Rải tiền trong đám tang: Hủ tục cần phê phán

ANTĐ - Với quan niệm làm “lộ phí đi đường” cho người đã mất, lâu nay chuyện rải tiền thật trong các đám tang diễn ra khá phổ biến. Dư luận cho rằng đây là một hủ tục phi truyền thống, cần phải được loại bỏ ra khỏi đời sống.

Rải tiền trong đám tang: Hủ tục cần phê phán  ảnh 1

Gây họa vì rải tiền thật trong đám tang

Mới đây, trên Quốc lộ 39 - đường từ thành phố Thái Bình đi huyện Tiền Hải, nhiều người đi đường không khỏi xót xa khi một cậu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải… nhặt tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng rải từ đám ma vừa đi qua. Việc rải tiền thật khi đưa linh cữu của người quá cố về nơi an nghỉ không phải là chuyện hiếm gặp trong nhiều đám tang. Mặc dù những tờ tiền này có mệnh giá không lớn nhưng nhiều người cho rằng việc rải tiền thật ở đám ma là một hủ tục đang làm méo mó đời sống văn hóa của người Việt. “Đâu phải tập tục nào cũng tốt. Với số tiền đó, người ta có thể làm việc thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn sẽ ý nghĩa hơn nhiều…”, bác Nguyễn Văn Bôn, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên nhận xét.

Chứng kiến hình ảnh nhiều người đi đường và trẻ con tranh nhau nhặt những tờ tiền mà người ta rải trong đám tang trong một lần đi công tác, chị Cao Hồng Hạnh, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình chia sẻ: “Trên đường đi qua Thái Bình, tôi gặp một đám đang. Trên đường đưa tang, một số người nhà ngồi trên xe tang đã rút ra 1 nắm tiền 5.000 đồng để vứt xuống đường. Thấy vậy, một đám trẻ con đã lao ra đường nhặt tiền khiến cho chiếc xe chạy đằng sau đám tang phanh gấp, gây va chạm. Nếu hôm đó xảy ra tai nạn thì gia đình có đám tang sẽ phải chịu trách nhiệm khi gián tiếp gây nên tai nạn đó…”. 

Tuy mong muốn những điều tốt đẹp hơn cho người đã khuất của nhiều gia đình là hoàn toàn chính đáng, song không ít người cho rằng việc rải tiền là việc không nên làm. Nó không chỉ gây tốn kém, tai nạn giao thông, mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Hơn nữa, những tờ tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành, là biểu tượng của một quốc gia. Tôn trọng đồng tiền quốc gia là biểu hiện cần có của mỗi công dân ở một đất nước văn minh. 

Theo quan điểm của nhiều người đã là phong tục thì gắn liền với tâm linh, vì vậy rất khó để thay đổi hay từ bỏ. Điều này có thể lý giải vì sao đã có luật cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang nhưng hiện tượng này vẫn tồn tại trong đời sống. “Việc rải tiền thật trong đám tang được xem là hành vi phi văn hoá. Thực tế cho thấy, những hủ tục này không còn phù hợp với xã hội hiện đại…”, anh Nguyễn Xuân Nam, kiến trúc sư một công ty xây dựng thừa nhận.

Vi phạm pháp luật

Theo Tiến sĩ, Trịnh Hoà Bình - Viện Xã hội học - Viện KHXH&NV Việt Nam, thời gian gần đây nhiều người đã có nhận thức sai lầm về việc rải tiền, vàng trong đám tang, thậm chí còn dùng thêm tiền thật để rải trên đường là việc làm vô tác dụng và phạm luật. Đây là hành động thể hiện sự coi nhẹ đồng tiền đã được pháp luật bảo hộ. Đó là chưa kể, trong xã hội hiện nay còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đang cần sự giúp đỡ từ chính những đồng tiền ấy. 

Bên cạnh việc rải tiền thật trong các đám tang thì vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, nhiều người còn rải tiền thật với mệnh giá từ 10.000 - 50.000 đồng như một cách để giúp các oan hồn ở cõi âm được siêu thoát. Và cho dù viện dẫn bất cứ lý do gì để rải tiền thật thì với nhiều người đây là hành động phản cảm, bởi nó thể hiện ý thức của mỗi cá nhân sử dụng đồng tiền Việt.

Về quy định cấm rải tiền trên đường đưa tang, luật sư Nguyễn Tiến Hoà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại điểm e, Điều 10 Thông tư 04 -2011 của Bộ VH-TT&DL đã quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang…”. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng theo khoản 2, Điều 18 Nghị định 75-2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Bên cạnh đó, Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ tiền Việt Nam nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền bằng bất kỳ hình thức nào. Do vậy, việc rải tiền thật trong đám tang là một hình thức hủy hoại đồng tiền, vi phạm quy định bảo vệ đồng tiền Việt Nam và không phù hợp với văn hóa.