Sẽ có sự đồng thuận

ANTĐ - Ông đã bao giờ mơ tới việc mình được ở trong một tòa biệt thự, nằm khểnh trên sa-lon xem ti-vi, đến bữa có người giúp việc lên mời xơi những món sơn hào hải vị. Chao ôi là sướng!

- Chính vì thế nên bây giờ người giàu đua nhau xây biệt thự, mà tinh những biệt thự tầm cỡ, có bể bơi, có sân chơi, vườn cảnh. Các khu đô thị mới cũng có khu biệt thự liền kề, dành riêng cho  lớp người chưa hẳn ở mức đại gia nhưng tiền bạc cũng rủng rỉnh.

-  Những biệt thự ấy ở cũng có sướng thật, nhưng không phải cứ ở biệt thự nào cũng là sướng mà có khi còn khổ và nguy hiểm ấy chứ.

- Vâng, ngoài những biệt thự nhóm 1, thì ở thành phố còn kha khá những biệt thự nhóm 2, nhóm 3. Những biệt thự này được giao cho các cơ quan sử dụng làm trụ sở, số khác được giao cho hộ dân sử dụng để ở. Cũng đã có nhiều quy định khá chặt chẽ trong việc bảo tồn, nếu hư hỏng, dột nát vẫn được sửa chữa nhưng phải giữ nguyên trạng. Sẽ không có vấn đề gì nếu việc này được các đơn vị sử dụng thường xuyên quan tâm, xem chỗ nào hư hại, cần sửa và không ngại khi phải đi xin phép.

- Thế những biệt thự các hộ dân đang sử dụng? Tôi biết có nhiều biệt thự mà trong đó có đến vài chục hộ dân đang ở. Chen chúc, cơi nới, xập xệ, xuống cấp, ở đấy chẳng sung sướng gì.

- Vấn đề là chỗ ấy. Cho nên, theo tôi, một là: nếu Nhà nước định sử dụng cái nào thì bỏ tiền ra đền bù thỏa đáng rồi di dân đến nơi ở mới; hai là: cho đấu giá những biệt thự ấy, tiền thu được dùng vào việc di dời, tôi nghĩ nếu làm tốt việc tuyên truyền, đền bù thỏa đáng thì sẽ có sự đồng thuận cao. Nhiều người cũng chẳng muốn ở nơi chật chội, khổ sở mãi đâu. Còn doanh nghiệp hay người nào có tiền mà sở hữu được những biệt thự ấy thì chẳng nói người ta cũng sẽ sửa sang tươm tất. Vậy là vẫn vừa giữ được nguyên trạng lại vừa làm phố xá lộng lẫy lên nhiều.

- Nghe cũng có lý, ông ạ!