Phòng chống tai nạn rơi, ngã từ chung cư cao tầng: Có thể lắp đặt lưới đặc chủng an toàn

ANTĐ - Ở vụ việc cháu bé 7 tuổi rơi xuống từ ban công tầng 10 Nơ4A bán đảo Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và bị đa chấn thương, có thể nhận thấy, phần ban công gồm 1 phần tường xây và một phần là các thanh sắt nằm ngang nên trẻ rất dễ bám vào và có thể chui lọt.   

Một chuyên gia thuộc Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC) – Bộ Xây dựng nhận định: “Do quy định còn chung chung nên chủ đầu tư thường kết hợp xây tường gạch với làm phần sắt ở trên và như thế trẻ có điểm để bám, trèo qua”.

Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Hồng Dương cho rằng, những quy định liên quan đến thiết kế xây dựng ban công hay lô gia đều được quy định khá chặt chẽ, chi tiết. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng chấp hành đầy đủ quy định. Với nhà cao từ 9 tầng trở lên, để tiết kiệm diện tích, thay vì thiết kế lô gia, nhiều chủ đầu tư chọn phương án xây dựng ban công đưa ra ngoài. Và khi ban công không đúng quy chuẩn thì những người sống trong chung cư đó rất dễ gặp phải tai nạn.

Phòng chống tai nạn rơi, ngã từ chung cư cao tầng: Có thể lắp đặt lưới đặc chủng an toàn ảnh 1Ban công không đảm bảo an toàn có thể gây tai nạn chết người (ảnh minh họa)

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05:2008 “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành, lô gia của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm, lan can phải có cấu tạo khó trèo; khoảng cách thông thủy giữa các thanh đứng không được lớn hơn 0,1m...

Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Hồng Dương cho biết: “Ở một số tòa nhà hiện đại, họ tuân thủ chiều cao lan can là 1,4m và gờ gạch bên dưới chỉ có 10cm. Toàn bộ lan can được dùng bởi những thanh thép đặc, sẽ an toàn cho trẻ nhỏ nhưng kinh phí rất tốn kém. “Có thể các chủ đầu tư để tiết kiệm chi phí đã tạo ra những kiến trúc không an toàn. Việc này cũng đòi hỏi cái tâm, trách nhiệm của các kiến trúc sư khi thiết kế các tòa nhà. Hãy vì sự an toàn của người dân, đừng chạy theo lợi nhuận”, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Hồng Dương nói.

Cũng theo các chuyên gia, quy chuẩn cần quy định rõ là lô gia phải xây dựng bằng vật liệu gì, kết cấu thế nào và cần nêu rõ ràng trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn an toàn mới của quốc tế thì mới thực sự có hiệu quả.

Cũng về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành về đảm bảo an toàn PCCC, các hộ dân ở những khu chung cư mới được xây dựng sẽ không được phép làm “chuồng cọp”, lưới sắt che chắn kín ban công. Để đảm bảo an toàn cho công dân, quy định đã nêu rất rõ về chiều cao tối thiểu của ban công các nhà cao tầng; cùng khuyến cáo không để những vật dụng sát bờ tường khiến trẻ nhỏ có thể trèo, đứng lên, rất dễ xảy ra ngã xuống đất.

Quy định rất rõ như vậy, song để phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra, các hộ dân có thể nghiên cứu, lắp đặt hệ thống lưới an toàn bằng chất liệu đặc chủng; vừa ngăn được việc rơi xuống đất nếu bị ngã qua ban công, cũng vừa dễ dàng đối với lực lượng chức năng khi xử lý tình huống chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Việc lắp đặt lưới an toàn khá tiện lợi, cũng đảm bảo mỹ quan, cảnh quan đô thị.  

Cháu bé bị ngã từ tầng 10 ở Linh Đàm đã có thể nói chuyện

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức chiều 13-8, sức khỏe của bệnh nhi Trần Hoàng Long - cháu bé bị ngã từ tầng 10 ở bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) đang tiến triển khá tốt. Đến chiều 13-8, cháu bé đã tỉnh táo hơn hẳn so với 1 ngày trước, có thể uống nước, nói chuyện. Tuy nhiên, cháu bé vẫn phải tiếp tục được theo dõi điều trị đặc biệt để đánh giá mức tổn thương não.