Phép lạ từ tiến bộ y học

ANTĐ - Y học hiện đại ngày càng tiến bộ khiến con người không thể không ngạc nhiên trước những thành tựu cải thiện cuộc sống. Những thành quả mới được công bố gần đây cho thấy y học luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu.

Mắt điện tử lấy lại thị giác. Roger Pontz (ảnh) là một trong 4 người Mỹ đang sử dụng “mắt điện tử” - đây là kết quả sau ca cấy ghép võng mạc nhân tạo hoạt động song song với loại kính đặc biệt có chứa một máy quay phim nhỏ và máy truyền dẫn tín hiệu. Thông tin được hãng tin AP đăng tải hôm 23-4 giải thích, hình ảnh từ camera được chuyển thành một loạt các xung điện truyền tới các điện cực trên bề mặt của võng mạc.

Những xung điện này kích thích những tế bào còn lành của võng mạc, bắt chúng truyền tín hiệu đến thần kinh thị giác. Thông tin sau đó được truyền lên não và chuyển thành dạng có thể nhận diện và diễn giải được, cho phép bệnh nhân phục hồi phần nào chức năng thị giác. Vậy là từ một người gần như mù, giờ Roger Pontz có thể nhìn thấy vợ ông, và những người thân yêu.

Trả lại thiên chức cho 4 phụ nữ. Đầu tháng 4-2014, một nhóm nhà khoa học của Viện nghiên cứu Y học tái sinh thuộc Trung tâm y tế Wake Forest Baptist, trụ sở tại bang North Carolina, Hoa Kỳ công bố trên tạp chí Lancet rằng, họ đã thành công khi giúp 4 thiếu nữ khiếm khuyết có được cơ quan âm đạo mới được tái tạo từ các tế bào của chính họ. Các bệnh nhân từ 13 đến 18 tuổi này cùng mắc phải hội chứng Mayer Rokitansky Kuster Hauser -  nghĩa là họ có thể không có hoặc âm đạo kém phát triển.  Nhóm nghiên cứu đã tìm ra một cách là sử dụng cơ bắp và các tế bào biểu mô của các cô gái để tạo ra một âm đạo mới. Các ca cấy ghép diễn ra từ năm 2005 đến 2008. Theo thời gian, cơ thể sẽ hấp thụ cơ quan này và mô mới hình thành. Hiện giờ, tất cả các bệnh nhân đều có đời sống tình dục bình thường.

Lên chức bố sau khi được tái tạo “của quý”. Mike Moore, 30 tuổi, ở Mississippi, Hoa Kỳ phải cắt bỏ dương vật sau một ca nhiễm trùng từ nhỏ. Năm 2007, anh may mắn gặp được chuyên gia phẫu thuật tạo hình Gordon Lee, ở Trung tâm y tế Stanford, thành phố Polo Alto, bang California giúp tái tạo dương vật bằng cách ghép mô lấy từ đùi. Con trai anh Mike Moore chào đời cuối năm 2013 sau khi được thụ thai trong ống nghiệm. Báo chí Mỹ khi đăng tải câu chuyện này vào tháng 4-2014 đều nhấn mạnh, đây là trường hợp người đầu tiên trên thế giới được làm cha sau khi được tái tạo gần như toàn bộ dương vật.  

 

Sụn mũi từ phòng thí nghiệm. Ít nhất 5 người trên thế giới hiện đã có mũi mới sau khi các nhà khoa học thành công trong phát triển sụn từ phòng thí nghiệm. Tất cả các bệnh nhân này đều bị khuyết tật mũi sau khi trải qua phẫu thuật ung thư da, giờ họ đã có thể thở tốt và hài lòng với khuôn mặt của mình sau 1 năm cấy ghép sụn. Loại sụn ​mũi ​đó được các nhà nghiên cứu tại Khoa Y Sinh tại Đại học Basel, Thụy Sỹ nghiên cứu, phát triển khi sử dụng tế bào chiết xuất từ ​​vách ngăn mũi của chính bệnh nhân.

Cảm giác thực sự với cánh tay giả. Dennis Aabo Sorensen, người đàn ông Đan Mạch bị mất cánh tay trái từ 9 năm trước đã trở thành người đầu tiên có thể sờ và cầm nắm đồ vật như thật bằng cánh tay giả. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia đến từ Italy, Thụy Sĩ và Đức này được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine hồi đầu năm nay. Theo đó, Sorensen được cấy 4 điện cực vào dây thần kinh ở cánh tay. Các điện cực này được nối với các cảm biến nhân tạo ở ngón tay của cánh tay giả, giúp phản hồi thông tin cảm giác đến não bộ và cho phép bệnh nhân có cảm giác khi chạm, sờ hay cầm nắm vật thể.