Sẽ công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm

ANTĐ - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí về nội dung được quan tâm nhiều nhất tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn.

-  PV: Cử tri băn khoăn liệu việc lấy phiếu tín nhiệm có đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực?

- Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm VPQH: Đây là lần đầu tiên tại một kỳ họp, Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Cách làm và quy trình đã có hướng dẫn rất rõ. Cử tri và chúng tôi đều mong việc lấy phiếu sẽ khách quan, công tâm. Vừa rồi, các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm đã có báo cáo giải trình về kết quả công tác, đạo đức, tác phong theo đúng yêu cầu, gửi cho các ĐBQH xem xét trước 20 ngày. Ngoài bản báo cáo, các ĐBQH còn căn cứ vào kết quả giám sát của các ủy ban của Quốc hội, hội đồng dân tộc và ở các lĩnh vực mà người đó phụ trách trong năm vừa qua. Mặt khác, có thể xem xét kết quả thực hiện công tác, ý kiến nhân dân... giúp cho các ĐBQH có cơ sở đánh giá  khách quan.

- Vừa được lấy phiếu cho các chức danh khác, cũng là người được đánh giá tín nhiệm, ông đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- Tất cả các kênh thông tin trên sẽ giúp các ĐBQH đưa ra đánh giá. Bản thân tôi cũng thế. Tôi bỏ lá phiếu tín nhiệm cho các chức danh khác và cũng được các ĐBQH đánh giá mình. Tôi làm đúng như vậy để nghiên cứu, tự đưa ra đánh giá. 

- Với các chức danh lấy phiếu mà không đủ quá bán sẽ xử lý như thế nào, có bỏ phiếu tín nhiệm ngay không? 

- Tình huống này Nghị quyết 35 của Quốc hội cũng đã quy định rõ. Nếu 2 năm liên tục tín nhiệm thấp, sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp quá 2/3 tổng số ĐBQH tín nhiệm thấp thì phải từ chức hoặc chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu có văn bản của 20% ĐBQH cũng chuyển sang bỏ phiếu. Quy định đã rất rõ ràng. Nếu ai đó rơi vào kết quả như vậy thì cứ theo quy định mà làm.

- Quốc hội có lấy phiếu tín nhiệm với người sẽ miễn nhiệm tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới?

- Người đưa ra lấy phiếu cần hội đủ 2 yếu tố. Thứ nhất, phải nằm trong 49 chức danh đã quy định. Thứ hai, phải có thời gian công tác ở chức danh đó ít nhất 1 năm. Trước khi lấy phiếu, UBTVQH sẽ có báo cáo Quốc hội danh sách những đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm. Ai không đủ 2 yếu tố trên thì sẽ không lấy phiếu. Ví dụ, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã chuyển công tác, đã miễn nhiệm xong rồi thì không phải lấy phiếu nữa. Vị Bộ trưởng mới được phê chuẩn vào chức danh này cũng không đủ điều kiện, vì mới bầu được mấy ngày là chưa đủ.

- Quốc hội sẽ thảo luận về lấy phiếu tín nhiệm tại tổ, nội dung này có công khai không?

- Khi làm công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH thảo luận chủ yếu ở đoàn, vì có nhiều thời gian để trao đổi kỹ hơn. Quan trọng nhất là kết quả và xác nhận kết quả bằng nghị quyết. Kết quả này sẽ được công bố công khai trước cử tri cả nước.

- Cơ quan có thẩm quyền có chuẩn bị số dư cho 2 chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước hay không? 

- Trước khi bầu cử mới chốt danh sách, rồi mới bỏ phiếu. Mọi thứ phải theo quy trình và sẽ hết sức công khai. Có số dư hay không sẽ rõ khi có danh sách cụ thể.

Trình Quốc hội 2 phương án tên nước

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có đề xuất về việc đổi tên nước thành “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Đại đa số nhân dân đồng tình giữ tên nước như hiện nay (“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”). Đây là 2 phương án có trình ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đợt này. Tên nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” đã ghi trong Hiến pháp 1946, sau này (năm 1976) mới đổi. Tên đó tồn tại 30 năm. Tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã có từ tháng 7-1976, đến nay, cũng được 37 năm. Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Nhân dân thấy tên nước hiện nay phù hợp với định hướng tiến lên xã hội chủ nghĩa của đất nước, không có ảnh hưởng gì cả. Chúng ta hiện đã có quan hệ với khoảng 200 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, không có vấn đề gì lớn...”.