Đồng hồ tính cước tự in hóa đơn sẽ giúp doanh nghiệp quản lý chặt chẽ hơn
Doanh nghiệp muốn nới lỏng
Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, trong giai đoạn 2012-2015, không nên phân vùng hoạt động taxi do đặc thù đây là loại hình vận tải hành khách công cộng có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách hàng. Việc phân vùng hoạt động theo 3 vành đai gây ra sự mất bình đẳng trong kinh doanh, tạo cơ chế độc quyền cho một số đơn vị và gây khó khăn cho đơn vị khác.
Đối với yêu cầu, các xe taxi phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn theo đề án của Sở GTVT, ông Bình nêu quan điểm, đồng hồ tính cước hiện nay đều được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, khách hàng sử dụng taxi khi có yêu cầu thì lái xe đều viết biên lai cước phí có đầy đủ thông tin. Do vậy, việc đồng hồ tính cước tự in hóa đơn là không khả thi và khó thực hiện, vì hầu hết các khách hàng đều không có nhu cầu lấy hóa đơn khi đi một quãng đường ngắn mà hóa đơn lại phải in quá chi tiết theo yêu cầu của Sở GTVT lại càng khó. “Thực tế, trước đây đã có một số đơn vị sử dụng loại đồng hồ có hóa đơn in giá cước nhưng sau đó phải bỏ vì khách hàng thường xuyên đi đoạn đường ngắn từ 10.000-30.000 đồng, không có nhu cầu lấy hóa đơn, còn khách hàng đi đường dài lại cần hóa đơn VAT”, ông Bình nói.
Ngoài ra, đồng tình với ý kiến chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, màu sơn thống nhất cho toàn bộ taxi của các hãng là điều không nên làm khi các đơn vị cạnh tranh nhau bằng thương hiệu. Nếu thực hiện yêu cầu này, sẽ gây khó khăn cho khách hàng vì khó nhớ được hãng khi phát sinh khiếu nại nếu có.
Taxi bắt buộc phải có đồng hồ tự in hóa đơn
Đặc biệt, ông Đỗ Quốc Bình kiến nghị, taxi phải được coi là phương tiện vận tải hành khách công cộng, không phải phương tiện cá nhân. Năm 2011, khoảng 17.000 taxi trên địa bàn TP đã vận chuyển khoảng 100 triệu lượt hành khách công cộng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động, trong khi không được hưởng ưu đãi như xe buýt. Ông Bình so sánh, nếu chỉ dùng xe cá nhân để chuyên chở 100 triệu lượt khách/năm thay thế cho taxi thì số xe ô tô ở Hà Nội phải tăng thêm 150.000 xe, tương ứng tăng thêm 30% xe cá nhân. Số lượng xe cá nhân ở Hà Nội hiện có 600.000 ô tô và gần 4,5 triệu xe gắn máy. Trung bình một năm, số xe ô tô cá nhân đăng ký gấp 40 lần so với sự gia tăng của xe taxi. “Chính sự phát triển ồ ạt của xe ô tô cá nhân và xe gắn máy không có định hướng kiểm soát, là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội”, ông Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trao đổi về những kiến nghị này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Sở là đơn vị xây dựng Đề án quản lý hoạt động của taxi, nên mọi kiến nghị Sở sẽ tiếp thu, cái gì thấy hợp lý sẽ chỉnh sửa. “Đề án đã được lấy ý kiến của các sở, ngành cũng như UBND TP có ý kiến chỉ đạo, bởi vậy, về cơ bản sẽ khó đáp ứng một số kiến nghị mà Hiệp hội Taxi Hà Nội đưa ra”. Theo ông Linh, quản lý Nhà nước phải căn cứ vào tình hình thực tiễn mới mang lại hiệu quả như mong muốn, các doanh nghiệp taxi là đơn vị bị quản lý, nên họ kiến nghị là điều khó tránh khỏi.
Đối với kiến nghị về việc đồng hồ tính cước tự in hóa đơn, ông Linh khẳng định, sẽ không có thay đổi, đây là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp taxi sau năm 2015. Ông Linh phân tích: “Đồng hồ tính cước tự in hóa đơn, một mặt bảo vệ quyền lợi của khách hàng, một mặt giúp doanh nghiệp quản lý được chặt chẽ hơn”. Khi xảy ra các sự cố đáng tiếc như để quên đồ, gian lận cước, khách hàng có thể căn cứ vào hóa đơn để kiến nghị với đơn vị quản lý.