Phế liệu hay rác thải?

ANTĐ - Không nên khuyến khích nhập phế liệu, thứ đã bỏ đi, cần cân nhắc kỹ nếu không sẽ biến nước ta thành bãi rác của thế giới. Đó là ý kiến của chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng như phát biểu của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về sự thảo Luật Bảo vệ môi trưởng (sửa đổi). Câu hỏi đặt ra  là: Có nên cho phép nhập phế liệu để tái chế theo quy định trong dự thảo luật này hay không?

Nhiều ý kiến tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại, nếu dự thảo Luật Bảo vệ môi trường không xây được “hàng rào” vững chắc hơn thì với tình trạng lạm dụng nhập khẩu phế liệu lẫn rác thải công nghiệp hiện nay, chúng ta đang tự “đầu độc” mình, hủy hoại môi trường sống, đất, nước, không khí. Mặc dù dự thảo Luật này đã đưa ra 17 hành vi bị nghiêm cấm như cấm chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, cấm nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức, nhưng xung đột lợi ích giữa một bên là nhu cầu nguyên liệu giá rẻ và một bên là bảo vệ môi trường trong các quy định cho phép nhập phế liệu, khiến các nhà làm luật “đau đầu”.

Lo ngại quy định của dự thảo Luật sẽ biến nước ta thành bãi rác thải lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, không cấm nhập phế liệu nhưng cũng không nên khuyến khích cần lập ra hàng rào kỹ thuật để hạn chế. Cho nhập nhưng mức độ, quy định ra sao phải làm rõ, nếu không sẽ đi ngược lại mục đích của Luật Bảo vệ môi trường. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách có thái độ rất kiên quyết khi nhấn mạnh phế liệu là thứ mà các nước có trình độ khoa học công nghệ cao cũng phải bỏ đi, trong đó có cả phế thải không tiêu hủy được, vậy nước ta còn nhập về làm gì? Dự thảo Luật ra đời sẽ kéo theo gánh nặng cho ngân sách do phải thành lập các quỹ môi trường, chính sách miễn giảm thuế, nhất là tăng biên chế, thêm cán bộ, thanh tra môi trường.

Nếu mỗi xã có thêm một cán bộ môi trường thì cả nước sẽ tăng thêm biên chế không biết bao nhiêu người. Chưa kể, trong khi vòng đời của các dự án lớn hoặc quy hoạch phát triển đô thị có kỳ hạn 20 năm, tầm nhìn 30 năm, còn quy hoạch bảo vệ môi trường chỉ có thời hạn 10 năm. Vậy công tác đánh giá tác động môi trường sẽ tính toán như thế nào? Khi phân tích các khía cạnh lợi và hại của quy định cho nhập phế liệu, một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận, việc cấm nhập phế liệu là rất khó do nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Song, cho phép nhập mà không có những quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép cũng như những chế tài xử phạt vi phạm nghiêm minh, thì hệ quả tất yếu là lợi bất cập hại, để lại hậu quả lâu dài. 

Báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận định, việc nhập khẩu phế liệu lẫn rác thải công nghiệp độc hại về các cảng biển diễn ra từ nhiều năm nay, song chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Nguyên nhân chính là do việc này mang lại lợi nhuận cao khiến doanh nghiệp tìm cách lách luật, ngụy trang bằng thủ đoạn ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ ba.