“Quen” ở thế bị động

ANTĐ - Cứ hễ có thông tin gây sốc từ nước láng giềng về những vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như thuốc “thịt người”, cải thảo phun hóa chất ướp xác hay gạo giả, trứng giả... các cơ quan quản lý trong nước mới nhập cuộc điều tra. 

Dư luận luôn băn khoăn bởi hiếm thấy cơ quan chức năng trong nước chủ động phát hiện, cảnh báo cho người dân về một loại thực phẩm, thuốc men nhập khẩu nào đó không an toàn cho người tiêu dùng. Mấy bà nội trợ chỉ còn biết than thở: “Ngày nào cũng phải ăn, sao không thấy lo, cứ đi lo mấy chuyện đâu đâu...”.

Không chỉ riêng an toàn vệ sinh thực phẩm luôn ở thế bị động, nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bất động sản ngắc ngoải hơn 1 năm nay nhưng cho tới giờ, có người mới “phát hiện” ra là dự án nhà ở làm tràn lan, nhiều quá, dẫn tới “cung quá lớn, đã vượt cầu nhiều lần”, cộng thêm doanh nghiệp chỉ quen dùng chiêu “mỡ nó rán nó”, chứ không có vốn tự có, nay đã “nhẵn túi” vì bị ngân hàng cắt nguồn vay... nên mới hấp hối.

Vốn “liền khúc ruột” với bất động sản, nhưng người anh em ngân hàng dường như “chủ động” hơn trong cuộc chơi. Không ít ý kiến phản ánh, trong khi các doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn lãi lớn, lương cao, sống khỏe. Thậm chí, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phá sản mà ngân hàng vẫn nhởn nhơ như không. Bức xúc thay cho doanh nghiệp, có đại biểu Quốc hội than thở: “Chúng ta phản ứng rất chậm, giờ mới xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng thì đến khi nào mới xem xét, giải quyết được”.

Câu hỏi trên cũng là tâm tư của nhiều ĐBQH khi bàn về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Có người bảo “lúc đầu rất hào hứng nhưng sau khi đọc lại thất vọng”. Có người bảo đề án “chuẩn bị sơ sài”, “đưa ra những căn cứ chưa phù hợp” hoặc “không đủ cơ sở dữ liệu” hay “mới đề cập xử lý được phần ngọn”, “có chỗ như hô khẩu hiệu, khó thực hiện”... Yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế đã đặt ra từ vài năm trở lại đây, thế nhưng, những gì các ĐBQH nhận được tại Kỳ họp thứ 3 dường như vẫn chưa đạt yêu cầu. Thế mới biết, để chuyển từ bị động sang chủ động, vẫn còn là quãng đường rất dài.