"Quyến rũ" du khách

(ANTĐ) - Trong tình cảnh sản xuất kinh doanh đình trệ, hàng hóa ế ẩm, thị trường hiu hắt, ngành du lịch cũng rơi vào cảnh “chợ chiều”. Lượng du khách nước ngoài và Hà Nội, TP.HCM và các điểm du lịch giảm sút trầm trọng.

"Quyến rũ" du khách

(ANTĐ) - Trong tình cảnh sản xuất kinh doanh đình trệ, hàng hóa ế ẩm, thị trường hiu hắt, ngành du lịch cũng rơi vào cảnh “chợ chiều”. Lượng du khách nước ngoài và Hà Nội, TP.HCM và các điểm du lịch giảm sút trầm trọng.

Trong khi cả nước nỗ lực đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngành du lịch cũng chợt “bừng tỉnh”, hối hả kích cầu với nguồn kinh phí “đồ sộ” lên tới 25.580 tỷ đồng trong năm 2009 này. Mục đích của gói kích cầu là nhằm “quyến rũ” du khách.

Kích cầu du lịch có lẽ là “đòn kích” muộn mằn nhất. Nói như một quan chức Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch: “Thà kiếm được một đồng còn hơn không kiếm được đồng nào”. Đúng quá rồi! Trong khi cả thế giới “thắt lưng buộc bụng”, chi tiêu dè xẻn mà ta “quyến rũ” được du khách đến chơi, ăn tiêu, xả hơi thì còn gì bằng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa  Thể thao và Du lịch khẳng định, từ tháng 1 đến 9-2009, du khách sẽ được hưởng giá khuyến mãi rẻ chưa từng thấy. Hàng loạt khách sạn lớn có tên tuổi ở TP.HCM, Hà Nội cam kết giảm giá từ 30-50%.

Hãng Hàng không Quốc gia cũng đồng tình cam kết giảm từ 30-50% giá vé các đường bay quốc tế và nội địa cho các tour khuyến mãi. Chưa hết, nhiều nhà cung cấp dịch vụ, vận chuyển, mua sắm, ăn uống, đặc biệt là các nhà hàng, cửa hàng đạt chuẩn cũng cam kết đăng ký tham gia giảm giá dịch vụ.

Tổng cục Du lịch đã phải ngồi làm việc với từng doanh nghiệp, từng sảm phẩm để xem có thể xác định mức giảm chi tiết. Quan chức trong ngành du lịch nhấn mạnh, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài phải nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.

Có lẽ vì thế nên ngành du lịch đã quyết định “hạ” khẩu hiệu bấy lâu nay vẫn treo “Tiềm ẩn Việt Nam”, thay bằng một khẩu hiệu mới “ấn tượng Việt Nam” và hy vọng sẽ hình thành văn hóa giảm giá trong tương lai. Thay một khẩu hiệu bằng một khẩu hiệu mới là thay đổi cả một tư duy phong cách, thái độ.

“Ấn tượng Việt Nam” sẽ mờ nhạt hay sâu đậm trong tâm trí du khách khi họ bị bao vây, đeo bám, níu kéo bởi đội quân ăn xin, bán dạo? ấn tượng sẽ ra sao khi du khách muốn đi bộ để tự khám phá bằng đôi chân mà vỉa hè, đường phố không thể len chân, bước xuống đường thì sợ xe cộ, giao thông hỗn loạn, sảy chân, lỡ bước và tai nạn như chơi.

Không xuống đường, không dạo phố thì không biết đây là đâu và cũng không thể mua sắm, tiêu tiền. Thường thì khi đặt chân đến một đất nước nào đó, nhất là nơi có nhiều cảnh quan, di tích lịch sử và di sản thế giới như Việt Nam, hầu như những du khách sành sỏi đã mòn chân đi khắp năm châu, đều nắm tường tận, thậm chí còn hiểu thấu hơn cả… hướng dẫn viên du lịch.

Cái mà họ muốn biết và cảm nhận thường không nằm trong sách. Nó tiềm tàng trong đời sống thường ngày mang cá tính riêng của một dân tộc thông qua một người dân bình thường, một người lái xe, người bán hàng. “ấn tượng Việt Nam” để lại trong lòng du khách chính là những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt đó.

Giảm giá để kích cầu du lịch là giải pháp ắt phải có nhưng chưa đủ, khi mà những cái kém cỏi, phản cảm vẫn chưa thể giảm được, vấn đề này mới thật cam go. Giá cả chẳng qua chỉ để “mơi” du khách dễ dãi. Muốn “quyến rũ” du khách, níu chân họ “người ơi người ở…”, để rồi lần sau “đến hẹn” trở lại, còn rất nhiều việc phải làm, không chỉ là việc riêng ngành du lịch mà thôi!

Đan Thanh