Phát hiện và thắp sáng nguồn nhân lực, tài năng trẻ quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua 18 năm tổ chức, giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng ngày càng thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng của toàn xã hội và trở thành sân chơi khoa học công nghệ được chờ đợi hàng năm của các bạn trẻ yêu khoa học công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước.

Hành trình tìm kiếm, tôn vinh tài năng trẻ

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng chính thức được phát động lần đầu tiên vào năm 2003 nhằm phát hiện, tôn vinh và xây dựng nguồn nhân lực trẻ, tài năng quốc gia, tạo môi trường chắp cánh cho những tài năng trẻ khoa học công nghệ tiếp tục phát triển, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Giải thưởng do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm trao tặng cho các cá nhân không quá 35 tuổi có thành tích xuất sắc về khoa học công nghệ đang học tập, nghiên cứu và làm việc trong và ngoài nước.

Giải thưởng khuyến khích người dân tộc thiểu số, khuyết tật hoặc vừa là nhà khoa học, nhà sáng chế đồng thời là thành viên chủ chốt trong tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ tiên phong trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ giá trị cao trên thị trường.

“Giải thưởng cũng là một trong những tiền đề, động lực để tiếp tục và động viên, khích lệ các bạn trẻ và tiếp tục yêu khoa học tiếp tục tham gia đóng góp không cho sự phát triển của khoa học nghệ nước nhà cũng như là thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong cuộc sống và trong đời sống, trong sản xuất, trong kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định.

Qua 17 năm tổ chức, đã có 174 cá nhân được trao giải và họ đều được chắp cánh để tỏa sáng, trở thành những nhân tố then chốt, nhân lực khoa học công nghệ quan trọng, đóng góp to lớn cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước cũng như hội nhập với sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam trên toàn cầu.

PGS.TS Lê Văn Cảnh, Phó Hiệu trưởng Đại học quốc tế, Đại học quốc gia TP.HCM, Giải thưởng Quả cầu vàng 2013 chia sẻ: “Tôi luôn luôn tự hào về thành tích giải thưởng Quả cầu vàng mình đã đoạt được và luôn giữ nhiệt huyết để phát triển nghiên cứu khoa học. Tôi luôn nhận thức, trách nhiệm của mình để đưa ra những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế”.

Ông Ngô Minh Long - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Hậu Giang, giải thưởng Quả cầu vàng 2011: “Giải thưởng đã lan tỏa được sức sáng tạo, khí thế, tinh thần cộng đồng và phát hiện ra những cái tài năng sáng tạo thanh niên để các ngành, các cấp hỗ trợ tài năng phát triển và tạo ra những giá trị mới cho xã hội”

Trao giải thưởng Quả cầu vàng 2021 cho các cá nhân xuất sắc

Trao giải thưởng Quả cầu vàng 2021 cho các cá nhân xuất sắc

Phát triển nguồn nhân lực trẻ, tài năng quốc gia

Để Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng luôn đáp ứng với yêu cầu thực tiễn phát triển nhân lực khoa học công nghệ của đất nước, năm 2021, giải thưởng tiếp tục có nhiều đổi mới, bổ sung, mở rộng và ưu tiên xét chọn các ngành thuộc danh mục các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên quốc gia đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ .

Giải thưởng năm nay cũng đã được mở rộng phạm vi, lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số - một trong mục tiêu quan trọng để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 và phục hồi kinh tế. Sự quan tâm của cộng đồng đối với giải thưởng năm nay lại rất lớn, với hơn 260.000 lượt bình chọn, gấp 4 lần so với năm 2020 đã cho thấy mức độ lan tỏa và ảnh hưởng của giải thưởng trong xã hội.

Về trình độ học vấn, năm nay, giải thưởng Quả cầu vàng có sự tham gia của 46 Tiến sĩ, 20 Thạc sĩ, 7 sinh viên, ứng viên nhỏ tuổi nhất sinh năm và lớn tuổi nhất sinh năm 1986. Năm nay, chất lượng hồ sơ tương đối đồng đều ở các lĩnh vực so với những năm trước, số lượng hồ sơ tăng hơn, đặc biệt là các ứng viên đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản.

