Phố Lý Thường Kiệt của tôi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là nói vơ vào thế thôi chứ thực tình tôi có một kỷ niệm khó quên với con phố này. Dạo đó, năm 1978, cũng vào dịp tháng 7 nóng nực chúng tôi được giao nhiệm vụ về Nhổn (huyện Hoài Đức) để nhận thiết bị chiếu bóng. Xe vào nội thành thì cũng đã cuối chiều nên Thượng sĩ Nguyễn Duy Lệ - lái xe kiêm Đội trưởng Đội chiếu phim của sư đoàn đưa ra đề xuất: “Giờ muộn rồi. Ta vào Nhổn cũng phải chờ sáng mai mới làm gì thì làm. Hay ta nghỉ lại ở đây cho các cậu chưa có người yêu có dịp ngắm gái Hà Nội”.
Ngã tư đường phố Lý Thường Kiệt - Quán Sứ với ngôi chùa Quán Sứ nổi tiếng

Ngã tư đường phố Lý Thường Kiệt - Quán Sứ với ngôi chùa Quán Sứ nổi tiếng

1. Nghe anh Lệ nói thế tôi thấy cũng khấp khởi nên gật đầu lia lịa. Anh Lệ cười hóm hỉnh: “Chỉ được ngắm từ trong cabin thôi. Tuyệt đối không cậu nào đi đâu đấy”. Anh Lệ nói vậy chứ chúng tôi cũng rời cabin, chọn một gốc cây bên hè, trải tấm nilon xuống để 3 anh em ngồi ăn bữa chiều. Bữa chiều là lương khô, khát thì đã có nước trong bi đông. Đó là một bữa ăn thông thường của những người lính, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bị làm phiền bởi những người đi xe đạp ngang qua. Họ nhìn chúng tôi ăn mà chép miệng, có người còn nói đủ để chúng tôi nghe thấy: “Bộ đội có khác. Chẳng có tiền ăn phở”. Dĩ nhiên là chúng tôi nhìn nhau cười. Anh Lệ động viên: “Có ăn uống thế này thì các cậu mới có cơ hội được ngắm gái Hà Nội không mất tiền”.

Chỗ chúng tôi dừng xe là giữa phố Lý Thường Kiệt. Tôi chỉ nhớ mang máng nó đối diện với trường cấp 3 Lý Thường Kiệt (tên thường gọi ngày đó của trường THPT Lý Thường Kiệt bây giờ). Năm học cũ đã kết thúc, năm học mới chưa đến nhưng vẫn thấp thoáng dáng những cô cậu học trò vào ra. Thường là một nhóm nhỏ chừng 2 - 3 cô cậu, họ tới trường để học thêm hoặc cũng có thể là làm một việc gì đó chẳng hạn. Việc không có gì phải vội nên chúng tôi ngồi ăn kiểu nhẩn nha, thực ra ăn lương khô muốn nhanh cũng không được vì rất dễ bị sặc. Chợt thằng Chính thuyết minh phim kéo tay tôi rồi hất đầu sang bên kia đường. Trước cổng trường Lý Thường Kiệt có 3 nữ sinh tóc tết đuôi sam, áo sơ mi trắng, quần tím than điệu đà đang túm tụm thì thầm điều gì đó. Thằng Chính nói rất nhỏ: “Mấy em đang theo dõi chúng mình đấy. Tớ vừa thấy các em chỉ tay về phía bọn mình”.

Trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao tại địa chỉ 48 Lý Thường Kiệt, đây là công trình được gắn biển di tích quốc gia

Trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao tại địa chỉ 48 Lý Thường Kiệt, đây là công trình được gắn biển di tích quốc gia

Cứ cho là như thế đi, ai cấm quyền được mơ ước. Tôi cúi xuống cắn nốt miếng lương khô, chắc là vội, cũng có thể là do vừa ăn vừa liếc sang bên kia đường nên tôi bị sặc. Cơn ho rũ rượi khiến tôi xấu hổ. Anh Lệ cười: “Mày khôn thật. Biết cách gây sự chú ý với các em”. Tôi vội cãi yếu ớt: “Đâu mà…”, rồi tự dưng mặt đỏ tía tai. Cái mặt đỏ tía tai của tôi chưa kịp trở lại bình thường thì lại tiếp tục bừng lên dữ dội khi cả 3 cô bỗng dưng xuất hiện ngay trước mắt. Tôi ú a ú ớ khi một em cất tiếng hỏi (chao ôi, giọng con gái Hà Nội sao mà hay đến thế): “Mấy chú có uống nước không?”. Anh Lệ chững chạc nhất nên điềm đạm trả lời: “Cám ơn các cháu! Chú có nước rồi”. Và anh chỉ tay vào tôi nói rất rõ ràng: “Chỉ còn anh này là đang khát thôi”. Tôi muốn chui vào gốc cây để trốn, nhưng anh Lệ cũng “khôn” ra phết, anh ngầm ý nói cho 3 em xinh tươi biết ở đây chỉ có mỗi anh là chú thôi, còn tôi với thằng Chính là anh. Được cái thằng Chính cũng khá lẻo mép, nó đứng dậy đon đả: “Chào các em. Bọn anh có nước rồi, chỉ thiếu người nói chuyện thôi”. Ba cô nữ sinh cười rất giòn và ngồi xuống tấm nilon cùng chúng tôi.

