Sâu nặng nghĩa “Bầu ơi...”

(ANTĐ) - Năm 1992, sau chuyến công tác lên miền núi phía Bắc đầy gian khổ, một phóng viên của Báo An ninh Thủ đô đã viết bài phóng sự phản ánh cuộc sống đầy cơ cực của người dân miền núi. Câu hỏi “Làm gì để giúp người dân bớt khổ?” sau đó đã trở thành một nỗi ám ảnh với toàn bộ cán bộ chiến sỹ của tòa soạn… Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” ra đời trong một hoàn cảnh đầy “tâm trạng” như thế.  Và 18 năm sau, câu hỏi ấy vẫn thường trực ám ảnh chúng tôi.

Sâu nặng nghĩa “Bầu ơi...”

(ANTĐ) - Năm 1992, sau chuyến công tác lên miền núi phía Bắc đầy gian khổ, một phóng viên của Báo An ninh Thủ đô đã viết bài phóng sự phản ánh cuộc sống đầy cơ cực của người dân miền núi. Câu hỏi “Làm gì để giúp người dân bớt khổ?” sau đó đã trở thành một nỗi ám ảnh với toàn bộ cán bộ chiến sỹ của tòa soạn… Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” ra đời trong một hoàn cảnh đầy “tâm trạng” như thế.  Và 18 năm sau, câu hỏi ấy vẫn thường trực ám ảnh chúng tôi.

Đại tá Đào Lê Bình, Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) ông Nguyễn Văn Cho cắt băng khánh thành lớp học mầm non tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đại tá Đào Lê Bình, Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) ông Nguyễn Văn Cho cắt băng khánh thành lớp học mầm non tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Những nhân vật của tôi

Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện này bằng những nhân vật mà Báo An ninh Thủ đô đã từng một lần biết đến. Những người mà mỗi khi nhớ lại, trong chúng tôi đều có một cảm xúc khó tả, nao nao. Chỉ biết rằng với họ bây giờ chúng tôi đã trở nên thân thiết như người nhà. Và những người bắc nên nhịp cầu ấy không ai khác chính là bạn đọc.

Tháng 4-2010, tôi được đồng chí Tổng biên tập Đào Lê Bình trao cho bức thư mà cụ Nguyễn Văn Ưng, ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam viết cho ông kể về hoàn cảnh khốn cùng của một gia đình nông dân cùng xã nhờ tòa soạn giúp đỡ. Những bức thư xin “trợ giúp” kiểu này, tòa soạn chúng tôi vẫn nhận được thường xuyên. Nhưng khẩn cấp và gấp gáp đến mức Tổng biên tập đích thân chỉ đạo thì rất hiếm. Trước lúc chúng tôi khởi hành, ông còn dặn: “Bức thư chỉ có một trang giấy, chắc chưa thể kể hết nỗi cực mà gia đình kia đang phải gánh chịu. Cậu về tận nơi xem gia cảnh người ta thế nào, nếu Báo có thể giúp được gì thì phải cố hết sức”.

Mắt chúng tôi đỏ quạch, quần áo bết bùn đất vì những cơn mưa ngâu sau khi chạy hơn 100 cây số về Nhân Chính. Nhưng bù lại tôi gặp được nhân vật mình cần. Phóng sự “4 năm không một tiếng cười” đã ra đời sau đó. Trong bài báo, tôi đã “cận cảnh” cuộc đời của chị Nguyễn Thị Quý, một phụ nữ tàn tật mất hoàn toàn sức lao động đang phải gánh trọng trách nuôi 4 miệng ăn: Một mẹ chồng già ốm yếu, một đứa con tâm thần và hai đứa nhỏ khác đang độ tuổi tới trường.

Gia cảnh cực khổ tới mức không còn chỗ nào để khổ thêm. Ngày chồng mất, chị Quý không gom nổi tiền mua cỗ ván lo hậu sự. Cái gia đình của 5 con người khốn cùng ấy lao động cật lực bằng mồ hôi của chính họ cũng chỉ kiếm được trung bình 16 nghìn đồng/người/tháng. Câu chuyện của tôi nếu dừng ở đây thì cũng chẳng có gì đáng nói. Đối với một phóng viên, như vậy là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhưng với riêng tôi, không hiểu sao tôi vẫn chờ đợi một “tiếng vọng” sau mỗi bài như thế. Rồi những gì tôi mong mỏi cũng tới. Hàng trăm bạn đọc của Báo An ninh Thủ đô đã gom góp những đồng tiền thơm thảo tới tòa soạn gửi cho chị Quý. Ngày  đăng tin, tôi vừa mừng, vừa “sợ”. Với một người phụ nữ tàn tật đi còn không vững ấy thì làm sao mà ra bưu điện lĩnh tiền được. Nếu cách đó ít lâu, chúng tôi phải đội mưa về Hà Nam thì lần này tôi phải đày nắng, xuyên bụi trên con đường mới san ủi để đưa tiền tới tận tay chị Quý.

Đồng chí Vũ Kim Thành - Phó TBT Báo ANTĐ trao nhà tình nghĩa cho gia đình anh Vừ Súa Pó (thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang)

Đồng chí Vũ Kim Thành - Phó TBT Báo ANTĐ trao nhà tình nghĩa cho gia đình anh Vừ Súa Pó (thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang)

Cầm trong tay số tiền 50 triệu đồng, người phụ nữ bất hạnh ấy vẫn không tin là sự thực. Thưa những bạn đọc đã ghé vai gánh giúp chị Quý nỗi nhọc nhằn ấy, chúng tôi đã phải nén lòng nếu không đã bật khóc trước bài toán mà chị Quý sẽ giải bằng số tiền của các bạn. Số tiền ấy chị bắt nó phải cõng quá nhiều việc. Từ việc trả nợ thuốc thang, chi phí nằm viện, ma chay cho chồng đến mắm muối, dầu đèn, sách vở và lo tương lai cho mấy đứa con ăn học, nhưng tuyệt nhiên không dám tính đến một xu thuốc thang cho chính bản thân mình. Chị đưa những ngón tay co quắp, lẩy bẩy vuốt từng tờ bạc như thể đó chính là sợi dây sẽ kéo chị ra khỏi ngách tối đường hầm.

