Phố cổ Hà Nội rộn ràng với các hoạt động vào dịp 30/4 và 1/5

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từ ngày 22/4 đến ngày 31/5, tại phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và Ngày quốc tế lao động 1/5.  

Chương trình diễn ra với mục đích bảo tồn các giá trị văn hoá làng nghề gắn với phố nghề; thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào chiều ngày 22/4 tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, Hà Nội. Tại đây sẽ diễn ra triển lãm “Đào Xá – giữ hồn thanh âm Việt” giới thiệu một số sản phẩm nhạc cụ truyền thống làng nghề Đào Xá.

Làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội. Nghề làm đàn ở Đào Xá đã có cách đây hơn 200 năm do cụ Đào Xuân Lan sáng lập. Từ giữa thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của làng Đào Xá đã mang theo cả gia đình, họ hàng lên thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) để lập phường nghề. Vì vậy, khu 36 phố phường Hà Nội xưa kia đã từng có con phố mang tên Phố Hàng Đàn. Bằng sự cần cù và tài năng khéo léo, những thợ làm đàn ở Đào Xá đã làm ra những sản phẩm nhạc cụ tinh xảo, cung cấp cho các gánh hát chốn kinh kỳ và góp phần làm cho các phường nghề, phố nghề thủ công thêm sầm uất. Do đó, nghề làm nhạc cụ dân tộc ở Đào Xá có sự liên quan, gần gũi với Kẻ Chợ - Phố cổ ngày nay, là một phần di sản không thể tách rời với “Hà Nội 36 phố phường”.

Đàn Nguyệt được trưng bày tại triển lãm “Đào Xá – giữ hồn thanh âm Việt”

Đàn Nguyệt được trưng bày tại triển lãm “Đào Xá – giữ hồn thanh âm Việt”

Sau lễ khai mạc, chuỗi hoạt động văn hóa sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm trong khu phố cổ Hà Nội. Theo đó, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ sẽ giới thiệu bộ ảnh tư liệu chủ đề “Nhạc công và âm nhạc cổ truyền Việt Nam”.

Triển lãm trưng bày 60 bức ảnh chụp tại Việt Nam và về người Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX (khoảng những năm 1870 - 1899) đã được kiến trúc sư Đoàn Bắc và tay máy Lê Bích sưu tầm và phục chế kỹ thuật số từ các nguồn tư liệu: Bộ sưu tập ảnh "Ký ức Hà Nội xưa" của cố nhà giáo Đoàn Thịnh và con trai Đoàn Bắc (công bố năm 2010); thư viện Quốc gia Pháp; thư viện ảnh ASEMI của Bộ Thuộc địa cũ từng lưu trữ tại Bảo tàng Thuộc địa (Pháp) trước đây; thư viện Humazur của Đại học Côte d'Azur (Pháp) tức Đại học Nice Sophia Antipolis trước đây. Triển lãm ảnh diễn ra từ ngày 22/4 – 20/5.

Tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm, số 2 phố Lê Thái Tổ sẽ diễn ra trưng bày và giới thiệu tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Ngày quốc tế lao động 1/5, 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tranh cổ động là dòng tranh thuộc thể loại đồ hoạ trong nghệ thuật tạo hình, mang tính khái quát tượng trưng điển hình, góp phần tuyên truyền, quảng bá cho các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở Việt Nam. Bằng tài năng, tâm huyết, nhiệt tình cách mạng và sự rung cảm nghệ thuật sâu sắc, các hoạ sĩ sáng tác tranh cổ động giai đoạn 1970 - 1995 đã có đóng góp to lớn trong việc động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Cũng tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm còn giới thiệu không gian sắp đặt các hiện vật thời bao cấp. “Thời kỳ bao cấp” là tên gọi dùng để chỉ một giai đoạn (từ năm 1975 - 1986) mà hầu hết mọi hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung do Nhà nước chỉ huy. Từ sau Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), cả nước bước vào thời kỳ Đổi mới. Trải qua 35 năm, Việt Nam đã có nhiều thay đổi to lớn, cuộc sống không ngừng được cải thiện và nâng cao nhưng những ký ức về thời kỳ bao cấp vẫn thường trực trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Hà Nội. Bằng một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh được bố trí theo phương pháp sắp đặt, không gian trưng bày sẽ gợi nhắc người xem về một thời kì khó khăn nhưng đáng nhớ, đáng trân trọng. Không gian sắp đặt này sẽ mở cửa từ 17h00 ngày 22/4/2022 (Thứ Sáu).

Một góc triển lãm tại Đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, Hà Nội

Một góc triển lãm tại Đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, Hà Nội

Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, số 22 phố Hàng Buồm sẽ diễn ra trưng bày tư liệu và hiện vật “Ký ức 22 Hàng Buồm” và “Ký ức sông Tô”.

Phố Hàng Buồm xưa là một trong những con phố tiêu biểu nhất cho một thành phố nằm bên sông, chuyên bán những vật tư liên quan đến thuyền bè. Trên con phố ấy, địa điểm 22 Hàng Buồm đã trở thành nơi lưu giữ một phần ký ức của người dân Kẻ Chợ, của những Hoa kiều và của người Hà Nội hôm nay. Trưng bày sẽ diễn ra từ 9 giờ ngày 29/4.

Tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (Đền Quan Đế), số 28 phố Hàng Buồm, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch của tỉnh Phú Yên giới thiệu tới du khách về nghề đan lát truyền thống Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên), một nét đẹp di sản, một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.

Tại khu vực vỉa hè phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (đối diện đền thờ vua Lê) sẽ diễn ra triển lãm ảnh chủ đề “Việt Nam – Một dải yêu thương” của nhóm tác giả 3G Cộng (Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Hải, Nguyễn Tấn Tuấn, Đoàn Bắc, Lê Bích).