Qui trình hóa công tác cai nghiện

ANTĐ - Toàn quốc hiện có hơn 170 nghìn người nghiện ma túy, tăng gần 13 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế cho thấy, số lượng người cai nghiện tại cộng đồng không tăng, chứng tỏ nhiều địa phương chưa triển khai cai nghiện tại cộng đồng, mặc dù mô hình này rất phổ biến và đã thu được một số hiệu quả. 

Đánh giá mới đây của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tuy nhiều địa phương đã xóa bỏ tình trạng cai cắt cơn đơn thuần, nhưng các hoạt động như tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm hầu như rất ít được thực hiện. Hoạt động quản lý, hỗ trợ người cai nghiện chủ yếu giao cho cán bộ địa phương giám sát bằng biện pháp nhắc nhở và quản lý cư trú. Nhiều nơi vẫn coi cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là bước đệm, tạo thủ tục đưa đi cai bắt buộc tại Trung tâm, mà chưa thấy hết giá trị của cai nghiện tại cộng đồng với sự tham gia của gia đình, hiệu quả chi phí, môi trường điều trị thân thiện và sử dụng nguồn lực được kết nối tại địa phương. 

Trong khi đó, hầu hết các Trung tâm cai nghiện chưa thực sự đổi mới, tăng cường thời gian, ưu tiên bố trí cán bộ, nguồn lực cho các hoạt động tư vấn, sắp xếp cơ sở vật chất và các hoạt động khác như sinh hoạt nhóm, dạy nghề. Chủ yếu các Trung tâm cai nghiện vẫn thiên về các mặt công tác quản lý học viên, tổ chức lao động sản xuất và chống người nghiện bỏ trốn. Thực trạng tồn tại khác là công tác quản lý sau cai cho người cai nghiện tại cộng đồng, người sau cai tại Trung tâm trở về cộng đồng còn hạn chế không mang tính bền vững, thiếu chương trình quản lý hỗ trợ một cách có hệ thống, không phù hợp với kế hoạch đưa người vào cai nghiện tại Trung tâm. Mặt khác, nhiều nơi quản lý sau cai tại Trung tâm, nhưng không có khu vực, cơ sở sau cai riêng. Công tác quản lý sau cai được thực hiện như chế độ quản lý người đang cai nghiện và chưa thể hiện rõ các chế độ quản lý lao động trong giai đoạn cai nghiện với sau cai.

Giáo dục người nghiện ma túy là công tác rất quan trọng, góp phần làm lành mạnh xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Do vậy, các cơ quan chức năng và từng cán bộ có trách nhiệm cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác này. Bên cạnh đó, các địa phương chú ý đầu tư cho cai nghiện tại cộng đồng, tập trung nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất với những giải pháp tương ứng. Không nên chỉ chú trọng cho giai đoạn cai nghiện, mà ít quan tâm đầu tư cho quản lý sau cai, dẫn đến phá vỡ việc thực hiện quy trình cai nghiện, hạn chế kết quả cũng như hiệu quả của công tác cai nghiện.