Sẽ khó khăn, nhưng thành quả nhiều hơn mất mát

ANTĐ - Tròn 1 tháng sau ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tính đến hôm qua 2-6, diễn biến tình hình trên Biển Đông vẫn còn hết sức phức tạp. Công tác đấu tranh của Việt Nam trên khía cạnh ngoại giao đang được tiến hành khẩn trương hơn, với nguyên tắc không thay đổi là kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và đã đạt được những hiệu quả nhất định. Báo ANTĐ có cuộc trao đổi riêng với ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

Guồng máy ngoại giao đang “chạy hết công suất”

- PV: Từng là cán bộ ngoại giao lâu năm và dày dặn kinh nghiệm, ông đánh giá thế nào về guồng máy ngoại giao Việt Nam trong việc đấu tranh mạnh mẽ trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc?

- Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao: Tôi từng có hơn 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao, đã trải qua nhiều giai đoạn đấu tranh ngoại giao căng thẳng. Tuy nhiên lần này tôi thấy hoạt động ngoại giao của ta lại một lần nữa diễn ra rất khẩn trương và dồn dập. Gần 30 lần tiếp xúc chỉ với riêng phía Trung Quốc đã chứng tỏ guồng máy đang chạy hết công suất. Do phía Trung Quốc không chịu tiếp thu và luôn áp đặt, guồng máy ngoại giao Việt Nam cần phải tìm kiếm sự ủng hộ khác của quốc tế. 

Đầu tiên là ASEAN, ở diễn đàn khu vực này chúng ta đã có những bài phát biểu đanh thép của Thủ tướng và nhận được nhiều ủng hộ của dư luận. Và sự ra đời tuyên bố chung của ASEAN là một thành công lớn của ngoại giao Việt Nam. Tại một số diễn đàn khác ta cũng thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận như Diễn đàn kinh tế thế giới tại Philippines. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định trước thế giới về tình hình nghiêm trọng do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như các lập trường rõ ràng dứt khoát của Việt Nam đối với vấn đề này.

Tại Diễn đàn an ninh châu Á Shangri-La, ta cũng tranh thủ được những chính khách hàng đầu của các quốc gia lớn trên thế giới bày tỏ rõ thái độ phê phán mạnh mẽ Trung Quốc. Một hoạt động ngoại giao khác là Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cũng đã có những buổi họp báo để thông báo tình hình hay các bài viết đáp trả đanh thép mọi luận điệu sai trái của Trung Quốc, như với trường hợp của 2 đại sứ Việt Nam tại Mỹ và Indonesia. Lãnh đạo Bộ ngoại giao và các vị đại sứ ta tại nhiều nước đã có những hoạt động mà tôi đánh giá là chủ động rất cao khi trả lời phỏng vấn trực tiếp và thông báo tình hình cho cơ quan báo chí. Cơ quan đại diện của ta tại Liên hợp quốc cũng đã gửi công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối hành vi của Trung Quốc đến Tổng thư ký Liên hợp quốc và 190 quốc gia thành viên. 

Đó là đấu tranh ngoại giao trực diện. Còn về đấu tranh ngoại giao pháp lý, ta cũng cần nghiên cứu nếu khởi kiện Trung Quốc thì chọn tòa án nào và khởi kiện về vấn đề gì để đảm bảo Trung Quốc không thể viện dẫn quyền bảo lưu của họ nhằm trốn tránh có mặt tại tòa án quốc tế. Ta cũng xác định rằng, đấu tranh pháp lý có thể chưa có kết quả ngay, nhưng ít nhất nó cũng tạo ra những dư luận có lợi cho Việt Nam, đó cũng là một kênh ngoại giao rất quan trọng.

- Trung Quốc đang tự đánh mất hình ảnh nước lớn trên trường quốc tế cũng như khu vực khi có những hành xử nhỏ nhen và không chính nghĩa, hung hăng ức hiếp nước nhỏ như vừa qua?

