“Sát thủ vô hình” rong ruổi trên đường

ANTĐ - Được xác định là chất rất độc hại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, việc vận chuyển hợp chất hữu cơ Polyclobiphenyl (PCB) phải được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Vật liệu có chứa PCB trôi nổi ngoài môi trường rất nguy hại với sức khỏe con người

Vô tư vận chuyển

Theo Tổng cục Môi trường, PCB được xếp vào nhóm 2A các chất có khả năng gây ung thư. Khi phơi nhiễm, PCB sẽ ngấm dần vào cơ thể và chỉ khi đạt một ngưỡng nhất định mới phát sinh các triệu chứng để nhận biết. Dù được coi là “sát thủ vô hình” đối với sức khỏe, hợp chất PCB vẫn được sử dụng như một chất điện môi phổ biến trong máy biến thế, tụ điện, chất lỏng dẫn nhiệt trong hệ thống truyền nhiệt, chất làm dẻo trong cao su nhân tạo, thành phần trong sơn, mực in, chất dính, chất bôi trơn. PCB cũng được sử dụng như chất phụ gia của thuốc trừ sâu, chất chống cháy và dầu nhờn... 

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vận chuyển chất thải nguy hại có PCB hiện nay tương đối đầy đủ. Trong đó, Nghị định 104/2009/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Nghị định 29/2005/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường thủy nội địa; Thông tư 12/2011/TT-BTNMT quy định quản lý chất thải nguy hại; Thông tư 35/2010/TT-BCA quy định cấp giấy phép vật liệu nổ và hàng công nghiệp... Trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển là phải có khai báo, đảm bảo vận chuyển an toàn song không ít doanh nghiệp vẫn vô tư vận chuyển, nhập khẩu thứ hàng hóa chết người này mà không tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật. Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, các hành vi vi phạm hiện nay chủ yếu là lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất; khai báo không đúng tên hàng, hoặc tái xuất sang nước thứ ba. Khi bị lực lượng hải quan phát hiện lô hàng có chứa PCB thì khai báo không đúng tên hàng hóa hoặc đổ cho phía đối tác gửi nhầm hàng...

Vụ việc tại Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin là một ví dụ. Theo Tổng cục Môi trường, Công ty này đã đăng ký tờ khai tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) lô thiết bị điện gồm 40 kiện hàng rời mua của đối tác Hàn Quốc. Khi hàng về đến cảng Cái Lân, qua kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện 1 trong 3 máy biến thế có chất PCB trong dầu biến thế với hàm lượng độc hại vượt ngưỡng cho phép. Lô hàng đã bị tạm giữ tại cảng Cái Lân để chờ xử lý. Nếu không bị chặn lại, không rõ, lô hàng này sẽ gây nguy hiểm như thế nào nếu tiếp tục được vận chuyển sâu hơn vào nội địa.

Có quy định, chỉ chưa... thực hiện

Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, do tính chất độc hại, PCB và các vật liệu có chứa PCB phải luôn được đảm bảo lưu giữ, vận chuyển an toàn với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc cấp phép lưu giữ, vận chuyển PCB và các vật liệu chứa PCB sẽ tùy theo tính năng sử dụng của PCB vào thời điểm xin cấp phép. 

Hiện nay, Bộ TN-MT quản lý việc lưu giữ, vận chuyển PCB và các vật liệu chứa PCB như một loại hóa chất độc hại và chất thải nguy hại. Bộ Công an quản lý việc vận chuyển PCB và các vật liệu chứa PCB như hàng hóa nguy hiểm. Tổng cục Môi trường, UBND cấp tỉnh (Sở TN-MT hoặc Chi cục Bảo vệ môi trường nếu được phân cấp) có trách nhiệm cấp phép quản lý chất thải nguy hại, trong đó có PCB. Để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đang xây dựng hướng dẫn lưu giữ và vận chuyển PCB an toàn. Tổng cục Môi trường nhấn mạnh: “PCB và các vật liệu chứa PCB chỉ được phép lưu giữ, vận chuyển khi được cấp phép”. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm có giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển từng chuyến; có giá trị 12 tháng đối với phương tiện chuyên dùng vận chuyển hàng nguy hiểm.

Trước khi vận chuyển, bao bì, thiết bị lưu chứa PCB phải được dán nhãn rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu. Phương tiện vận chuyển phải được trang bị dụng cụ cứu hỏa; vật liệu thấm hút (như cát khô, mùn cưa) và xẻng, hộp sơ cứu vết thương... Tuy nhiên, các yêu cầu này hầu như chưa được đáp ứng trên thực tế. Do đó, nguy cơ rò rỉ, tràn đổ PCB có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển dẫn tới những sự cố rất khó khắc phục. Do vậy, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, vai trò của các cơ quan chức năng như lực lượng cảnh sát môi trường, hải quan rất quan trọng trong việc “gác cửa”, không để các vật liệu, thiết bị chứa PCB trôi nổi thiếu kiểm soát ngoài môi trường.