Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn về “Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học - những tiềm năng mới giữa Nga và Việt Nam” vừa diễn ra tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh hai hội nhãn khoa Việt Nam và Nga nên bàn thảo về kế hoạch hợp tác và mong những đồng nghiệp Nga sang Việt Nam nhiều hơn để trình diễn kỹ thuật chuyên ngành, để Việt Nam tiếp thu được những kỹ thuật hiện đại của phía bạn.
Nhận định về dự án hợp tác nhãn khoa giữa hai nước, ông Sergey Tanakov - Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam nói: Nếu dự án thành công sẽ mang lại lợi ích lớn cho lĩnh vực kỹ thuật trong ngành y khoa. Ví dụ những cháu bé bị bong võng mạc sơ sinh rất cần sự hỗ trợ kịp thời mà các bác sĩ Nga có thể đảm nhận. Một vấn đề không hề nhỏ là dân số Việt Nam gần 90 triệu người và số trẻ em phải mang kính tăng lên hàng ngày. Vì thế sự hợp tác sẽ mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. “Tôi đã nhìn thấy một triển vọng lớn bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga sẽ là nơi tiếp nhận những công nghệ tiên tiến nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả Đông Nam Á và là nơi đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng cho y học Việt Nam”, Ngài Tham tán nói.
Về phương pháp chẩn đoán nhanh thị lực, cốt lõi của chương trình hợp tác lần này, ông Kordash Vitaly - Phó Tổng giám đốc Tổ hợp vi phẫu mắt Fyodorov cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện công nghệ chẩn đoán thị lực qua hệ thống máy tính đặt ở các trường học phía Bắc Liên bang Nga. Với hệ thống này, chúng tôi thiết lập hệ thống dữ liệu lớn để thống kê các bệnh thị lực hoặc để đưa lên các cơ sở y tế. Phần mềm “Chẩn đoán nhanh thị lực” đã có phiên bản tiếng Việt
và phải có mã số để
vào được trang web: http://mntk.mednsk.ru/visuser.html. Sau khi đăng ký họ tên, học sinh sẽ qua 4 bước kiểm tra, tất cả chỉ trong vòng 5 phút. Như vậy trong vòng 1 ngày, tất cả học sinh trong trường có thể thực hiện xong bước kiểm tra thị lực. Sau khi có thống kê cụ thể về tình hình thị lực ở trẻ, chúng tôi mời bệnh nhi tham gia vào những chương trình điều trị. Chương trình này sẽ giúp phát hiện ra những nhóm trẻ có nguy cơ giảm thị lực ở Việt Nam. Mức độ chính xác đạt 100% nếu học sinh tuân thủ theo hướng dẫn trong phầm mềm”.
Dự án này bước đầu triển khai ở bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga. Tiếp theo, chương trình sẽ đi tới các trường tiểu học, THCS, THPT, ở Hà Nội.