“Chỉ đạo Khắc Huề”: Tên làm nên... thương hiệu

(ANTĐ) - Chẳng biết từ bao giờ cụm từ “chỉ đạo Khắc Huề” trở thành câu cửa miệng mà gần như từ người già đến con trẻ, ai cũng biết. Nhiều người nghĩ ông Khắc Huề ấy hẳn là một nhân vật nổi danh trong nghệ thuật hoặc cũng phải là sao nọ sao kia trên phim ảnh nên mới được nhiều người nhắc đến thế, nhưng kỳ thực thì ông là một nghệ sĩ làm nên thương hiệu bằng những cống hiến lặng lẽ và bền bỉ.

“Chỉ đạo Khắc Huề”: Tên làm nên... thương hiệu

(ANTĐ) - Chẳng biết từ bao giờ cụm từ “chỉ đạo Khắc Huề” trở thành câu cửa miệng mà gần như từ người già đến con trẻ, ai cũng biết. Nhiều người nghĩ ông Khắc Huề ấy hẳn là một nhân vật nổi danh trong nghệ thuật hoặc cũng phải là sao nọ sao kia trên phim ảnh nên mới được nhiều người nhắc đến thế, nhưng kỳ thực thì ông là một nghệ sĩ làm nên thương hiệu bằng những cống hiến lặng lẽ và bền bỉ.

Cái thú của... sự làm phiền!

Mỗi lần đi qua 51 Trần Hưng Đạo, tôi vẫn ngoái nhìn tấm băng rôn sờn bạc giới thiệu chương trình âm nhạc “Khúc hát trữ tình” căng ngoài cửa. Phía dưới dòng chữ “Chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề” in cả số điện thoại của ông. Cái cách người nổi tiếng mà trưng số điện thoại ra bàn dân thiên hạ như ông kể cũng lạ. Hỏi ông không sợ bị làm phiền à, ông phẩy tay cười xòa: “Được làm phiền cũng có cái thú đấy!”.

Hóa ra cái thú của ông là thi thoảng lại có người gọi đến chỉ để hỏi xem ông có phải Khắc Huề không, tên Khắc Huề là tên thật hay tên giả, năm nay ông bao nhiêu tuổi, rồi hẹn gặp để chứng thực “người thật việc thật” và xin chữ ký. Thú hơn nữa là nhờ thế mà ông rất hay được... mời, nào là khai trương quán cơm chay đến nhà hàng đặc sản, khánh thành chợ bé, trung tâm thương mại lớn đến khách sạn hạng sang nhất nhì Thủ đô.

Khán giả "nhí" cũng đòi chụp ảnh để biết thế nào là "chỉ đạo Khắc Huề"
Khán giả "nhí" cũng đòi chụp ảnh để biết thế nào là "chỉ đạo Khắc Huề"

Thậm chí cả Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng nhiều bận gọi điện và gửi giấy mời. Lúc đầu ông hí hửng nghĩ họ mời mình vì thích các chương trình ca nhạc do mình chỉ đạo, sau mới vỡ lẽ, hóa ra họ tưởng ông là... đại gia kinh doanh nghệ thuật. mãi rồi ông cũng quen và vui vẻ nhận các cuộc điện thoại chỉ để hỏi xem “quý ngài” có cần thuê văn phòng không, có nhu cầu tham gia câu lạc bộ VIP không... Những lúc như thế, ông lại cười thầm trong bụng: “Chả lẽ cứ phải đi thanh minh là mình vẫn đi xe Dream lùn từ năm 94 đã lên đời được đâu!”.

Khóc cười cùng cái tên

Cái danh “chỉ đạo Khắc Huề” gắn với ông đến giờ cũng đã mấy chục năm rồi. Khắc Huề là tên cúng cơm của ông. Ngày còn trẻ, ông chuyên dàn dựng chương trình cho các nghệ sĩ Nhà hát nhạc vũ kịch mang đi đi lưu diễn từ Bắc chí Nam. Chương trình đi đến đâu cũng căng băng rôn to uỳnh: “Chỉ đạo nghệ thuật: Khắc Huề”.

Ngày ấy, kênh truyền hình chưa nhiều, các loại hình giải trí thì đơn điệu, chưa có phòng trà, càng chưa có quán karaoke nên mọi người kéo đến xem chương trình của ông ào ào. Ông hăm hở lo từ A đến Z, từ đọc loa quảng cáo, chỗ ăn chỗ ở cho anh chị em nghệ sĩ, xăng xe, phông màn sân khấu đến chỉ huy dàn nhạc. Dần dà, những chỗ ông đến, những nơi ông trở lại, người ta lại treo biển và reo loa: “Chỉ đạo Khắc Huề đã vào! Dàn nhạc Khắc Huề đã vào!”. Cái tên “chỉ đạo Khắc Huề” cũng từ đấy mà trở nên nổi tiếng.

