Quá khứ đâu có dễ quên

ANTD.VN - Từ đêm 18-12-1972, không quân Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch Linebecker II đưa siêu pháo đài bay B52 ném bom rải thảm các tỉnh miền Bắc nước ta gồm: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Bắc, Hà Tây, Hòa Bình... nhưng nhiều nhất là Thủ đô Hà Nội. 

Một góc phố Khâm Thiên năm 1973 (Ảnh: Günter Mosle)

 

Không chỉ 4 khu phố nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng  mà cả 4 huyện ngoại thành: Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh đều bị bom Mỹ, trong đó xã Uy Nỗ bị bom cày xới trong 11 ngày đêm. Vì bà con sơ tán nên số người thiệt mạng không nhiều nhưng 80% diện tích nhà cửa bị phá hủy, 70% diện tích đất trồng trọt có hố bom. Tại làng Lỗ Khê, huyện Đông Anh, đêm 18-12, bom B52 vừa dứt, bà con đã lao vào cứu người ở các hầm sập nhưng đã không cứu được người vợ đảm đang của anh Nguyễn Văn Tý cùng 5 con nhỏ  và con lớn nhất chưa đến 15 tuổi.

Cũng tại huyện Đông Anh, đêm 26-12, bom rơi ở Cổ Loa giết chết 2 con nhỏ của anh Lý khi đang trú ẩn dưới hầm trong tư thế hai bé ôm nhau để tránh bom. Ở huyện Từ Liêm, đêm 18, rạng ngày 19-12, bom rơi trúng nhà thầy Chu Bá Thước, giáo viên trường cấp II Mai Dịch đã cướp  đi sự sống của 2 vợ chồng thầy giáo cùng 4 con nhỏ. Ở khu vực nội thành, một vệt bom B52 từ ga Văn Điển, qua ga Giáp Bát đến các khu dân cư gồm: Làng Tám, Tương Mai (thuộc khu Hai Bà Trưng) đến làng Phương Liệt, Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên (thuộc khu Đống Đa) và ga Hàng Cỏ (khu Hoàn Kiếm).

Phía Bắc thành phố là khu lao động An Dương (khu Ba Đình), khu tập thể Mai Hương (khu Hai Bà Trưng). Các khối 42, 43, 46, 47 phố Khâm Thiên bị hủy diệt hoàn toàn, nhà trẻ, mẫu giáo, đình Tương Thuận, cơ sở y tế bị san phẳng. Cho đến ngày hôm nay, mỗi khi kể lại chuyện đêm 26-12-1972, ông Nguyễn Văn Cầu không thể nào cầm được nước mắt  vì bom Mỹ đã cướp đi vợ, con ông và gia đình người em ruột cùng hai cháu bé.

Đau đớn là vợ ông chỉ còn có nửa thi thể và đứa con chỉ còn một chân, ông Cầu nhận ra vì cháu có vết sẹo do bị bỏng từ bé. Công dân ưu tú Thủ đô, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân sinh thời vẫn nhớ như in cửa hàng sách nhà mình bị bom phá nát thế nào, những cuốn sách trong đó có sách thiếu nhi văng ra trong bán kính mấy chục mét.

Trận bom đêm 26-12, dân phố Khâm Thiên mất mát quá lớn: 278 dân thường, 290 người bị thương, 178 đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi trong đó có rất nhiều trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhà của Giáo sư Trần Quốc Vượng tan hoang, nhà của nhạc sỹ Phú Quang cũng sập xuống và từ nơi sơ tán trở về, 3 ngày sau Phú Quang mới tìm thấy xác người bạn thân.

Bây giờ đi qua phố Khâm Thiên, dấu vết đổ nát 45 năm trước không còn nhưng vào đài tưởng niệm thì với nhiều người, ký ức về cảnh đổ nát, người chết lại hiện về. Bức tượng người phụ nữ hai tay bế xác đứa con, chân đạp lên quả bom chính là nguyên mẫu người phụ nữ ở số nhà 47 thiệt mạng ngay chân cầu thang.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Trước đó đêm 22-12-1972, bom Mỹ đã đánh sập khoa Tai Mũi Họng, khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai nhưng nặng nhất là khoa Da liễu, những tảng bê tông lớn  chặn lối xuống hầm C3. Thi thể của chị Hoàng Thị Thoa chắn lối xuống hầm, Giám đốc bệnh viện khi đó là bác sỹ Đỗ Doãn Đại đã ra lệnh trong nước mắt: Cắt thi thể của chị để mở đường xuống hầm cứu mấy chục cán bộ nhân viên, bệnh nhân đang thiếu không khí và lấy chỗ tiếp sữa, nước trong khi chờ đội cứu hộ của thành phố. Hai ngày sau, bác sỹ Đỗ Doãn Đại phải chứng kiến cái chết của học trò là Đinh Thị Thúy mà không thể cứu được vì chị bị thương quá nặng.

Trước khi tắt thở, chị Thúy chỉ nói được một câu: “Em chào thầy em đi”. Sau này bác sỹ Đỗ Doãn Đại kể rằng, dù ghép lại xác của chị Thoa và liệm vào quan tài nhưng đó là quyết định khó khăn và đau đớn nhất trong cuộc đời làm nghề y của ông. Cũng đêm 22-12 tại bệnh viện Bạch Mai, bom Mỹ đã cướp đi quyền được làm cô dâu của chị Đào Thị Khuyến, nhà ở phố Hàng Khoai là kỹ thuật viên khoa Da liễu. Đêm đó, chị mang tập thiếp cưới đến bệnh viện tranh thủ giờ rảnh rỗi viết thiếp mời khách tới dự đám cưới của mình tổ chức vào ngày 2-1-1973. 

Trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu có câu:

“Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu,

Hỡi em gái mất cha mất mẹ

Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù

Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ”. 

Đó là những câu thơ viết về chị Phạm Thị Viễn, pháo thủ trong đội tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động đã cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay F-111A trong đêm 22-12. Cha chị Viễn chết mấy ngày không tìm thấy xác và khi xác chết nổi lên ở một cái ao trong làng Tương Mai, người phụ nữ này móc túi thấy tấm chứng minh thư mới biết chắc đó là cha mình. Trước đó,  năm 1967, chính chị Viễn đã đau đớn chôn mẹ khi mẹ bán rau ở chợ, nhường hầm trú ẩn cho người khác nên đã bị mảnh bom tiện ngang người. 

Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị An ở phố An Dương (quận Tây Hồ) đã dành hẳn một căn phòng làm nơi thờ những người thân chết thảm trong trận bom B52 đêm 21-12-1972. Một quả bom rơi vào  nhà chính đã cướp đi  5 người thân của bà, trong đó có cha mẹ chồng, 2 con và cô em chồng. Vì số người chết quá nhiều, thành phố không đủ quan tài nên gia đình, chòm xóm đành phải chôn 4 người trước và hôm sau khi có quan tài, gia đình mới làm lễ chôn cất  cô em.  

Quên quá khứ để hướng đến tương lai nhưng quá khứ đâu có dễ quên vì nó bi thương quá. Dù đã 45 năm nhưng các gia đình mất người thân vẫn day dứt, ám ảnh và chúng ta cũng day dứt. Mong sao đừng có chiến tranh...