Quyền Văn Minh, bạn bè và nhạc jazz

(ANTĐ) - Năm 2008, khán giả Thủ đô đã được thưởng thức những đêm nhạc jazz ấn tượng mang tên “Cha và con”. Và năm 2009 này, vẫn tiếp những đêm nhạc jazz “Cha và con” nhưng có vẻ như lần này cha con họ (Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc) muốn chứng tỏ cho mọi người  thấy sự lớn mạnh của đội ngũ những người chơi jazz Việt.

Quyền Văn Minh, bạn bè và nhạc jazz

(ANTĐ) - Năm 2008, khán giả Thủ đô đã được thưởng thức những đêm nhạc jazz ấn tượng mang tên “Cha và con”. Và năm 2009 này, vẫn tiếp những đêm nhạc jazz “Cha và con” nhưng có vẻ như lần này cha con họ (Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc) muốn chứng tỏ cho mọi người  thấy sự lớn mạnh của đội ngũ những người chơi jazz Việt.

Đặc biệt là tinh thần Việt trong jazz sẽ được truyền tải trong 2 đêm: 6-4: “Quyền Văn Minh và bạn bè với nhạc jazz”, 27-4: “Cha, con và jazz” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Jazz chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Chương trình “Cha và con” năm nay sẽ là một chương trình jazz chi tiết hơn. Với 7 bản jazz quốc tế đối chiếu với 7 bản jazz mang âm hưởng dân gian, Quyền Văn Minh muốn đưa đến người nghe một sự so sánh về 2 phong cách chơi nhạc khác nhau.

Cha sinh ra con, vì thế phong cách chơi nhạc của cha có phần cổ điển, của thời đại cha đã từng sống còn con mang đến sự sôi động và trẻ trung trong các tác phẩm sáng tác của riêng mình.

Và như thế, cha và con đều truyền tải đến khán giả hơi thở của thời đại mình đang sống. Đặc biệt, 2 cha con sẽ cùng song tấu bản jazz “Vũ điệu Thăng Long” do Quyền Văn Minh sáng tác mang đậm âm hưởng Việt và đây cũng là bản jazz để chào đón 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Chất liệu dân gian Việt trong Jazz

Tại phố Lương Văn Can, câu lạc bộ Minh’s jazz vẫn thường xuyên sáng đèn. Hàng đêm biểu diễn, Quyền Văn Minh vẫn để tâm đếm lượt người Việt Nam đến xem nhưng con số này còn quá khiêm tốn so với lượng khách quốc tế.

Khác với âm nhạc thính phòng, nhạc jazz gần gũi hơn rất nhiều, người nghệ sĩ có thể solo, có thể biểu diễn ngay trên đường phố, vì thế jazz mang chất ngẫu hứng rất lớn. Vậy mà công chúng Việt Nam dường như chưa mấy mặn mà với Jazz. Không phải khán giả không thưởng thức được jazz mà đơn giản là họ chưa có nhu cầu, chưa quan tâm tới một thể loại âm nhạc mới xuất hiện tại Việt Nam.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh là một người gắn bó rất lâu với jazz mà chính ông cũng phải công nhận: “Nhạc jazz không có khách nội địa, chủ yếu là khách quốc tế”. Theo ông, để nhạc Jazz được công chúng đón nhận thì nhất thiết phải mang âm hưởng dân gian Việt Nam trong một thể loại âm nhạc ngẫu hứng như jazz.

Bởi, chất dân gian đã thấm sâu trong tâm hồn người Việt Nam từ bao đời nay, khi nghe jazz mà họ thấy được sự gần gũi, quen thuộc, thấy được bóng dáng quê hương mình trong đó thì đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa jazz và âm hưởng Việt. Đầu tiên là quen quen rồi dần dần họ sẽ nghe chi tiết hơn.

Từ lúc nghiên cứu nhạc jazz cho đến khi trở thành người chuyên biểu diễn Jazz, ông cứ băn khoăn với ý nghĩ: Các nghệ sĩ quốc tế còn lấy chất liệu á Đông cho các sáng tác jazz, vậy tại sao người Việt Nam lại không lấy ngay chất liệu trên quê hương mình để sáng tạo ra những bản jazz ngẫu hứng.

Điều này đã từng được chứng minh trong chương trình độc tấu lần thứ 3 của Quyền Văn Minh năm 1994 tại Nhà hát Lớn khi 3 bản jazz: Vấn vương, Giai điệu Sapa và Xuân trên quê hương được công chúng quốc tế đón nhận nồng nhiệt và những người làm sáng tác của Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng đây là một hướng đi đúng. Vì thế, con đường phát triển jazz của Quyền Văn Minh là con đường sáng tác, đưa âm hưởng Việt vào trong jazz.

“Jazz mang lại cho tôi tất cả”…

Là một trong những tên tuổi của làng jazz Việt nhưng Quyền Văn Minh chỉ dám nhận mình là một nghệ sĩ nghiệp dư. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông phải đi lên bằng con đường tự học, bằng nỗ lực của cá nhân mình. Đang là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia khoa Saxophone, nhưng Quyền Văn Minh vẫn luôn tự thấy mình còn nhỏ bé so với jazz thế giới, và tự nhận chỉ là một người... amater.

Sau một chặng đường đi rất dài, ngoảnh đầu nhìn lại, Quyền Văn Minh nhận thấy điều lớn nhất mà jazz mang lại cho cuộc đời mình là lòng tự trọng, nhờ jazz mà ông sống thanh thản với tất cả mọi người. được tiếp xúc với Jazz từ khi là một cậu bé 14 tuổi qua radio, không hề biết đấy là jazz nhưng ông quyết tâm sẽ theo đuổi jazz đến cùng. 

Ở độ tuổi của ông, người ta vẫn chưa thấy một sự xuống sức nào, mà vẫn còn đó ngọn lửa nghề cháy ngùn ngụt. Quyền Văn Minh vẫn thường nói rằng: “Jazz cho tôi mọi điều, nếu không được chơi jazz, không biết tôi sẽ ra sao”.

Phạm Thu Hương