Cũng chừng ấy năm rong ruổi khắp nơi lưu diễn cho đến tận bây giờ, ông nhận được không ít điều thú vị từ cách gọi thân thuộc đó. Có bận, ông kéo đoàn lên diễn ở khu gang thép Thái Nguyên, đang bận bịu lo diễn thì có một khán giả đứng tuổi khẩn khoản muốn chụp ảnh cùng với lý do: “Các cháu nhà tôi làm gì cũng bảo để chúng chỉ đạo Khắc Huề cho, giờ tôi phải mang ảnh về cho chúng nó biết thế nào là... Khắc Huề thật”.

Rồi có lần, vừa diễn xong ở rạp Đà Nẵng, cô nhân viên bán vé gọi giật ông lại bảo có một bác bán kẹo đường phổi gửi cho “chỉ đạo Khắc Huề” gói đường về Hà Nội làm quà. Sáng hôm sau, ông dò tìm địa chỉ người bán kẹo đường phổi ấy rồi lặn lội vào tận nhà chơi và kết bạn. Ấy là chưa kể có những lúc cái danh xưng ấy cũng làm ông... dở khóc dở cười, như lần ông cùng bạn bè đi ăn thịt chó. Vừa bước chân vào quán thì thấy một thanh niên gọi chủ quán ra chỉ vào đĩa thịt chó: “Sao lắm Khắc Huề thế?”. Hóa ra anh ta chơi chữ, biết ông xuất thân là nghệ sĩ kéo đàn violin nên mượn tên ông để “khiếu nại”... thịt chó nhiều lông quá!

Nhờ “gãi đúng chỗ ngứa”

Đã có lúc tưởng ông giã từ nghề chỉ đạo nghệ thuật chuyển sang làm lãnh đạo Nhà hát nhạc vũ kịch. Nhưng làm một thời gian, thấy “ngứa” nghề, ông lại tay đàn tay đũa rong ruổi khắp các sân khấu và sau cùng, quyết định tự lập ra chương trình “Khúc hát trữ tình” làm chốn để nghệ sĩ và khán giả cùng nhau hoài cổ.

Từ bấy đến nay, ông túc tắc dạy đàn violin, chăm lo “Khúc hát trữ tình” và rong chơi cùng bè bạn. Sân khấu riêng của ông ở 51 Trần Hưng Đạo được gọi là “đại bản doanh” của giới văn nghệ sĩ, chỉ vẻn vẹn chưa đầy 100 chỗ ngồi nhưng sáng đèn không ngừng nghỉ suốt hơn 20  năm qua vào mỗi dịp cuối tuần. Cát sê cho anh em nghệ sĩ như ông tự nhận thì thấp lắm, chỉ đủ để... uống bia nhưng đều đặn đến diễn ở đây lại toàn là ca sĩ gạo cội, từ Trần Hiếu đến Quang Thọ, Thanh Hoa, Đức Long...

Lạ cái, nhiều ca sĩ đi hát ở các sân khấu lớn mà vẫn thèm quay về khán phòng nhỏ này, dù làm việc với ông luôn trong tư thế bị… xoay như chong chóng và diễn bất thình lình. Như lần có một đoàn khách từ Nam ra kéo đến nghe rất đông, ông lên “list“ chương trình toàn nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Thấy họ không hào hứng, ông liền bảo anh chị em nghệ sĩ chuyển sang hát nhạc Trịnh.

Tiếng vỗ tay vẫn chưa xôm, ông xuống tận nơi hỏi một vị khách mới biết họ là những người từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam, ông thốt lên: “Mình đi nhầm giày rồi!”, rồi lập tức bảo các ca sĩ chuyển sang hát ca khúc “sát sườn” như: Bài ca Apsara, Mời anh đến thăm quê tôi... Cả khán phòng vỗ tay rần rần.Ngót nghét 70 tuổi, ông vẫn đều đặn hàng ngày dạy đàn violin, cuối tuần vừa chỉ đạo nghệ thuật, vừa kéo đàn trên sàn diễn.

Tiền dạy học, ông đổ cả vào làm “Khúc hát trữ tình”. May thì “khắc huề” vốn, còn lỗ là chuyện bình thường. Hiếm ai như ông, làm kinh doanh mà chả ra tiền. Nhưng với ông thì cái lộc lớn nhất là được người ta... réo tên cả khi không biết gì về mình và thương hiệu “chỉ đạo Khắc Huề” được đi vào đời thường như câu cửa miệng mà ít ai không biết.

 Dương Cầm