Sẽ quy định “cứng” số lượng cấp phó?

ANTĐ - Ngày 9-4, nội dung được nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là việc nên hay không nên quy định “cứng” số lượng thứ trưởng, cấp phó tại các cơ quan, bộ, ngành.

Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này đã có nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý sau khi được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua. Về cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, qua thảo luận, các ý kiến trong UBTVQH cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo tiếp thu dự án Luật của Chính phủ. Cụ thể, cơ cấu của các bộ không quá 5 thứ trưởng; các Bộ Quốc phòng, Công an không quá 6 thứ trưởng. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, cho rằng không nên quy định “cứng” số lượng thứ trưởng, cấp phó. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, nếu số lượng cấp phó quy định cứng, thống nhất chỉ 5 thứ trưởng thì “hơi căng” đối với những bộ đa ngành. Tương tự, về quy định cấp phó của Tổng cục là 3, theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc, có nhiều tổng cục khối lượng công việc rất lớn, ví dụ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quản lý 1 triệu km2 sẽ rất khó đảm bảo yêu cầu điều hành công việc nên cần phải cân nhắc thêm. Đồng quan điểm, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị quy định khung cấp phó nên có sự uyển chuyển để đảm bảo hiệu quả điều hành công việc của Chính phủ.

Cùng ngày, cho ý kiến vào Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ý kiến tại UBTVQH tán thành phương án về cơ bản không thay đổi mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương như hiện nay. Theo đó, sẽ quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), song cần làm rõ những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Các ý kiến cũng đề nghị ở cấp HĐND địa phương, cần đổi mới theo hướng nâng cao tỷ lệ đại biểu chuyên trách, hạn chế số lượng đại biểu kiêm nhiệm. 

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến, biểu quyết thông các Tờ trình của Chính phủ về đề án thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Theo tờ trình của Chính phủ, thành phố Tam Điệp có 10.497,9ha diện tích tự nhiên, 104.175 nhân khẩu và 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường. Còn theo tờ trình điều chỉnh địa giới huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), sau khi điều chỉnh, thị xã Kỳ Anh có 28.025,03ha diện tích tự nhiên, 85.508 nhân khẩu và 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường. Huyện Kỳ Anh còn lại 76.161,7ha diện tích đất tự nhiên, 120.518 nhân khẩu và 21 xã. 

 Sau khi xem xét, UBTVQH đã biểu quyết thông các Tờ trình của Chính phủ về 2 đề án điều chỉnh địa giới hành chính nói trên với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt đồng ý.