- Qua sự việc này ta có thể thấy rõ những gì Trung Quốc nói lâu nay khác xa với những gì Trung Quốc làm. Ví dụ như họ ra sức quảng bá về việc “trỗi dậy hòa bình”; “16 chữ vàng và 4 tốt” hay tất cả những gì mà họ từng cam kết thì nay đã lộ mặt thật. Họ mang giàn khoan, mang tàu vào thềm lục địa của Việt Nam, không chỉ có tàu dân sự mà còn cả tàu quân sự. Thậm chí họ còn dọa dẫm bằng cách đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Khi các nhà báo trong nước và nước ngoài trực tiếp chứng kiến những xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc và đưa thông tin này ra toàn thế giới thì bản chất của Trung Quốc đã không thể che đậy được nữa. Nói cách khác, những hành động xâm phạm của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam vừa rồi đã làm đổ vỡ lòng tin của các quốc gia láng giềng, bạn bè xung quanh. Kể cả các nước lâu nay vẫn giữ thái độ kiềm chế và trung lập với Trung Quốc thì nay cũng không thể không lên tiếng trước những hành vi sai trái này, ví dụ như Singapore hay Indonesia… Họ có thể nhìn thấy rằng, một khi Trung Quốc đã xâm phạm Việt Nam như vậy, nếu họ không phản đối thì chẳng mấy chốc Trung Quốc cũng sẽ xâm phạm chính đất nước của họ. 

Người dân Trung Quốc sẽ hiểu ra sự thật

- Dường như dư luận nhân dân Trung Quốc ở trong nước họ khó tiếp cận những thông tin khách quan từ phía Việt Nam? 

- Thực tế người dân Trung Quốc bị chính nhà nước của họ bưng bít và đánh lừa quá nhiều. Ví dụ như năm 1979 Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam. Lúc đó hơn 60 vạn quân Trung Quốc ồ ạt đánh vào các tỉnh biên giới phía Bắc. Rõ ràng họ tấn công chúng ta nhưng lại nói với nhân dân Trung Quốc rằng đây là cuộc phản kích tự vệ. Nói cách khác, họ muốn tuyên truyền rằng Trung Quốc bị Việt Nam tấn công trước. Chính vì thế suốt một thời gian dài nhân dân Trung Quốc vẫn tưởng rằng Việt Nam cố tình gây hấn. Đó là thủ đoạn quen thuộc của Trung Quốc, họ làm nhưng lại đổ vấy cho người khác. 

Hiện nay các mạng xã hội ở Trung Quốc bị kiểm soát rất chặt chẽ và người dân chỉ nhận được những thông tin mà nhà nước muốn họ phải nhận. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhân dân Trung Quốc chỉ cần có tư duy bình thường là sẽ hiểu bản chất vấn đề. Hiện nay khá nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng ý thức được rằng sự thật nằm ở đâu trong vụ việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào hạ đặt tại vùng biển Việt Nam. Nhiều học giả Trung Quốc bắt đầu lên tiếng. Riêng với Việt Nam, chúng ta không bao giờ vu cáo Trung Quốc, nhưng mặt khác chúng ta cũng cần có nhưng kênh thông tin để nói cho nhân dân Trung Quốc hiểu rõ vấn đề. Điển hình như chúng ta có thể tăng cường giao tiếp với các mạng xã hội của Trung Quốc bằng ngôn ngữ của họ giúp họ có thể tiếp cận với sự thật.

- Ông đánh giá như thế nào về việc cố tình đưa những thông tin gian dối của chính quyền Trung Quốc cho người dân của họ?

