Số liệu thống kê cho biết, gần 48% trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 tuổi. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trên cả nước là 6,5%, cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 tuổi trở lên. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở khu vực thành thị, tới 9,5%. Nghĩa là cứ 10 thanh niên trong độ tuổi lao động ở thành thị thì có 1 người thất nghiệp. Đặc biệt, có tới 17,5 triệu người đang làm việc ở khu vực phi chính thức với thu nhập thấp và không ổn định, chiếm tỷ lệ 54,6%. Tỷ lệ này ở nông thôn là 64,1%.
Thực trạng này gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Thêm vào đó, mỗi năm nước ta có hơn 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động cộng với hàng chục triệu người không còn kế sinh nhai trong khu vực nông nghiệp do quá tải cấu trúc, sẽ trở thành gánh nặng ngày càng lớn đối với nền kinh tế. Để giải tỏa áp lực này, nền kinh tế cần phải tạo ra hàng chục triệu chỗ làm mới trong thời gian 5-10 năm tới.
Do vậy, không chỉ Bộ LĐ-TB&XH mà các bộ, ngành, địa phương phải xác định nhiệm vụ tạo việc làm mới, việc làm đàng hoàng cho người lao động là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm. Xét về tầm ảnh hưởng tới phát triển và ổn định xã hội, thậm chí nhiệm vụ này còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ tăng trưởng GDP hay tăng thu ngân sách của cả nước và ở mỗi địa phương. Vậy ai sẽ đứng ra tạo việc làm? Theo ý kiến của giới chuyên gia, “cỗ máy” tạo việc làm lớn nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Nếu tính bình quân 1 doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm, thì với 1,5-2 triệu doanh nghiệp có thể tạo ra 30-40 triệu việc làm bền vững.
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Việc làm trong quá trình hội nhập” trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, bảo hiểm thất nghiệp nên được gọi là bảo hiểm việc làm. Nhiều người lao động khi tham gia chỉ quan tâm tới tiền trợ cấp thất nghiệp mà quên mất rằng mình còn có quyền được giới thiệu việc làm và học nghề miễn phí.
Hơn thế, giá trị cốt lõi của chính sách bảo hiểm xã hội còn phải có độ bao phủ cả bảo hiểm y tế. Bởi việc làm, chăm sóc sức khỏe mới là cái cần bảo hiểm, còn trợ cấp thất nghiệp chỉ là khoản tiền nhỏ giúp người lao động “cầm hơi” khi không có việc làm. Tuy nhiên, hiện nay không ít doanh nghiệp còn chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm.
Năm 2011, số nợ đọng là 172 tỷ đồng, đến năm 2015 đã vọt lên 311,034 tỷ đồng. Bởi vậy, người lao động không “chốt” được sổ bảo hiểm xã hội thì sẽ bị thiệt thòi lớn đến quyền lợi chính đáng của mình. Nếu không bịt được “lỗ hổng” bảo hiểm xã hội, thì hàng triệu người lao động dễ tổn thương luôn rơi vào tình cảnh thiệt đơn, thiệt kép.