Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn:
Tạm chấp nhận nhiều cấp phó
(ANTĐ) - Ngày 23-7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, dự kiến, sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội mới sẽ có 8 Phó Chủ tịch...
Cũng theo ông Trần Văn Tuấn, mục tiêu quan trọng hiện nay là ổn định tâm lý cán bộ, chưa tính tới yêu cầu tinh giản biên chế khi tiến hành hợp nhất Hà Nội và Hà Tây.
- HĐND TP Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây muốn sáp nhập 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) trước thời điểm 1-8, liệu Bộ Nội vụ có kịp trình Chính phủ?
- Phải sau 1-8 mới làm được việc này. Sau khi có TP Hà Nội mới, phải tiến hành họp từ UBND cấp xã, tới cấp huyện để bàn việc sáp nhập. Dự định nhập vào huyện nào phải xem HĐND huyện đó có đồng ý không. Sau đó, lại phải được HĐND TP đồng ý rồi mới trình lên Chính phủ ban hành Nghị định quyết định 4 xã đó thuộc huyện nào chứ không làm tắt được.
- Vậy hoạt động quản lý, điều hành ở 4 xã này sẽ thực hiện thế nào trong thời gian chờ đợi quyết định chính thức?
- Bộ Nội vụ sẽ có văn bản hướng dẫn để thực hiện công tác quản lý, điều hành tại 4 xã này. HĐND TP Hà Nội (mới) sẽ phân công các đại biểu HĐND các huyện và xã về sinh hoạt tại khu dân cư và trên cơ sở đó, UBND cùng cấp sẽ phân cho các xã đó dưới sự điều hành của một UBND huyện phù hợp. Đó là bước đầu để các xã có cơ quan cấp trên quản lý.
- Thưa Bộ trưởng, sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội mới sẽ được phép có bao nhiêu Phó Chủ tịch?
- Trước 1-8, Chính phủ sẽ có nghị định. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo. Về cơ bản, số lượng Phó Chủ tịch của UBND TP Hà Nội mới sẽ đạt tới mức gần hợp nhất như nguyên trạng (Hà Nội hiện có 5 Phó Chủ tịch UBND TP và tỉnh Hà Tây có 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh). Nói chung là phải cân nhắc làm sao cho đủ các vị trí đó.
Người dân sẽ phải đi xa hơn để giải quyết thủ tục hành chính |
- Sau khi hợp nhất, số cấp phó sở, ngành sẽ tăng vọt, có khi trên 15 vị?
- Đúng là có những sở hiện tại đã có nhiều cấp phó vì thực chất là hợp nhất từ 3 sở. Bây giờ, Hà Nội hợp nhất với Hà Tây thì số lượng lại tăng gấp đôi. Đó là một thực tế. Chúng ta lo lắng về con số cấp phó đông như vậy nhưng cũng cần chia sẻ bởi các đồng chí đó cũng có những thành tích, đóng góp, có am hiểu, trình độ...
Hà Nội đã trình và Bộ Chính trị cũng đã đồng ý cho phép một số đồng chí được luân chuyển về UBND quận, huyện làm Phó Bí thư hoặc Phó Chủ tịch UBND. Bên cạnh mục đích tăng cường cán bộ giúp cơ sở vì hợp nhất 2 địa phương, công việc rất nhiều thì đây cũng là cơ hội giúp các đồng chí đó rèn luyện.
Song song với việc luân chuyển, cấp phó của các Sở cũng sẽ được rút dần để đảm bảo quy định tại Nghị định số 13/CP. Nếu thực hiện đủ theo quy định thì đương nhiên là tốt song chúng ta đang xây dựng cơ chế quản lý đa ngành, nhiều cơ quan được sáp nhập vào làm một nên phải chấp nhận số lượng nhiều hơn chứ không thể giải quyết sắp xếp, bố trí ngay trong một lúc được.
- Như vậy, số cấp phó ở các quận, huyện cũng sẽ “phình” ra?
- Chỉ có một số quận, huyện tăng thêm cấp phó. Tuy nhiên, cũng phải tuân thủ luật định về số lượng ủy viên UBND cấp huyện quận, nghĩa là không được quá 9 người.
Nếu quận, huyện nào đang có 7 ủy viên thì tăng thêm 2 là bình thường song đã có 8 hoặc 9 rồi thì muốn tăng thêm cấp phó phải bàn rút bớt một vị trí ủy viên UBND.
- Sau khi hợp nhất, người dân ở huyện Ba Vì có khi phải đi 60-70km mới tới được các Sở của Hà Nội để giải quyết thủ tục hành chính, liệu có phương án nào tháo gỡ khó khăn cho người dân?
- Một sở chỉ có một con dấu nên không có cách nào khác là người dân phải tới trụ sở chính của Sở đó để làm việc, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính... Hiện tại, theo tôi được biết, Hà Nội đang cân nhắc chia một số Sở làm việc tại địa bàn nội thành Hà Nội và một số làm việc tại thành phố Hà Đông, sau này cũng là của Hà Nội cho phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, tâm lý cán bộ và giải quyết công việc cho dân.
- Nhân dịp hợp nhất, có tiến hành rà soát để tinh gọn bộ máy không thưa ông?
- Bộ Nội vụ đang trong quá trình tổng hợp. Hiện nay, yêu cầu tinh giản biên chế chưa đặt ra. Quan trọng là phải ổn định, tạo tâm lý yên tâm cho cán bộ, công chức để bộ máy đi vào hoạt động bình thường, công việc không bị ảnh hưởng gì từ 1-8. Trong quá trình bố trí, nếu có những vị trí dôi dư có thể thực hiện theo Nghị định 132/CP thì sẽ tiến hành sắp xếp song đó không phải là mục tiêu chính.
- Bộ Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tạm dùng con dấu cũ, vậy có đặt ra thời hạn cho việc có con dấu mới không?
- Con dấu mới của các cơ quan, tổ chức cơ bản sẽ được hoàn thành sớm trong đầu tháng 8-2008. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi tới các cấp có thẩm quyền để tạo điều kiện cho các đơn vị khắc dấu mới.
Riêng 2 đơn vị TP Hà Đông và TP Sơn Tây, việc khắc dấu sẽ chậm hơn. 2 địa phương này sẽ được sử dụng con dấu cũ tới khi có văn bản của cấp có thẩm quyền quy định cấp hành chính.
- Vậy 2 thành phố này sẽ được đặt ở cấp hành chính nào?
- Hiện nay vấn đề này chưa đặt ra song có lẽ là tương đương cấp huyện và tên như thế nào sẽ tính thêm.
- Hà Nội và Hà Tây đều có cơ chế, chính sách đặc thù, vậy giai đoạn sắp tới sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?
- Chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo 2 địa phương và đều nhất trí là các cơ chế, chính sách riêng của 2 địa phương sẽ phải áp dụng cho tới hết năm 2008. Nếu thay đổi ngay sẽ không đảm bảo ổn định. Sau khi hợp nhất, sẽ có điều kiện để rà soát, điều chỉnh.
Chính Trung (Ghi)