Quốc hội chính thức thông qua Luật Cảnh sát cơ động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với 454/474 Đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91.16%), sáng 14-6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cảnh sát cơ động.

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, UBTVQH thấy rằng, hiện nay khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang được quy định và thực hiện theo Quyết định số 18/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm tạo cơ sở pháp lý để CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu (quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9), dự thảo Luật đã bổ sung quyền hạn tại khoản 3 Điều này.

UBTVQH đã yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để xác định phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay và phân công trách nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của CSCĐ.

Trường hợp xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm khu vực bảo vệ mục tiêu mà vượt quá khả năng, thì CSCĐ có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng khác để xử lý hiệu quả. Vì vậy, UBTVQH kính đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động

Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin và tránh thương vong, tổn thất lực lượng khi vào công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện có cấu trúc phức tạp, rộng lớn xảy ra vụ việc, CSCĐ cần có sơ đồ, thiết kế để lựa chọn phương án phù hợp.

Việc cung cấp sơ đồ, thiết kế thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý Nhà nước hoặc các đơn vị khác trong Công an nhân dân, phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin.

Mặt khác, quy định này được kế thừa quy định tại khoản 13 Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện hành, thực tế quá trình thực hiện không có vướng mắc. Vì vậy, UBTVQH xin đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Trước một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định CSCĐ được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thực hiện một số nhiệm vụ khác và ngăn chặn, trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật khác. UBTVQH nhận thấy, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau và thuộc trách nhiệm của nhiều lực lượng.

Đối với các hành vi vi phạm pháp luật khác như ĐBQH nêu do các lực lượng khác chủ trì, CSCĐ có trách nhiệm phối hợp xử lý; trường hợp CSCĐ vào trụ sở cơ quan, tổ chức hoặc nơi ở của cá nhân để ngăn chặn, trấn áp hành vi vi phạm pháp luật sẽ thực hiện theo đề nghị của lực lượng đang chủ trì theo quy định pháp luật.

Do vậy, để rõ ràng hơn về phạm vi và mục đích vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân và thống nhất với nội dung của Điều này, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “để chống khủng bố, giải cứu con tin” ở tên Điều như dự thảo Luật.

Về việc bổ sung quyền nổ súng vào tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ tại khoản 1 để phù hợp với quyền hạn của CSCĐ tại khoản 3 Điều 10, UBTVQH thấy rằng, để thực hiện quyền “ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ” quy định tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật, CSCĐ có thể sử dụng các biện pháp, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại (phá sóng, chế áp điện tử…) mà không nhất thiết phải sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.