân sự với học sinh đã trúng tuyển đại học chính quy, còn sau khi sinh viên đã tốt nghiệp đại học, lúc này gọi đi làm nghĩa vụ quân sự là phù hợp. Tán thành quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những thanh niên đã thi đỗ đại học có thể tạm hoãn gọi nhập ngũ nhưng không phải là miễn nghĩa vụ quân sự.

Một điểm mới nữa ở dự thảo lần này là quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân thống nhất từ 18 - 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành chứ không giữ phương án kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi như dự thảo Chính phủ trình trước đó. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị nên sử dụng hình thức nghĩa vụ quân sự thay thế để thanh niên, sinh viên các trường đại học chính quy thực hiện, giúp tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp ra trường là có thể đi làm ngay. Tuy nhiên, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, đề xuất cho phép sinh viên có thể tự đóng kinh phí tham gia huấn luyện quân sự tập trung 3 tháng để thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khả thi và không đảm bảo công bằng.

Hiệu quả của giám sát phải được nâng cao hơn

Cũng trong phiên họp ngày 19-1, UBTVQH đã thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Khẳng định chỉ Quốc hội mới có chức năng giám sát tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong dự thảo Luật phải làm rõ “giám sát tối cao” là gì, từ đối tượng, phạm vi, tính chất tối cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội cũng phải được làm rõ. Cùng với đó, phải xem xét, cân nhắc các cơ chế, giải pháp, trách nhiệm, quyền hạn liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND. Đây cũng là quan điểm được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Hoạt động giám sát là để phục vụ Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Do đó, giám sát của Quốc hội phải gắn với việc thực hiện quyền lực của Quốc hội, hiệu lực, hiệu quả của giám sát phải được nâng cao hơn”.

Cấp xã có thể được quyền công bố dịch bệnh 

Cho ý kiến về dự thảo Luật Thú y, vấn đề được UBTVQH quan tâm là thẩm quyền công bố dịch bệnh trên động vật. Dự thảo Luật Thú y mới nhất đưa ra 2 phương án. Phương án 1 quy định thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn được phân cấp đến Chủ tịch UBND cấp xã. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ vào đề nghị của nhân viên thú y cấp xã, quyết định công bố dịch bệnh động vật trong phạm vi xã khi có đủ các điều kiện. Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện, quyết định công bố dịch bệnh động vật khi có đủ các điều kiện và dịch bệnh xảy ra từ 2 xã trở lên. Dịch bệnh xảy ra từ 2 huyện trở lên sẽ do UBND tỉnh quyết định công bố dịch. Phương án 2 chỉ quy định thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn được phân cấp tới Chủ tịch UBND cấp huyện.