Có thể nói, phát triển nguồn nhân lực trẻ, tài năng quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của riêng các cấp quản lý Nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội và nói đến thành công của Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu vàng không thể không nhắc tới sự đồng hành, ủng hộ mạnh mẽ, thiết thực của các doanh nghiệp và các nhà tài trợ. Suốt 10 năm qua, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát, nhãn hàng Dr Thanh là nhà tài trợ của giải thưởng. Ý nghĩa xã hội và tinh thần nhân văn của giải thưởng chính là nền tảng để các nhà tài trợ sẵn sàng tiếp sức và đồng hành cùng Quả cầu vàng.

“10 năm đồng hành cùng Giải thưởng Quả cầu vàng từ năm 2011, chúng tôi đánh giá rất cao chương trình và đây là một sân chơi ý nghĩa cũng như hoạt động ghi nhận tài năng trẻ của Việt Nam”, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định.

Biết ơn và tự hào quốc gia

Năm 2021, Hội đồng giải thưởng đã chọn ra 10 gương mặt tiêu biểu trong 66 ứng viên để vinh danh. Điểm đặc biệt, có nhiều cá nhân là chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia, có đề tài ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả cao, có nhiều công trình khoa học chất lượng cao, có nhiều bằng độc quyền, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.

“Tôi là một trong mười người được giải thưởng Quả cầu vàng năm 2013, giải thưởng đã mang lại cho chúng tôi động lực rất lớn. Từ khoảng thời gian 2013 đến nay thì bản thân tôi và sản phẩm nghiên cứu của chúng tôi cũng đã được cải tiến cũng như là phát triển nhiều và đã được ứng dụng rộng rãi trong toàn quốc”, bà Đàm Thị Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách Khoa Hà Nội cho biết.

Những cá nhân xuất sắc được phát hiện và thắp sáng từ giải thưởng đã thực sự được tiếp sức để chinh phục những thành tích cao hơn trong học tập, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Tiên sĩ Đặng Đức Huy, Giáo sư tập sự Đại học Trent, Canada (giải thưởng Quả cầu vàng 2020) tâm sự: “Giải thưởng một giá trị lớn hơn rất nhiều, bởi vì đây là sự công nhận của Tổ quốc cho những cống hiến mang tính quốc tế và đương nhiên cùng với vinh dự là trách nhiệm. Những ai đoạt giải năm nay và cả những năm trước đều chắc chắn rất biết ơn. Từ đó sẽ có nhiều cống hiến không chỉ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo cũng như kinh tế - xã hội và chúng tôi luôn hướng về Tổ quốc”…

“10 năm đồng hành cùng Giải thưởng Quả cầu vàng từ năm 2011, chúng tôi đánh giá rất cao chương trình và đây là một sân chơi ý nghĩa cũng như hoạt động ghi nhận tài năng trẻ của Việt Nam”.

Bà Trần Uyên Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát)

Danh sách 10 tài năng trẻ nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2021

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ năm 2021.

Lĩnh vực Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa

TS Nguyễn Thanh Bình (35 tuổi), Trưởng bộ môn Ứng dụng tin học, Khoa Toán - Tin học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia TP.HCM).

TS Phạm Quốc Việt (31 tuổi), Giáo sư hợp đồng, Đại học quốc gia Busan, Hàn Quốc.

ThS Lê Hoàng Quỳnh (34 tuổi), giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội.

Lĩnh vực Công nghệ y - dược

TS Trương Thanh Tùng (32 tuổi), Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, trường Đại học Phenikaa.

TS Bác sĩ Đào Việt Hằng (34 tuổi), Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội.

TS Đỗ Phúc Huyền (35 tuổi), Phó Giám đốc Viện Kinh tế và Công nghệ y tế (iHeat).

Lĩnh vực Công nghệ sinh học

TS Ninh Thế Sơn (33 tuổi), Phó Trưởng phòng Hóa sinh ứng dụng, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Lĩnh vực Công nghệ môi trường

ThS Hồ Xuân Vinh (34 tuổi), Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới

TS Nguyễn Trọng Hiếu (33 tuổi), nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp, trường Đại học Quốc gia Australia.

TS Phạm Văn Trình (35 tuổi), nghiên cứu viên chính, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.