- Với nhà cầm quyền Trung Quốc, việc cố tình đưa những thông tin sai lệch, một chiều như hiện nay thì chính họ sẽ kích động sự trỗi dậy của Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thực tế điều đó đang tồn tại rất mạnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi tin đa số nhân dân Trung Quốc sẽ tỉnh táo chứ không dễ gì bị đầu độc bởi những thông tin sai trái như vậy. Với một đường lưỡi bò “liếm” dài xuống tận các vùng biển phía Nam như hiện nay thì bất cứ ai cũng thấy đó là điều hoàn toàn phi lý, thiếu logic. Hơn nữa một quốc gia đứng thứ nhì thế giới về kinh tế và có tiềm lực quân sự phát triển rất mạnh như Trung Quốc không lẽ bị hết nước này đến nước khác bắt nạt? Đó là điều mà người dân Trung Quốc bình thường cũng không thể nào tin được.

Hình ảnh các tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Kiểm ngư,
Cảnh sát biển và tàu cá Việt Nam khiến dư luận thế giới phẫn nộ

Nguy cơ luôn đi kèm cơ hội

- Căng thẳng trên Biển Đông leo thang có thể dẫn tới việc Trung Quốc trả đũa kinh tế đối với Việt Nam? Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này? 

- Nếu xét về cục bộ thì tôi cho rằng điều này có thể xảy ra. Ví dụ như một số dự án tại Việt Nam mà Trung Quốc trúng thầu vừa rồi họ đã vin vào cớ một số công nhân Việt Nam thiếu hiểu biết bị kẻ xấu kích động đập phá tài sản để rút nhân viên về nước. Mặc dù ta đã kịp thời ngăn chặn nhưng họ cố tình thổi phồng, nghiêm trọng hóa vấn đề để gây khó khăn, gây sức ép cho chúng ta. Sở dĩ tôi nói như vậy vì tôi đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, mặc dù họ cũng bị thiệt hại nhưng họ không hành xử như phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp này nhìn nhận đây là một sự cố và vẫn luôn có niềm tin vào chính sách cũng như các biện pháp giải quyết mà các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đưa ra để xử lý triệt để vấn đề. 

Thêm nữa, với Việt Nam thì Trung Quốc không phải một nhà đầu tư lớn nên những tác động (nếu có) từ việc trả đũa kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ không để lại hậu quả gì nghiêm trọng. Tất nhiên quan hệ thương mại cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhưng cần phải nhìn nhận ở chỗ, mối quan hệ này đang khiến Trung Quốc có lợi nhiều hơn vì Việt Nam đang nhập khẩu khá nhiều hàng hóa của Trung Quốc, vì thế họ không dại gì tự bỏ đi món lợi này. Bản thân người Trung Quốc cũng hiểu rằng cần giới hạn những xung đột hiện nay chứ không thể để lan ra những lĩnh vực khác. 

Về phía Việt Nam tôi cho rằng đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hay người nông dân Việt Nam tính toán lại để tránh bị động. Giống như 2 mặt của một vấn đề, nguy cơ bao giờ cũng đi kèm cơ hội. Chúng ta nhớ lại cách đây 20 năm khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, lúc đó kinh tế của chúng ta gắn với khối XHCN và Việt Nam đứng trước nguy cơ rất lớn về ảnh hưởng nền kinh tế. Nhưng chính điều đó đã thúc đẩy ta đổi mới mạnh mẽ. Khi  nền kinh tế của ta bị ảnh hưởng thì chúng ta đã có những bước đi khác, mở rộng quan hệ, phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước và phát triển như hiện nay. 

- Vấn đề tự chủ về kinh tế, tránh lệ thuộc vào nước ngoài, nhất là Trung Quốc, được đặt ra nhiều lần. Ông nhận định thế nào khi đến nay bài toán này vẫn chưa có lời giải?