Trụ sở Trường Trưng Vương trên phố Lý Thường Kiệt

Trụ sở Trường Trưng Vương trên phố Lý Thường Kiệt

2. Con gái Hà Nội có khác, rất tự nhiên. Anh Lệ ngồi nhích ra một chút chút, thế là tự dưng tôi với thằng Chính được ngồi cạnh 3 em. Thú thực đây là lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi gần với con gái, kể cũng hơi run. Rất tự nhiên, em xinh nhất chỉ tay vào các bạn của mình giới thiệu: “Đây là bạn Ngọc Hà, đây là bạn Thu Hà, còn em là Thanh Hà”. Tôi tròn mắt: “Sao ai cũng tên là Hà thế?”. Thanh Hà nói: “Vì bọn em là con gái Hà Nội mà” (sau này tôi mới hay, ở Hà Nội cứ 10 cô gái thì có đến 7 cô tên Hà. Ngày ấy, cái tên Hà như thể định danh cho con gái Hà Nội vậy).

Trời cũng đã bắt đầu nhá nhem, đèn đường lác đác bật, anh Lệ hỏi nhỏ: “Các cháu về đi cho bố mẹ khỏi mong”. Đó có lẽ là câu nói dở nhất của người đàn ông chững chạc nhất lúc này? Tôi hơi luống cuống và tiêng tiếc, thằng Chính thì ngồi im, cái thằng mồm mép là vậy mà cũng chợt suy tư. Thanh Hà cất tiếng nói phá tan “bầu không khí u ám”, em bảo: “Bọn cháu đều là con bộ đội chú ạ. Con bộ đội phải có trách nhiệm để các anh bộ đội không thấy buồn”. Kinh thật - tôi nghĩ thầm trong bụng. Thanh Hà đề nghị: “Bọn cháu sẽ đưa anh Chính, anh Vũ đi chơi phố. Chú Lệ có đồng ý không?”. Anh Lệ hầu như không nghĩ nói luôn: “Hai anh này ngô nghê phố xá lắm. Có gì hay về con phố này thì chỉ cho các anh ấy biết”. Tiếng vâng ạ như đồng thanh. Lại chao ơi, con gái Hà Nội nói câu “vâng ạ” sao nghe sướng tai đến thế.

Trụ sở Tòa soạn An ninh Thủ đô ở 82 Lý Thường Kiệt

Trụ sở Tòa soạn An ninh Thủ đô ở 82 Lý Thường Kiệt

Chúng tôi thong thả đi dọc phố, Ngọc Hà bấy giờ mới nói với các bạn: “Mình đi lên đầu phố rồi tiện thể rẽ qua nhà xin phép đưa mấy anh bộ đội đi chơi, chúng mày nhỉ?”. Thì ra 3 cô Hà không chỉ học cùng lớp mà còn sống cùng khu tập thể nữa. Chúng tôi cùng đứng ở đầu phố chỗ có vườn hoa để đợi Ngọc Hà. Đứng từ đầu phố nhìn xuống cuối phố thì Lý Thường Kiệt là con đường dài và đẹp. Thanh Hà tranh thủ giới thiệu luôn: “Hai anh biết không, phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng và Tràng Thi là 4 con phố thẳng, rộng và đẹp nhất Hà Nội. Chúng được xây dựng từ thời Pháp, hồi trước người Hà Nội gọi là khu phố Tây bởi chỉ có người Pháp ở là chính. Mẹ em bảo cũng có một vài gia đình người Việt sinh sống ở những con phố này, nhưng đều là những nhà tư sản hay quan lại, dân thường làm sao vào đây ở được”. Thanh Hà cho biết thêm: “Thời Pháp, phố này tên là Đại lộ Caro. Sau cách mạng tháng Tám năm đổi tên thành phố Lý Thường Kiệt”. Vốn yêu thích lịch sử nên tôi ra vẻ hiểu biết nói góp: “Thái úy Lý Thường Kiệt là một danh tướng thời Lý. Các em học sử có nghe đến phòng tuyến sông Như Nguyệt do chính Lý Thường Kiệt xây dựng để chặn giặc Tống không?”. “Bọn em biết chứ - Ngọc Hà vừa kịp tới cũng vội nói xen vào - trường bọn em học là trường Lý Thường Kiệt mà”.

Thế là câu chuyện chuyển sang đề tài lịch sử. Thanh Hà chỉ tay vào một ngôi nhà bên kia đường: “Đấy là trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, mẹ em làm ở đấy. Mẹ em kể trưa 30-4-1975 cả cơ quan đổ hết ra ban công để reo hò và hô “Giải phóng Sài Gòn rồi… Giải phóng miền Nam rồi… Vì Thông tấn xã Việt Nam là nơi biết tin tức sớm nhất mà”.

Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam ở đầu phố Lý Thường Kiệt, thì gần cuối phố là trụ sở tòa soạn An ninh Thủ đô. Chúng tôi vừa đi chầm chậm vừa trò chuyện vui vẻ. Cứ tưởng con gái Hà Nội kênh kiệu, khó gần, vậy mà không phải. Các cô Hà thay nhau giới thiệu cho tôi với thằng Chính nghe chuyện phố, chuyện cây. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã về tới chỗ đỗ xe. Anh Lệ cười rất to: “Cám ơn các cháu nhé. Các cháu đã giúp hai chàng ngố này từ giờ về sau biết thế nào là ...”. Anh Lệ dừng lại ở đó. Tôi với thằng Chính đều thấy có gì nao nao. Thanh Hà bảo: “Chúc chú Lệ với hai anh công tác tốt ạ”.