Quá trớn!

ANTĐ - Flappy Bird bị gỡ xuống, người hâm mộ trò chơi thất vọng, tác giả của nó phải chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Trong sự kiện này, chỉ thấy truyền thông được lợi qua doanh thu quảng cáo. 

Flappy Bird gây cơn sốt nhờ cách chơi đơn giản

Gây xôn xao, ầm ỹ, nói quá lên những gì vốn có… để “câu view” vốn là chiêu thức quen thuộc của truyền thông, nhưng nó sẽ không gây ra hậu quả ngoài mong muốn nếu người Việt không còn mang nặng tâm lý bầy đàn, tâm lý đám đông.

Nhắc lại sự kiện người không chân không tay Nick Vujicic đến Việt Nam hồi năm ngoái. Bắt đầu bằng cuộc đón tiếp Nick từ sân bay với một dàn vệ sỹ hùng hậu vung gậy dẹp đường. Sau đó là người ta ào ào kéo nhau đi xem Nick diễn thuyết, tung hô anh như một vĩ nhân, nhắc đến Nick trong công sở, trên đường phố, thậm chí ở vỉa hè, góc chợ… Thế giới ngạc nhiên vì phản ứng của người Việt, bởi họ nghĩ người như Nick - biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn của số phận - không hề hiếm gặp ở Việt Nam. Nhờ sự kiện này mà giá cổ phiếu của đơn vị đứng ra đăng cai tổ chức tăng ầm ầm. Từ đó có thể thấy sức mạnh khó tưởng tượng của truyền thông, nhất là truyền thông xã hội. Và cũng thấy được tâm lý đám đông, tâm lý “bầy đàn” của người Việt mình tới cỡ nào.  

Trong sự kiện Flappy Bird lần này, cũng thấp thoáng đâu đó “bóng dáng” một vài sự kiện đình đám đã qua. Một trò chơi vốn được đánh giá là đơn giản và tẻ nhạt, ngay chính bản thân tác giả cũng thừa nhận anh chỉ viết ra trong lúc rảnh rỗi cho vui, nhưng sau đó đã nhanh chóng trở thành hiện tượng “nhờ” sự “vào cuộc” của truyền thông. Nếu Flappy Bird thực sự hấp dẫn, thì nó đã “nổi đùng đùng” ngay từ khi mới ra đời vào giữa năm 2013, chứ không phải đợi cả nửa năm sau đó mới ầm ĩ như bây giờ. Thì nghe báo chí trong nước “lăng xê”: game thủ thế giới phát sốt, điên loạn, phát cuồng, kèm theo dẫn chứng minh họa “đáng tin cậy” là hàng loạt trang báo lớn và trang web công nghệ uy tín trên thế giới nhắc đến người lập trình Nguyễn Hà Đông, thế là tò mò, theo nhau tải về, chơi thử. Lập tức trò chơi đó trở thành chủ đề chính trong các diễn đàn từ công sở đến vỉa hè, ai cũng phải nhắc tới, hoặc khoe mình đang chơi, để không bị coi là “lạc hậu”. Lần này truyền thông có vẻ như lại quá trớn khiến sự việc sau đó bị đẩy lên tới mức chính tác giả viết ra phần mềm trò chơi phát hoảng vì cuộc sống riêng tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc phải gỡ bỏ. Ngay cả như vậy rồi, truyền thông cũng vẫn tiếp tục cày xới “mảnh đất màu mỡ” này.

Đáng lẽ sự kiện một trò chơi “Made in Vietnam” được thế giới biết đến và yêu thích như vậy đã có thể là một dấu ấn đáng tự hào và có tác dụng cổ vũ người Việt tích cực sáng tạo, phát huy tài năng, thì dưới “sức công phá” của truyền thông xã hội, nó đã có một kết cục khiến nhiều người tiếc nuối. Thêm một lần chưng hửng, liệu dư luận đã nhận ra mình đã bị mạng truyền thông xã hội thao túng thế nào?