- Tôi cho rằng vấn đề này tồn tại là do ta thiếu sự quyết tâm. Khi mọi thứ vẫn diễn ra bình thường thì người ta thấy chưa có nhu cầu phải thay đổi. Nhưng một khi đã bị đẩy vào thế bí, lúc đó chúng ta mới có động cơ mạnh mẽ để thoát khỏi tình thế. Việc tránh lệ thuộc đòi hỏi nền kinh tế phải có sự tái cấu trúc, tất nhiên có thể sẽ có những khó khăn khủng hoảng, nhưng chắc chắn khi đã đi vào ổn định thì thành quả đạt được sẽ nhiều hơn những gì mất mát. Giống như những gì tôi đã nói ở trên, sự cố lần này sẽ tạo cho chúng ta một suy nghĩ mới để phải thay đổi. Sau một cuộc phẫu thuật cắt bỏ những khối u, tuy đau đớn nhưng cơ thể sẽ hồi phục và mạnh mẽ hơn, nhất là khi ta đã có bài học trong quá khứ. Kinh tế Việt Nam đã có lúc nguy cấp, tưởng chừng đổ vỡ đến nơi nhưng cuối cùng chúng ta vẫn vượt qua.

Vai trò của cộng đồng quốc tế

- Từng là Đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản, ông đánh giá thế nào về vai trò của Nhật Bản ở châu Á? 

- Người Nhật đã có thời kỳ quân phiệt, nhưng sau chiến tranh Nhật Bản có hiến pháp hòa bình và họ tuân thủ điều đó cộng thêm những cơ chế quốc tế ràng buộc nên tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn yên tâm về sự phát triển của Nhật Bản. Chính vì vậy chúng ta đã ủng hộ Nhật trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khi Liên hợp quốc được cải tổ. Mặc dù chúng ta cũng từng là nạn nhân của chủ nghĩa phát xít, nhưng người Nhật đã thay đổi tư duy và suy nghĩ để xây dựng một nước Nhật Bản hòa bình, phát triển thịnh vượng, đồng thời hành xử như một quốc gia có trách nhiệm. Những gì nước Nhật đã làm được, chúng ta luôn ủng hộ bởi những đóng góp của họ là rất tích cực cho thế giới và khu vực. Trong những tranh chấp trên biển hiện nay,  Nhật Bản cũng luôn tán thành những biện pháp hòa bình giống Việt Nam. Họ cũng thấy rất rõ ai là kẻ đi bắt nạt và ai là người bị bắt nạt. Nước Nhật cũng có lợi ích rất lớn tại Biển Đông về tự do và an ninh hàng hải, bởi 70% hàng hóa của Nhật đi qua khu vực này. Việc Nhật Bản tích cực ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh bằng biện pháp hòa bình là điều rất đáng trân trọng. 

- Tổng thống Hoa Kỳ đã lên tiếng và có cảnh báo. Liệu Hoa Kỳ đóng vai trò như thế nào trong những diễn biến có liên quan tới tình hình căng thẳng trên Biển Đông?

- Trong nhiều năm sau chiến tranh, quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ phát triển tốt. Cả 2 nước đã nâng mức quan hệ lên thành đối tác toàn diện. Tôi cho rằng Mỹ có lợi ích trong vấn đề Biển Đông. Miễn là những lợi ích của Mỹ không xâm phạm đến quyền lợi và chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn tán thành sự phê phán Trung Quốc vừa qua của họ. Họ cũng thúc giục không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả ASEAN đẩy mạnh đàm phán đi đến ký kết Bộ quy tắc ứng cử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc nhằm đảm bảo ổn định và hòa bình trong khu vực, tôi cho rằng đó cũng là một hành động có trách nhiệm.

- ASEAN cần mạnh mẽ hơn trước những yêu sách chủ quyền vô lối của Trung Quốc, điều này ông đánh giá thế nào?

