Phát kinh vì “Kiss Cam” phiên bản Việt

ANTĐ - Trào lưu “Kiss Cam” (Cưỡng hôn người lạ) trên phố với rất nhiều các đoạn clip được đăng tải tràn lan khắp mạng xã hội Facebook. Bỗng dưng xuất hiện và có cả triệu ý kiến về trào lưu này. Thực tế, tại nước ngoài, Kiss Cam là một trào lưu rất đáng yêu, nhưng khi sang đến Việt Nam thì đã bị biến tướng đến mức méo mó, dị dạng…
Phát kinh vì “Kiss Cam” phiên bản Việt  ảnh 1

Thực tế Kiss Cam thường diễn ra ở các sân vận động, vào thời gian nghỉ của một trận đấu, khi máy quay “lia” đến cặp đôi nào thì họ sẽ hôn nhau bất kể không quen biết, và hình ảnh của họ sẽ được phát trên màn hình lớn của sân vận động.

Thời gian gần đây, Kiss Cam đã được giới trẻ phương Tây “đường phố hóa” và các cô gái sẽ tặng nụ hôn bất kỳ cho các chàng trai ngẫu nhiên họ gặp trên phố và diễn biến sẽ được quay lại bằng một camera giấu kín. Và các clip Kiss Cam ở nước ngoài tạo cho người xem cảm giác thú vị, cởi mở thì ngược lại, những clip Kiss Cam… phiên bản Việt khiến người xem thấy phát khiếp vì sự vô duyên, kỳ cục, và hết sức phản cảm.

Người ta đã dùng rất nhiều các cụm từ “mạnh” để phản ứng về trò Kiss Cam “made in Vietnam” như bệnh hoạn, biến thái Điển hình phải nhắc đến Bà Tưng (Lê Thị Huyền Anh) đã thực hiện một loạt clip “cưỡng hôn” hàng loạt trai lạ trên phố. Thế rồi chị em nọ, thiếu nữ kia cứ a dua theo trào lưu mà “đè bẹp” văn hóa, hả hê khi “cưỡng hôn” thành công, đặc biệt là sự thay đổi về cá tính - sự phóng khoáng quá đà không phù hợp với hình ảnh con gái Việt Nam.

Chính sự liều mạng cưỡng hôn những chàng trai đang đi cùng vợ, người yêu của họ; và kết quả là có người đã bị đuổi đánh, chửi bới và bị cho là quấy rối, làm phiền người khác. Ở nước ngoài, Kiss Cam đối tượng được hôn thường chạc tuổi như nhau, nhưng khi về Việt Nam, già-trẻ-lớn-bé chẳng phân biệt độ tuổi, cứ thấy ai là xông vào ngấu nghiến hôn lấy hôn để tính số lượng? 

Tuy mới xuất hiện, nhưng Kiss Cam tại Việt Nam bị rất nhiều ý kiến phản đối. Lý do thì quá rõ, vì Kiss Cam trở thành một trò lố, một sự méo mó của một trào lưu. Chưa kể đến việc văn hóa Đông - Tây có những sự khác biệt riêng và không phải trào lưu nào du nhập về cũng phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Quan trọng bậc nhất chính là thái độ tiếp nhận, cách sàng lọc và tư duy vận dụng của bạn trẻ Việt khi trào lưu đổ bộ.  

Không phải cứ cái gì người nước ngoài làm được thì mình cũng làm được, cái gì người nước ngoài làm là cũng đúng, cũng vui, cũng phù hợp với chúng ta, bởi trước một trào lưu mới chúng ta cần lưu ý tới yếu tố văn hóa - truyền thống và xã hội. Điều quan trọng nhất chúng ta phải xác định là chúng ta đang sống ở môi trường nào, sống trong một nền văn hóa như thế nào và cho dù như thế nào đi chăng nữa thì mỗi cá nhân là một thành viên của cộng đồng và tập thể nên chúng ta không thể quá xa rời cũng như đi ngược lại những quy chuẩn mà xã hội đang đặt ra.