Giai điệu thời gian của NSND Tạ Bôn

(ANTĐ) - Ngày 7/5, GS - NSND Tạ Bôn sẽ biểu diễn solo trong chương trình hòa nhạc mang tên "Giai điệu thời gian" giới thiệu những tác phẩm quốc tế nổi tiếng với Dàn nhạc giao hưởng VN tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong đó có tác phẩm: Le concerto de l’adieu (nhạc trong phim Điện Biên Phủ) của Delerue G.

Giai điệu thời gian của NSND Tạ Bôn

(ANTĐ) - Ngày 7/5, GS - NSND Tạ Bôn sẽ biểu diễn solo trong chương trình hòa nhạc mang tên "Giai điệu thời gian" giới thiệu những tác phẩm quốc tế nổi tiếng với Dàn nhạc giao hưởng VN tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong đó có tác phẩm: Le concerto de l’adieu (nhạc trong phim Điện Biên Phủ) của Delerue G.

Hơn 50 năm gắn bó với cây đàn violon, NSND Tạ Bôn đã biểu diễn ở nhiều vùng miền của Việt Nam và ở các quốc gia thuộc châu Á, châu Âu và châu Mỹ La tinh. Ở tuổi 67, tiếng đàn của ông vẫn réo rắt các cung bậc của nghệ thuật và cuộc đời. Tiếng đàn đầy sức lôi cuốn ấy một lần nữa sẽ cất lên như một lời tri ân, như một lời tạm chia tay sân khấu nghệ thuật hàn lâm thủ đô vào lúc 20h ngày 7.5.2009 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình “Tạ Bôn – Giai điệu thời gian” có sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, chỉ huy Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Lý Giai Hoa. Tên gọi của chương trình, tên tuổi của các nghệ sĩ tham gia trình diễn cùng NSND Tạ Bôn thực sự đã mang tới một âm giai vui cho không khí kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại thủ đô Hà Nội. Chương trình được Quỹ Hỗ trợ Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Saigon Media đồng tổ chức.

GS - NSND Tạ Bôn chỉ có 3 ngày để tập luyện dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng nghệ sĩ piano Lý Giai Hoa và 40 nhạc công của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Nhưng điều đó không phải là áp lực đối với ông. GS - NSND Tạ Bôn chia sẻ với báo giới: "Kỹ thuật thuần túy để  chơi các tác phẩm quốc tế thế nào phải tuân thủ theo và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ chỉ tùy thuộc vào việc chơi nhanh hay chậm mà thôi. 3 ngày tập luyện đủ để tôi và các nghệ sĩ có sự hiểu nhau và kết hợp ăn ý"

Điều đáng tiếc của người nghệ sĩ 67 tuổi là trong đêm nhạc này, nghệ sĩ Tạ Tôn con trai của ông vì bận học ở Mỹ nên không về để cùng tham dự chương trình. Tuy nhiên, bên cạnh ông vẫn có nghệ sĩ múa Kim Dung - người bạn đời, và con gái Thùy Chi dù đang theo học múa ở Trung Quốc cũng về nước để động viên bố.

16 tuổi, GS Tạ Bôn đã bước lên sân khấu Đại giảng đường Học viện Âm nhạc quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh và trình diễn chương trình độc tấu đầu tiên của anh. Đó là năm 1958. Cũng trong năm ấy, chàng trai trẻ với vóc người nhỏ nhắn và đôi kính cận thị dày cộp trở thành người Việt Nam đầu tiên tham dự một cuộc thi Âm nhạc cổ diển thế giới trong tư cách thí sinh (cuộc thi violon quốc tế Ernescu lần thứ I tại Rumani). Bốn năm sau, Tạ Bôn đoạt Huy chương Bạc trong cuộc thi Violin quốc tế trong khuôn khổ Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ 8 ở Helsinkin Phần Lan.

Sau khi tốt nghiệp Đại học và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Tchaikovski – Moscow danh tiếng, Tạ Bôn giảng dạy violon tại Nhạc viện Hà Nội và Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh trong gần 40 năm. Nhiều nghệ sĩ violon tài năng của đất nước đã từng là học trò của ông, đã luôn nhớ về ông như một bậc thầy tài năng và tận tụy. Ghi nhận những đóng góp đặc biệt của Tạ Bôn trong sự nghiệp đào tạo và biểu diễn nghệ thuật, Nhà nước đã công nhận chức danh Giáo sư cho ông và phong tặng ông danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Phú Duy