- Tôi cho rằng khó có thể đòi hỏi một sự lên tiếng mạnh mẽ hơn trong cả tập thể ASEAN như đối với từng quốc gia riêng lẻ. Bởi ta có thể thấy ngay trong khối, mỗi quốc gia cũng có những lợi ích khác nhau, có mối quan hệ khác nhau với Trung Quốc. Riêng việc sau 20 năm khối ASEAN đã ra được một tuyên bố chung như vừa qua tôi cho đã là một thành công rất lớn. Ít nhất Trung Quốc cũng phải hiểu rằng ASEAN đã có một sự đoàn kết trước những việc làm sai trái của họ tại Biển Đông. Và bản thân ASEAN cũng nhận ra một điều, nếu cứ đi riêng lẻ từng nước và không chịu tập hợp lại thì sớm muộn họ cũng sẽ bị Trung Quốc lấn át như bẻ từng chiếc đũa. Nhất là khi ASEAN muốn trở thành một thực thể có vai trò ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới thì tiếng nói càng phải mạnh mẽ hơn nữa. Xu thế chung của ASEAN chắc chắn sẽ đoàn kết hơn và điều mấu chốt là ta phải cùng ASEAN xây dựng được một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Trung Quốc sẽ không từ bỏ mưu đồ

- Dự đoán của ông căng thẳng Biển Đông còn leo thang đến mức nào? 

- Trên Biển Đông hiện nay Việt Nam đang hết sức kiềm chế, ngược lại Trung Quốc tỏ ra khá hung hăng, nhưng Trung Quốc mới chủ yếu đe dọa chứ chưa dùng biện pháp quân sự. Tôi cho rằng đó là giới hạn của cả hai bên. Một giới hạn khác là uy tín của Trung Quốc sau sự việc này đã bị sứt mẻ rất nhiều. Từ chỗ một quốc gia hay rao giảng về hòa bình thì hiện nay đã bị thế giới và khu vực hoài nghi rõ rệt, thậm chí không còn mấy ai tin nữa. Chắc chắn bây giờ họ đã nhận thấy điều đó và sẽ phải điều chỉnh, hiện nay họ đã thấy rõ gần như không còn bạn và không còn láng giềng thân thiện xung quanh.

Nhưng còn vấn đề tranh chấp thì họ sẽ thay biện pháp này bằng một biện pháp khác chứ mưu đồ không dễ gì từ bỏ. Vì thế ta cũng xác định việc đấu tranh về vấn đề chủ quyền là vấn đề lâu dài. Một giới hạn nữa là đối thủ của Trung Quốc chính là Mỹ. Cả hai nước vẫn có sự kiềm chế nhau, vì thế chắc chắn Trung Quốc sẽ không để tình hình đi quá giới hạn và tạo cho Mỹ một cơ hội để can thiệp sâu vào khu vực, nhất là trong lúc này Mỹ đã gắn kết được các đồng minh tại châu Á và quan hệ hữu nghị với các nước khác ở khu vực.

Ngoài ra Trung Quốc còn có nhiều vấn đề nội bộ, do họ phát triển quá nhanh nên cũng tạo ra sự phân hóa xã hội rất lớn. Các giai tầng, hay các sắc tộc và khác khu vực cũng phân hóa rõ rệt… Sự phân hóa này nếu để kéo dài sẽ gây bất ổn vô cùng nặng nề. Nếu Trung Quốc cứ cố tình lao vào một cuộc tranh chấp lớn sẽ dẫn đến không kiểm soát được, đặc biệt nếu dẫn đến xung đột quân sự dẫn đến tiêu phí nguồn lực đất nước thì chắc chắn rối loạn nội bộ sẽ bùng nổ.

- Về khả năng khởi kiện Trung Quốc, theo ông đánh giá, Việt Nam đã từng có nghiên cứu chưa và khả năng thực hiện theo đúng quy tắc tố tụng của một cơ quan tài phán quốc tế phức tạp tới mức nào? 

- Tôi khẳng định cho tới thời điểm này, khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc đã sẵn sàng. Về mặt pháp lý là chúng ta đúng. Tôi lấy ví dụ, bấy lâu nay Trung Quốc vẫn rêu rao 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ. Rồi họ lấy đảo Tri Tôn làm chuẩn và vẽ ra xung quanh phạm vi 200 hải lý làm vùng đặc quyền kinh tế. Đó là điều vô lý bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 quy định rất rõ các đảo chỉ có vùng đặc quyền kinh tế khi có đời sống kinh tế riêng, trong khi Tri Tôn không thể đáp ứng các điều kiện đó. Thêm nữa, về mặt lịch sử chúng ta cũng có bằng chứng rõ ràng. Bản thân Hoàng Sa của chúng ta bị họ sử dụng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974 hay một số đảo trong quần đảo Trường Sa bị họ đánh chiếm từ năm 1988.