Vẫn tiếp tục lên đường

Phó TBT Báo ANTĐ Nguyễn Trọng Nghĩa thăm hỏi, tặng quà các hộ bị thiệt hại năng nề nhất trong trận lụt tại Can Lộc, Hà Tĩnh
Phó TBT Báo ANTĐ Nguyễn Trọng Nghĩa thăm hỏi, tặng quà các hộ bị thiệt hại năng nề nhất trong trận lụt  tại Can Lộc, Hà Tĩnh

Chị Quý chỉ là một đại diện trong nhiều trường hợp mà những lời khẩn cầu đã trực tiếp bay tới tòa soạn. Còn hàng trăm nghìn số phận khác An ninh Thủ đô đã tìm tới ngay khi cuộc sống của họ vừa vấp phải những khó khăn bất ngờ thì tôi không thể kể hết ra đây.

Đơn giản là trong suốt 18 năm trời đằng đẵng ấy chính chúng tôi cũng không thể thống kê hết được. Mới đây thôi, khi liên tiếp hai trận lũ khủng khiếp tàn phá miền Trung, hàng chục lượt cán bộ chiến sỹ của An ninh Thủ đô đã nối gót nhau lên đường mang theo những tấn hàng của bạn đọc đóng góp từ Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” giúp đồng bào bị nạn.

Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt đỏ ngầu của ông Phan Trọng Bình - Phó chủ tịch huyện Hương Khê khi thống kê con số lên tới 17 nghìn hộ dân cần cứu trợ khẩn cấp sau lũ. Một con số quá lớn mà liên tiếp những chuyến cứu trợ sau đó của chúng tôi vẫn chưa thể giúp đồng bào vơi đi những khó khăn mất mát. Nhưng những gì chúng tôi mang tới chắc chắn là những sẻ chia chân thành nhất tới đồng bào mình.

Suốt một tháng trời những chuyến xe chở quần áo, lương thực, thực phẩm của An ninh Thủ đô cứ thay nhau một lộ trình: miền Trung - Tòa soạn như con thoi. Câu nói cửa miệng “trao tận tay” của Tổng biên tập Đào Lê Bình không biết từ bao giờ đã thành tôn chỉ của những chuyến công tác cứu trợ. Còn nhớ, có những doanh nghiệp hảo tâm muốn gửi quà tới đồng bào hoạn nạn, nhưng lại với một yêu cầu duy nhất: Phải có phóng viên Báo An ninh Thủ đô đi cùng.

Đồng chí An Văn Huân - Phó TBT Báo ANTĐ phát thuốc và quà cho người dân huyện Ba Vì
Đồng chí An Văn Huân - Phó TBT Báo ANTĐ phát thuốc và quà cho người dân huyện Ba Vì

Lý do hóa ra rất đơn giản bởi họ quan niệm: Chỉ có An ninh Thủ đô mới “trao tận tay” được. Ra thế! Tôi và đồng chí An Văn Huân - Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô đã phải đồng hành với doanh nghiệp này suốt 4 ngày trời tại vùng lũ Quảng Ngãi. Hết lóp ngóp “trao tận tay” cho đồng bào bị lũ của các huyện vùng biển Bình Sơn lại xắn quần ngược núi “trao tận tay” với đồng bào của huyện vùng cao Trà Bồng.

Bù lại, chúng tôi nhận được những ánh mắt chân thành của người dân rốn lũ. Đó là niềm vui rạng ngời của thầy và trò trường Trung học cơ sở Trà Thủy khi nhận tấm áo ấm lúc mùa đông ập đến. Đó nụ cười của em nhỏ người Cor Hồ Văn Ếch - học sinh lớp 6 khi bất ngờ nhận được quần áo, giày dép để tới trường. Những thứ “tài sản” nước lũ đã mang đi mà chắc chắn cha em - một cựu binh chống Mỹ bị nhiễm Dioxin không biết bao giờ mới sắm lại được cho con sau trận lũ.

Cũng với tinh thần “tận tay” ấy, hàng chục đồng nghiệp của tôi đã bì bõm lội bùn mang chút tình “Bầu - Bí” đến đồng bào rốn lũ Quảng Bình. Bất kỳ người dân vùng lũ nào cũng rất cần “tận tay” như thế. Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc nhiều đồng nghiệp của tôi đang mải miết “tận tay” cho những gói quà Tết đến với đồng bào nghèo nơi xa hút nào đó. Không “tận tay” là có lỗi với bà con và có lỗi với bạn đọc - những người đã ký thác niềm tin vào tờ báo mà họ mến yêu.

Thực tế qua 18 năm bị “ám” bởi tiếng gọi “Bầu ơi…”, Báo An ninh Thủ đô đã chứng kiến vô vàn những cảnh ngộ, số phận hết sức thương tâm. Và trên tất cả những chứng kiến ấy, đọng lại trong chúng tôi một suy nghĩ: Rằng sức nặng của một bài báo còn lớn hơn cả núi bom, nhưng nó cũng sẽ nhẹ hơn gói mỳ tôm nếu ta chỉ đứng nhìn mà không chạm tay vào những số phận cần được cứu giúp. Nghĩa tình “Bầu bí chung giàn” đến bây giờ vẫn đè nặng trên vai chúng tôi là vậy!

Tuấn Dũng