Quốc hội sẽ xem xét đề án tái cơ cấu kinh tế

ANTĐ - Ngày 13-12, trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 4, UBTVQH đã thảo luận về kết quả của kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII. Dự kiến, kỳ họp thứ 3 sẽ diễn ra trong khoảng 24 ngày làm việc, khai mạc vào ngày 21-5-2012 và bế mạc ngày 21-6-2012.

Theo lịch trình dự kiến, kỳ họp sẽ thông qua 14 dự án Luật, 1 Nghị quyết trong đó có Luật Công đoàn (sửa đổi), Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Quản lý giá, Luật Giáo dục đại học... và cho ý kiến vào 7 dự án Luật khác. Kỳ họp cũng  xem xét các báo cáo thường kỳ của Chính phủ,  giám sát chuyên đề về đầu tư công đối với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn... Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cần dành thời gian thích đáng để tập trung thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2, một số thành viên UBTVQH chưa hoàn toàn tán thành với nhiều nhận định trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai nhìn nhận, nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực đến đời sống kinh tế xã hội mà ĐB chất vấn hiện vẫn chưa được bắt tay vào thực hiện một cách quyết liệt, rốt ráo.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND. Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện pháp luật về ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND được gửi đến UBTVQH lại nhận xét “chất lượng văn bản của cấp huyện, đặc biệt là cấp xã chưa cao. Tại một số địa phương, có tình trạng ban hành văn bản vượt thẩm quyền trong các lĩnh vực như đầu tư, đất đai, xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều văn bản không bảo đảm tính khả thi...”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt quan tâm đến vấn đề hậu giám sát. Ông đặt vấn đề, giám sát thì phải biết địa phương nào làm sai, sai ở đâu, bao nhiêu văn bản? Văn bản đó có gây phiền hà sách nhiễu gì với doanh nghiệp, với người dân hay không? Đặc biệt, khi phát hiện sai rồi, có yêu cầu sửa không hay chỉ đến giám sát rồi về viết báo cáo mà không kiến nghị xử lý. Ông nhấn mạnh yêu cầu: “Phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao lại sai? Tại sao có nơi làm tốt, nơi chưa tốt? Cần phải quy trách nhiệm đến từng cơ quan chứ không chỉ nêu chung chung...”.