Chính ông Đặng Tiểu Bình cũng đã từng tuyên bố, những lãnh thổ bị đánh chiếm bằng vũ lực thì không bao giờ được công nhận chủ quyền. Những tài liệu và bản đồ do chính Trung Quốc xuất bản cũng chỉ ghi nhận điểm cực Nam của họ đến đảo Hải Nam là hết. Những bản đồ chúng ta có và những bản đồ mà các nước trên thế giới hiện còn lưu giữ cũng thể hiện trong lịch sử Trung Quốc không có và chưa bao giờ có bất cứ quyền gì với 2 quần đảo này. Vấn đề Trung Quốc đòi chủ quyền mới chỉ đặt ra về sau này khi từ năm 1947 bỗng dưng một nhân vật trong chính giới của Trung Quốc đưa ra một bản đồ có vẽ đường lưỡi bò. Nhưng đường lưỡi bò này cũng không có giá trị bởi nó không hề nêu được kinh độ, vĩ độ một cách chính xác. Nói tóm lại đây là sự xuyên tạc một cách tùy tiện và không có cơ sở.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Người Việt có thể học từ cả Nhật và Mỹ

- PV: Từ thời Minh Trị, Nhật Bản đã có chủ trương hướng sang phương Tây để phá bỏ những rào cản cũ ảnh hưởng Nho giáo của Trung Quốc? Việt Nam có nên đi theo hướng đó?

- Ông Nguyễn Phú Bình: Người Nhật quan niệm thoát khỏi ảnh hưởng của Nho giáo là thoát khỏi những tư tưởng cổ hủ, những cách học theo kiểu “tầm chương trích cú”. Họ hướng tới phương Tây nhằm hướng tới cái thực học, những ý tưởng sáng tạo có thể giúp ích để có thể đưa vào ứng dụng được chứ không phải theo lối mòn. Việt Nam cũng cần học tập điều đó. Cách đây hơn 100 năm, tác giả Fuzukawa Yukichi đã đăng tải một luận thuyết gọi là “Thoát Á luận”. Bối cảnh nước Nhật lúc đó rất tối tăm, nhưng chính nhờ tư tưởng này nước Nhật đã đổi mới và phát triển hùng mạnh như hiện nay. Vì thế trước mắt chúng ta cần thay đổi, nhưng phải linh hoạt và có định hướng trước tiên là ở vấn đề giáo dục nâng cao dân trí. Đây chính là nền tảng đưa đến những thay đổi cơ bản trong một đất nước. Tôi lấy ví dụ: nếu người dân chúng ta cũng có được sự hiểu biết, có dân trí cao thì sẽ không có những vụ đập phá doanh nghiệp như vừa xảy ra tại Hà Tĩnh, Bình Dương. Dân trí cao cũng sẽ xây dựng được một tinh thần thượng tôn pháp luật và vì cộng đồng. Nếu nước Mỹ đề cao tính cá nhân thì người Nhật lại đề cao tính tập thể, cộng đồng. Tôi cho rằng người Việt chúng ta có thể học tất cả những điều hay ở cả Mỹ và Nhật theo hướng có chọn lọc, đó là ta học sự năng động của phương Tây và cả ý thức cộng đồng của người Nhật. Chúng ta không nên đề quá cao một hình mẫu nào đó làm chuẩn mực và rập khuôn theo. Bởi vì người Nhật cũng có những nhược điểm nhất định, đó là sự máy móc cứng nhắc, quy định như thế nào thì họ làm đúng như vậy và không có sự linh hoạt, uyển chuyển. Như vậy, tôi cho rằng việc thay đổi trước tiên nằm ở vấn đề giáo dục, đây là nhân tố quan trọng nhất.