Phục hồi du lịch Thủ đô sau dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phương án mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới vừa chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chốt lại. Nội dung chi tiết của phương án được du khách và các hãng lữ hành đặc biệt quan tâm với những quy định được cho là cởi mở, “người trong cuộc” hy vọng du lịch Việt Nam sớm ổn định, cùng với các loại hình thương mại, dịch vụ khác bắt kịp đà tăng trưởng.

Cũng trong thời điểm này, ngành Du lịch Hà Nội đã đề ra một loạt các biện pháp, giải pháp để doanh nghiệp lữ hành có thể sớm hồi phục sau khủng hoảng dịch bệnh và đón khách trở lại một cách nhanh nhất.

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và các hãng lữ hành khảo sát du lịch Bát Tràng trước thời điểm mở cửa 15-3

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và các hãng lữ hành khảo sát du lịch Bát Tràng trước thời điểm mở cửa 15-3

Tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp du lịch

Xác định doanh nghiệp du lịch đóng vai trò then chốt trong việc phục hồi và phát triển sau đại dịch, Sở Du lịch Hà Nội đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc trực tiếp thực hiện thủ tục hỗ trợ 3.729 hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền hỗ trợ gần 14 tỷ đồng, Sở cũng triển khai hỗ trợ đối với các cơ sở lưu trú thuộc diện được miễn, giảm tiền điện theo quy định của Chính phủ, tổng số tiền đã miễn giảm hỗ trợ năm 2021 khoảng 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã rất tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: Giảm 80% mức tiền ký quỹ đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Trong suốt 2 năm dài diễn ra dịch bệnh, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội cũng đã ra đời, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường như: Tour du lịch đêm tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, các sản phẩm tour du lịch trải nghiệm kiến trúc Pháp, tour đạp xe quanh khu vực trung tâm Thủ đô do Công ty Lữ hành Hanoi Tourism tổ chức… sản phẩm du lịch mạo hiểm ở Chương Mỹ, Vườn Quốc gia Ba Vì, du lịch giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Dân tộc học, Cổ Loa… Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch được làm mới trên nền tảng các sản phẩm du lịch truyền thống, là thế mạnh trước đây của đơn vị.

Tour xe đạp ở Hà Nội với tên gọi “VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An”

Tour xe đạp ở Hà Nội với tên gọi “VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An”

Phát biểu trong một hội nghị về du lịch do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức gần đây, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đã và đang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường nhận diện thương hiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế, thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...). Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia các chương trình, sự kiện, lễ hội, hoạt động xúc tiến du lịch do thành phố và Sở Du lịch tổ chức.

Xây dựng 4 tuyến du lịch chính

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô, trong đó có việc tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chính thức giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch duy trì ổn định lâu dài; gia hạn thời gian giảm các loại phí, lệ phí đối với các doanh nghiệp lữ hành.

Tour “Bác Cổ mùa hoa gạo’ ra mắt vào ngày 19-3 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Tour “Bác Cổ mùa hoa gạo’ ra mắt vào ngày 19-3 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tập trung nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm thành phố đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất, Quốc Oai và Sơn Tây, Ba Vì. Về tuyên truyền quảng bá, Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia, quảng bá hình ảnh thông qua các sự kiện du lịch do Sở phối hợp và chủ trì như: Chương trình Get on Hà Nội 2022, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội trình diễn kinh khí cầu, Lễ hội kích cầu du lịch… Đặc biệt, Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 cũng là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể quảng bá các sản phẩm du lịch đối với khách quốc tế.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ thêm, thời gian tới, sở sẽ phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội xây dựng và triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, còn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và quản trị hoạt động, qua đó nâng cao hiệu quả và năng suất cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Linh - Giám đốc Công ty du lịch Mr.Linh Adventure: Phải kêu gọi, vận động kết nối lại hệ thống nhân lực

Thời điểm sau ngày 15-3, Việt Nam có chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch, chính vì thế, trước đó, chúng tôi phải củng cố hệ thống bán tour, cập nhật thông tin điểm đến, liên hệ nhà hàng, khách sạn giới thiệu, thiết kế ấn phẩm voucher.

Mở cửa nhưng chúng ta vẫn đặt ra một số yêu cầu nhất định về phòng chống dịch và mở cửa thì cũng không có nghĩa là du khách sẽ ngay lập tức đặt tour, tâm lý đi du lịch của người nước ngoài đặc biệt là châu Âu và Mỹ thì họ còn phải nghiên cứu và có kế hoạch rất dài hơi. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp đều trông cậy vào hệ thống nhân lực cũ còn lại, số lượng lớn nhân lực khác đều đã thay đổi, đi làm nghề khác và chưa sẵn sàng trở lại, việc tuyển chọn, đào tạo lại hệ thống nhân lực mới thì lại là một câu chuyện dài và mơ hồ.

Chính vì thế, quan trọng là phải kêu gọi, vận động kết nối lại hệ thống nhân lực trước đó đã hoạt động trong ngành du lịch nhiều năm và từng được đào tạo bài bản. Theo quan điểm của cá nhân tôi, ngay từ bây giờ, Sở Du lịch các tỉnh, thành cũng như Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL cần phát triển các ngành học, khóa học, khóa đào tạo về du lịch mới có thể kịp bổ sung nhân lực cho ngành du lịch trong vòng vài năm nữa.

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtour: Phục hồi du lịch sau đại dịch cần 3 yếu tố

Thứ nhất là chính sách, đó là những chủ trương được hiện thực hóa của các bộ, ngành liên quan như: Du lịch, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Thương mại dịch vụ...Trong đó, các vấn đề quan trọng như: Các hoạt động kích cầu, giới thiệu điểm đến, chính sách visa, yêu cầu về phòng dịch và các hoạt động thương mại dịch vụ. Tôi muốn nhấn mạnh vào thương mại dịch vụ, du lịch mở cửa hoàn toàn, có nghĩa các loại hình kinh doanh phục vụ du khách như dịch vụ ăn uống, bar, vũ trường, karaoke cũng sẽ phải mở. Các chính sách phải có sự thống nhất. Tiếp nữa là muốn phục hồi được du lịch cần có sự ủng hộ của thị trường điểm đến, rồi việc mở đường bay, hiện thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - những thị trường trọng điểm của Việt Nam - còn chưa mở, vì thế chưa thể có khách luôn được.

Thứ hai là vấn đề nội tại của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và lữ hành. Hiện tại chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp còn đủ sức hoạt động, nhân lực phục vụ cho du lịch bây giờ quả thật rất khó khăn. Chúng ta đã chính thức mở cửa từ ngày 15-3 thì theo kinh nghiệm của tôi ít nhất phải 6 tháng nữa thị trường mới có thể tấp nập trở lại được. Trước mắt, nếu chưa biết thị trường như thế nào, hoạt động lữ hành ra sao thì khá nhiều doanh nghiệp chưa tự tin đầu tư trở lại. Chính vì thế, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục lại thị trường, đặc biệt là những doanh nghiệp hàng đầu.

Để phục hồi lại du lịch các đường bay cần sôi động hơn, tăng tần xuất bay và hạ giá vé. Tôi không biết tần suất bay hiện nay thế nào, nhưng có điều chắc chắn là nó không cao. Cần phải hạ giá các loại hình dịch vụ, mở bán tour mà cái gì cũng đắt thì không thể phục hồi được.

Yên Vân (Ghi)